Tù Và là ngọn núi dài và cao nhất huyện tôi ở Nghệ An. Từ xưa đã có câu truyền miệng rằng: “Cao nhất là núi Tù Và, thứ hai Kẻ Gám, thứ ba Động Thờ”. Đó là 3 ngọn núi nằm theo thứ tự. Trông từ xa, núi Tù Và giống như con rồng khổng lồ, đầu hướng về phía đông, đuôi duỗi về hướng tây. Thân núi có nhiều ngọn đồi dọc dưới chân lên lưng chừng, như những chiếc chân rồng bám xuống mặt đất.

Mặc trời nắng to hay hạn hán đến mấy, mạch nước ngầm vẫn róc rách trong khe núi không bao giờ cạn, dòng nước trong vắt, ngọt mát lạ kỳ. Lúc trời mưa lớn, nước ở trên núi đổ về, dữ dội như những dòng thác trắng xóa.

Núi Tù Và ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Núi Tù Và ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

 

Các khe núi cũng có tên riêng như: khe Đâm, khe Troẹt, khe Rộng, khe Bưởi, khe Đọi, khe Hạc… Phần trên của núi cũng có tên riêng: Treo Màn, Ba Bậc, Đá Dựng, Hông Xôi… Những cái tên có từ bao giờ và ý nghĩa sâu xa thế nào hay chỉ là tên gắn với địa hình theo hình dung của con người cũng chẳng ai rõ.

Chỉ biết rằng, trên núi có nhiều tảng đá lớn nằm cheo leo. Nhiều tảng rất bằng phẳng, song nhiều nơi lại dốc thẳng đứng, như Treo Màn hay Ba Bậc.

Đã vậy, lại còn có rất nhiều câu chuyện ly kỳ thần bí nơi đây. Thuở nhỏ, tôi nghe các cụ trong làng kể: ngày xa xưa ấy, nghĩa là họ cũng nghe kể lại, trên Ba Bậc có con rắn thần to bằng bắp chân người lớn, dài tầm bằng 3 cái đòn gánh nối lại với nhau, nhưng bị cụt đuôi. Trên đầu rắn thần có hạt ngọc to bằng quả cà pháo. Vào những đêm tối trời, nhìn lên núi phía Ba Bậc sẽ thấy có ánh đèn sáng di chuyển như đốm lửa ma trơi. Người ta bảo đó là viên ngọc trên đầu rắn thần phát sáng.

Thả mình xuống thảm cỏ, gối đầu lên tảng đá nhỏ, tôi hít một hơi dài, thoang thoảng hương rành rành, mùi thơm của cỏ cây hoa lá, tiếng hót trong trẻo của chim chìa vôi, lanh lảnh con chích chòe gọi bạn, đâu đó có tiếng chim bắt cô trói cột… cùng tiếng rì rào của rặng thông, tạo nên một bản nhạc kỳ diệu, mơ màng.

Đàn bướm chen vào hoa sim cứ dập dềnh, những con ong hút mật. Tự nhiên tôi nhớ đám bạn thời tóc để chỏm quá, nhớ những cuộc đành hanh cãi vã chỉ vì dành nhau lối cỏ, lối lá mà lời qua tiếng lại vang cả một khoảng đồi, lúc sau lại cười nắc nẻ. Biết bao lần bị ong đuổi chạy bở hơi tai mà vẫn bị chích sưng vù cả chân tay mặt mũi.

Cái trò dại dột lấy đá ném tổ ong, đốt ong để lấy tổ nướng ăn. Cái món này béo ngậy, ngọt giòn nên bị ong cắn cũng không chừa. Rồi những bận gánh lá, đọt bổi về, gióng dài va phải đá, bật khỏi đòn gánh, lăn lông lốc xuống núi, tung tóe cả một trời tuổi thơ.

Đường lên núi nay được lát gạch
Đường lên núi nay được lát gạch

 

Giờ trở về, mái tóc đã thay màu, có những thứ không còn nguyên sơ như trước. Chỉ riêng ngọn núi Tù Và vẫn thế - sừng sững hiên ngang, cổ tích huyền bí; dù đã trải qua khắc nghiệt thời gian, mưa lũ xói mòn, không ít lần phải oằn mình dưới những trận lửa thiêu cháy, núi vẫn hồi sinh, đem màu xanh trở lại cho đời.

Núi Tù Và như biểu tượng mang hồn cốt của một vùng quê. Núi bao dung như tấm lòng của mẹ, bao tháng năm vẫn đợi tôi về.

Theo phụ nữ TPHCM