leftcenterrightdel

Cô Phấn và lớp học chữ dành cho các bệnh nhi ung bướu - ẢNH: NVCC

Cô Phấn bắt đầu dạy các em nhỏ tại bệnh viện từ năm 2009, tính đến nay đã được 12 năm.

Đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, vào cổng chính băng qua hai dãy cầu thang tới lầu 2 khu B, mọi người hay thấy một cô giáo thường mặc chiếc áo màu xanh, thân hình nhỏ nhắn với mái tóc xõa ngang vai, giọng nói êm ả, lưu loát và nhẹ nhàng dạy các bệnh nhi chăm chú ê a, nắn nót từng con chữ.

Hết lòng dạy chữ cho bệnh nhi ung thư

Năm 2007, cô Phấn bén duyên với chương trình “Ước mơ của Thúy” của Báo Tuổi Trẻ. Biết cô Phấn thường xuyên đến tặng quà cho các bệnh nhi, ngay lúc chương trình kết hợp với bệnh viện mở lớp học chữ dành cho bệnh nhi ung thư đang cần giáo viên phụ trách, nhà báo Tố Oanh - chủ nhiệm chương trình đã đến tận nhà mời cô Phấn dạy học và được cô đồng ý ngay.

Tuy nhiên, cô Phấn đắn đo vì đang dạy công chức và dạy bán trú sẽ bất cập về thời gian. Thế là, cô Phấn trình bày với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đuốc Sống (Q.1) và được đồng ý sắp xếp trống lịch vào chiều thứ sáu. Từ đó, lớp học chữ được khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 4.9.2009.

Lớp học chữ duy trì đều đặn vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hàng tuần, mỗi buỗi kéo dài 2 tiếng, khoảng 1 tiếng rưỡi dạy Toán và Tiếng Việt theo sách giáo khoa, còn lại 30 phút sinh hoạt múa hát, vui chơi.

Cuối giờ học, mỗi bé nhận một phần quà bao gồm bánh kẹo, sữa… do các cô giáo, bạn bè gần xa gửi tặng. Cô Phấn cười: “Có những bé mệt không học được, canh tới giờ qua lớp sinh hoạt, các bé khoái giờ đó lắm!”. Rồi cô chia sẻ thêm: “Nhiều em đang học giữa chừng thì ‘mệt quá, xin về’ vô thuốc, lấy tủy, lấy máu. Hay học sắp xong rồi thì mới chạy vào, ‘con mới truyền thuốc xong’, ‘con mới lấy máu xong’!”.

Hơn 10 năm duy trì và phát triển lớp học, cô Phấn gặp không ít những khó khăn. “Mình học sư phạm, được đào tạo dạy những đứa trẻ bình thường khỏe mạnh, nhưng nay lại dạy những đứa trẻ bị bệnh, cho nên về giáo án dạy cũng khó. Tuy bám theo sách giáo khoa nhưng vẫn có chọn lọc và tập huấn. Trước đó, giáo viên tình nguyện phải dạy qua thử rồi rút kinh nghiệm. Giáo viên đều có kiến thức sư phạm, nhưng đối tượng trẻ em này không phải là đối tượng của mình, nên phải trải qua một thời gian rút tỉa nhiều kinh nghiệm thì mới tập huấn được”, cô Phấn tâm sự.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng cô Phấn vẫn ròng rã cố gắng vượt qua để “mở cửa thiên đường” cho nhiều bệnh nhi ung thư. Khi thì dạy ở phòng sinh hoạt chung, khi thì dạy trong phòng bệnh. Mỗi phòng rộng 30m 2, có khoảng mấy chục bệnh nhân, cô phải kê hai cái bàn nhỏ để mấy bé ngồi cho giáo viên tình nguyện vào dạy.

“Lúc bệnh nhân đông quá, họ không cho dạy vì ‘sống chết thì chưa biết mà dạy học cái gì’. Thậm chí lúc dạy có bé mệt phải đi truyền, có bé mất tại chỗ. Thành ra khó khăn lắm”, cô Phấn ngậm ngùi.

Vượt qua nỗi đau mất trò

Nhiều năm qua, cô Phấn xót xa tiễn biệt những học trò ngoan của mình. Cô Phấn bộc bạch: “Có những lúc mình đang dạy hay tin bé sắp mất, chạy qua chứng kiến cảnh đó, vuốt mắt… Thời gian đầu mình chịu không nổi. Nhưng dần mình làm chủ được cảm xúc. Mình đau, mình buồn, mình tiếc nhưng tự nhủ rằng phải mạnh mẽ đứng lên, chứ không quỵ ngã, phải tìm lối đi cho mình”.

Để lưu những hình ảnh và kỷ vật của các bé, hơn 10 năm qua, mỗi buổi học cô đều chụp hình các bé và giữ kỹ tập vở cho đến khi bé mất. Những quyển vở được các bạn tình nguyện viên thiết kế thành quyển, cô Phấn đều xuống tận nhà trao trả kỷ vật lại cho ba mẹ các bé.

Cô kể có lần đang dạy trong bệnh viện, cuối giờ có một anh chàng đi vào ôm cô bất ngờ: “Cô Phấn! Cô có nhận ra con không? Con là Lâm Huyền đây! Hồi nhỏ cô hay chọc con là Lâm huyền Lầm đó”. Cô mừng rỡ: “Lý Lâm Huyền, cô nhận ra con rồi!”.

leftcenterrightdel
 Kỷ vật của một em học sinh được cô Phấn trao lại cho gia đình - ẢNH: NVCC

Gần 10 năm gặp lại Lâm Huyền, cô Phấn vẫn nhớ như in hình ảnh một cậu bé bị ung thư máu hay đến lớp cô học. Cô nói Lâm Huyền là trường hợp ổn định nhất. Vừa rồi, Lâm Huyền đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021.

Niềm vui của cô Phấn là khi được gặp lại các bé khỏe mạnh. Hầu như trong suốt hành trình dạy học, cô đều đi thăm các bé đã mất. Cô Phấn bùi ngùi: “Có khi tôi dự đám tang, có khi thăm gia đình và trao trả kỷ vật. Nhưng tôi chưa từng thăm được những bé còn sống để đón mừng cô”.

Với cô, các bé tuy có tuổi đời rất ngắn, nhưng quãng đời ngắn đó đã trọn vẹn. Các bé được học, được chơi, được vui là đủ rồi. Ba mẹ dù đau buồn nhưng cảm thấy con mình được yêu thương, vỗ về thì cũng vui. Đặc biệt nhất, khi trao trả kỷ vật, cha mẹ không ngờ sẽ có hình ảnh con mình từ nhỏ đến lớn, từ quyển vở, album được cô Phấn tận tay gửi lại.

Những búp măng non chưa xanh đã vàng, lại đau lòng hơn khi “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Đối với cô Phấn, nghề giáo là nghề vun trồng - trồng một cái cây nhỏ, lớn lên đơm hoa kết trái, đó là niềm vui. Niềm vui đó không thể diễn tả hết cho mọi người, chỉ để nó được lan tỏa cho mọi người thấy rằng “quãng đời ngắn đó đã trọn vẹn”. 

Theo thanhnien