Minh họa
Ngày nhỏ, nhờ thường xuyên được ra đồng với cha mà tôi biết kha khá về các loại cỏ cây mọc nhan nhản trên cánh đồng. Trong đó phải kể đến là rau má. Xanh như màu cỏ, lá hơi tròn, mọc đầy bờ ruộng, nhất là những nơi đất ẩm ướt hoặc mọc lan ra trên những mỏm đất cao, tất cả mọi nơi trên cánh đồng ấy tôi đều bắt gặp.
Rau má rất dễ phân biệt, mặc dù phải “trà trộn” với đám cỏ ấu hay những bờ cỏ dại mọc chi chít nhau để tranh giành chất dinh dưỡng. Bữa cơm nhà nghèo ngày đó không thiếu những rổ rau má mẹ rửa thật sạch, ngâm qua với chậu nước muối rồi để cả nhà chấm mắm ăn cùng với cơm. Rau má ở quê cùng với rau tập tàng, trở thành “bộ đôi” món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm mùa hè, sau một ngày thật dài ra đồng làm việc vất vả.
Năm lên chín tuổi, tôi có được thu nhập đầu tiên từ chính loài rau dại mọc lan trên khắp bờ ruộng, ẩn nấp dưới những đám rơm khô phủ kín khắp luống khoai sọ đang mùa khát phân, phình to thân củ. Rau má nhờ mọc trên lớp đất xốp tơi sau những ngày bón phân như thế mà phát triển nhanh chóng, chẳng mấy chốc đã lan mình mọc thành từng bụi sum suê.
Đó là đợt thương lái về quê hỏi mua rau má cho những nhà hàng ở phố. Trẻ con ở quê ngoài giờ sách vở trên lớp, có thêm những giờ giang nắng ngoài đồng, bứt những bụi rau má về cân thành từng ký bán cho người buôn tới mua tận nhà. Có đứa tranh thủ lúc lũ trâu mải mê gặm cỏ, xách bọc đi lùng sục các ngả ruộng mà bứt cho được những túi rau má mang về, lấy tiền bỏ vào lợn đất.
Mẹ thường không cho tôi ra đồng những trưa nắng gắt vì sợ mấy đứa con giang nắng rồi về nhà đổ bệnh. Vậy nên tranh thủ lúc mẹ cha đi vắng, tôi thường lẻn đi bứt rau má theo đám trẻ trong xóm, trong làng. Để rồi chiều chiều khi về tới nhà, đã thấy mẹ đã để sẵn cây vọt bẻ vội từ cuống lá đu đủ, hoặc cành tre nhỏ mà đánh đòn vì tội dám cãi lại lời mẹ cha. Cũng may có bà nội lúc nào cũng về phe chúng tôi, luôn là người đứng ra bênh vực hoặc “bao che” cho chúng tôi trước mặt mẹ cha những lần phạm lỗi. Có khi giận quá nhưng không làm gì được, mẹ hờn lây sang nội mà bảo “Mẹ cứ chiều tụi nhỏ, để sau này hư hỏng không ai dạy được”. Đáp lại câu giận lẫy của mẹ chỉ là những cái liếc mắt và nụ cười tủm tỉm của nội.
Nội mất khi tôi dang dở với bài luận cuối khóa ở tận nơi xa nên không thể về nhìn mặt lần cuối. Đó là điều khiến tôi hối tiếc nhất cho đến tận bây giờ. Cảm giác hoang hoải cứ bao trùm lấy tâm trí tôi mỗi khi nghĩ về, bởi tôi đã không thể ở bên, ngắm nhìn gương mặt phúc hậu của nội trong những giây phút cuối cùng nội còn lưu lại dương thế.
Để rồi dịp giỗ nội mỗi năm, dù công việc có bận bịu đến đâu tôi cũng sắp xếp về nhà. Để cùng gia đình ra thăm mộ nội, giữa cánh đồng hun hút gió và rợp trời cỏ may. Cánh đồng mà nội đã an giấc ngàn thu cũng chính là nơi mà cả đời nội đã từng gắn bó.
Những hồi ức đầu tiên về loài rau ấy đến bây giờ tôi vẫn đau đáu mỗi lần ghé ngang chợ phố, mua vài ba thứ về phòng trọ nấu nướng những sáng cuối tuần. Rau má ở phố bán nhiều, vài ba ngàn đồng là được một túi nilon, đó là lý do người thành phố vẫn chọn loại rau ấy như một đồ uống giản đơn, giải nhiệt cho những ngày phố oi nồng. Từ những quán nước vỉa hè, đến những cửa hàng cà phê máy lạnh, rau má trở thành đồ uống “quốc dân” ở thành phố này, nhanh chóng tiện lợi, giá cả bình dân nhưng tự hỏi mấy ai có được những kỷ niệm về loài rau dại mọc đầy bờ ruộng, luống khoai như chúng tôi ngày xưa không nhỉ?
Song Ninh (baodaklak)/Quehuongonline.vn