leftcenterrightdel
 PGS.TS Vũ Xuân Phú và mẹ - cụ Bùi Thị Thơm

Trên cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, thời gian rảnh rỗi của PGS.TS. Vũ Xuân Phú vô cùng hiếm hoi. Nhưng hễ thu xếp được là ông lại lao ngay về với mẹ (là cụ Bùi Thị Thơm, đang sinh sống ở Lào Cai). 

Đầu đã hai thứ tóc, cũng chẳng mấy nữa mà được làm ông nội, ông ngoại nhưng giữa bộn bề cuộc sống, phút giây ông cảm thấy hạnh phúc, ấm áp nhất chính là những khoảnh khắc được ở bên mẹ. 

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ, mỗi lần về với mẹ, được mẹ chăm lo, yêu chiều, tôi luôn thấy mình quá đỗi nhỏ bé. Cái cảm giác được chở che, chiều chuộng, yêu thương vô điều kiện thực sự chỉ có mẹ mà thôi", PGS.TS. Vũ Xuân Phú chia sẻ.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Vũ Xuân Phú và mẹ - cụ Bùi Thị Thơm

Theo bộc bạch của ông, nếu người truyền đam mê, khơi nguồn ước mơ sự nghiệp cho ông là cha thì người thắp sáng và nuôi dưỡng ước mơ đó chính là mẹ. Quê gốc PGS.TS. Vũ Xuân Phú ở xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Bố ông là cán bộ Nhà nước được điều động lên Lào Cai công tác. 

Khi PGS.TS. Vũ Xuân Phú mới tròn tháng tuổi, thương con thiếu hơi ấm của cha, thương chồng công tác xa nhà, mẹ của ông đã bế con, theo chồng lên Lào Cai giữa lúc miền Bắc "mưa bom, bão đạn". Để chồng yên tâm công tác, các con yên tâm học hành, người mẹ ấy âm thầm làm hậu phương vững chắc. 

"Tính cách kiên trì, nhẫn nại, theo đuổi mục tiêu đến cùng cũng như lòng vị tha, trong sáng, nhiệt tình, tận tụy trong công việc mà tôi có là được tiếp nối từ những ảnh hưởng tích cực của mẹ", PGS.TS. Vũ Xuân Phú nói.

leftcenterrightdel
 Mỗi lần về với mẹ, PGS.TS Vũ Xuân Phú lại được mẹ vào bếp "chiêu đãi" những món ngon

Nhà có 5 anh em đều phương trưởng, mỗi người yêu mẹ theo một cách riêng. Là con cả, từ bé chứng kiến những vất vả của mẹ nên trong trái tim PGS.TS Vũ Xuân Phú, mẹ là "tượng đài của đức hy sinh, bao dung, độ lượng". 

PGS.TS Vũ Xuân Phú kể câu chuyện vui dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ông cùng con trai về Lào Cai thăm mẹ ít hôm. Suốt mấy bữa bố con ông ở lại nhà, mẹ ông nhăm nhăm đi chợ, nấu nướng, ăn xong lại giành phần rửa bát. Vậy là con trai tóc đã hoa râm và cháu trai chỉ có mỗi "nhiệm vụ" là "hưởng sung sướng" bên mẹ, bên bà.

Mẹ PGS.TS.Vũ Xuân Phú đến giờ vẫn giữ nếp truyền thống, nên khu vườn nhỏ trên sân thượng của cụ mỗi đận giáp Tết luôn có những luống mùi. 

"Đám mùi non mẹ làm gia vị cho bữa ăn. Còn đám mùi già, mẹ để dành nấu nước rửa mặt, tắm gội cho cả nhà. Hàng chục năm xa mẹ nhưng trong hành trang cảm xúc, hương nước mùi già mỗi chiều 30 Tết không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi. Đôi khi, lướt đi trên đường, thấy nhiều hình ảnh liên tưởng là tôi nhớ ngay về mẹ".

Nhắc đến Ngày của Mẹ, PGS.TS. Vũ Xuân Phú cho rằng, đó chỉ là cái cớ để chúng ta tôn vinh người mẹ chứ trái tim vĩ đại của mẹ chẳng có sách bút nào tả thấu, không bao giờ cháu con kể hết.

"Ngày của Mẹ" nhằm tôn vinh những người mẹ trên toàn thế giới, nhắc nhở những người con nhớ đến công sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Năm 1911, lần đầu tiên "Ngày của Mẹ" được tổ chức ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Năm 1914, Tổng thống Mỹ ký văn bản ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm là "Ngày của Mẹ". Năm nay, "Ngày của Mẹ" rơi vào Chủ nhật 14/5.

Thảo Miên