Tuổi thơ tôi có một bờ đê. Mỗi lần đi học, tôi đều đi ngang qua đó. Gọi là bờ đê vì nó không lớn như con đê mà bé như cái bờ ngăn cách 2 đám ruộng. Chỉ khác là nó to hơn và có một hàng tre khoảng mười mấy bụi dọc theo làm râm mát những buổi trưa làm đồng và cho đám trẻ con bọn tôi nghỉ mát khi đi học về hay những buổi chiều hè tụm năm tụm ba khi những con trâu bọn tôi chăn đang thơ thẩn ngoài đồng ăn cỏ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Internet

Bờ đê gió mát lắm. Bờ đê gió xôn xao. Những khóm tre gió đung đưa rì rào như tiếng võng ngàn xưa của bà, của mẹ. Chẳng trách các bác nông dân lúc nào cũng nghỉ trưa ở đó, vấn điếu thuốc rê, nhả vài ba lọn khói, rồi đặt lưng xuống ngủ ngon lành. Bờ đê tính ra chỉ vài chục mét, mà lúc nhỏ sao tôi thấy như là cả thế giới của bọn tôi. Hay vì lúc đó còn nhỏ nên mình thấy cái gì cũng lớn, cũng to. Như những bụi tre có chút xíu vậy thôi mà bọn tôi chơi trốn tìm và đánh trận giả suốt những năm ròng thơ ấu.

Ba tôi nói, ngày xưa nó là những gò mối nối tiếp nhau. Rồi ông tôi mới dần dần san nó thành bờ và trồng một hàng tre ở đó cho mát. Lâu dần, người qua kẻ lại ngồi nghỉ hóng mát nên mặt đất nhẵn và bằng phẳng như một khoảnh sân. Có điều, nó cao hơn mặt ruộng khoảng 1 mét nên không gian cao ráo, thoáng đãng. Mọi người xem đó là bờ đê chung, nhất là đám nhóc bọn tôi hễ muốn đi chơi thì chạy ra đó ắt có bạn.

Ban ngày là thế, ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng, bờ đê lại là nơi hẹn hò của mấy anh chị trong thôn. Viết đến đây, tôi không tránh khỏi mỉm cười. Có lần bọn tôi rình 2 anh chị tỏ tình, đến đoạn gay cấn thì bị trượt bờ vì nấp bụi tre nghiêng quá, cả đám rớt xuống ruộng mà cứ cười khúc khích, làm chị thẹn thùng đỏ mặt tía tai, anh thì dặn bọn tôi đừng méc lại với ông Năm - ba chị ấy.

Rồi cái ngày chị đi lấy chồng, người ta cũng rước dâu bằng lối bờ đê. Bọn tôi cũng chạy ra mà xem đám cưới. Anh mới đứng phía sau bọn tôi đó, mà khi cô dâu ngoái đầu nhìn lại thì anh đã chạy xa mấy quãng ruộng rồi.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Internet

Cũng có những đêm mưa, 2 bên bờ đê là nơi cắm câu lý tưởng. Ba tôi thường mang rất nhiều cá về. Cá lớn thì câu được, cá con dính trong những cái lờ người ta hay đặt chỗ nước chảy từ bờ ruộng trên xuống ruộng dưới, 2 đám ruộng 2 bên bờ đê. Có cả ếch nhái trốn trong những đám cỏ mọc ven thành bờ. Đám ếch nhái này là ầm ĩ nhất, mưa một trận là kêu vang rền, tạo nên những âm thanh đồng quê đã đi vào ký ức bao thế hệ.

Ruộng ngày xưa không còn nữa, thay bằng khu công nghiệp hiện đại. Tôi về quê không còn biết bờ đê khi xưa bây giờ là chỗ công ty nào nữa. Cứ nhớ mang máng nó từng ở đó, tuổi thơ của tôi từng ở đó.

Và khi viết những dòng này, tôi nghe như có tiếng côn trùng rả rích những đêm trăng, nghe như tiếng gió ngày xưa vẫn thổi về, xôn xao một vùng ký ức.

Theo phụ nữ TPHCM