Mâm bánh xèo nóng hổi, giòn rụm vừa bày ra, các cụ già xúm xít lại, kể cả các cụ ngồi xe lăn. Ai cũng mang gương mặt háo hức.
Có cụ đưa tay nhón một miếng bánh bỏ vào miệng, cụ đứng kế bên la: “Không được”. Ở góc kia, gần khu bếp, có cụ đứng nài nỉ: “Cho bà làm thử với, ngày xưa bà đổ bánh xèo ngon nhất miền Tây à”… Ngay lập tức, có cụ lên tiếng trêu chọc: “Nổ hoài”.
Gặp tri kỷ ở tuổi xế chiều
Tôi đến Viện Dưỡng lão (VDL) Bình Mỹ lần đầu vào một chiều cuối tuần trong cơn mưa tầm tã. Bên hiên khu tập vật lý trị liệu (VLTL) và phòng đa năng là hàng dài những bộ salon gỗ, nơi các cụ và người thân gặp nhau.
Ở hàng ghế gần cổng ra vào có một ông cụ với ánh mắt mờ đục, đôi tay quờ quạng nhưng miệng luôn cười. Cụ ngồi giữa hai phụ nữ trung niên, có lẽ là con gái. Họ lột nho cho cụ ăn. Cách đó vài hàng ghế, một cụ già áo cam được một phụ nữ lấy khăn lau mặt, rồi lau từng ngón tay…
|
Các cụ ở viện dưỡng lão rất thích các trò chơi trí tuệ - Ảnh Tam Nguyên |
Bên trong phòng tập VLTL cũng nhộn nhịp không kém. Một phụ nữ đang đứng bên máy tập lực tay tập cho người mẹ ước chừng hơn 80 tuổi.
Ở bàn trong cùng, điều dưỡng Châu Thế Hiển đang tập cho một ông cụ. Trong lúc đó, một người đàn ông áo cam khoảng trên dưới 50 tuổi cứ cầm remote chuyển kênh ti vi liên tục.
Ở giữa phòng, nơi chiếc bàn lớn, có hai người đàn ông áo xanh, một ngồi trên xe lăn, một ngồi ghế đang bày bàn cờ cá ngựa. Người đàn ông ngồi ghế hô lớn: “Có ai biết chơi cờ cá ngựa không?”.
Một nhân viên VDL hỏi người cầm remote: “Chú Hiền biết chơi không?”. Ông Hiền trả lời dõng dạc: “Không”. Ông tắt ti vi, quay lại nói: “Cái đó chú chơi chú thua tám cái nhà rồi con”. Anh Huy - nhân viên VDL - nháy mắt với tôi: “Cây hài, cây văn nghệ của VDL đó”.
Tiếng người đàn ông cầm remote tỉnh rụi: “Hồi đó tui có 15 cái nhà, đá gà thua bảy, cá ngựa thua tám. Hết nhà mới vô đây nè”. “Vậy vô đây có bán nhà này (VDL) không?” - bác ngồi ghế trêu chọc. Ông Hiền trợn mắt: “Đâu có được, bán cái này thì đem bán tui cũng không thường nổi”. Cả phòng vang lên tiếng cười.
Anh Huy “gạ”: “Chú Hiền lên câu vọng cổ nghe chơi”. Ông Hiền cất lên câu vọng cổ bản Lan và Điệp. Giọng ông ấm, cao và ngọt lịm.
“Vô đây làm ca sĩ vui không chú?” - tôi hỏi. Ông Hiền chưa kịp trả lời, ông Phương trêu: “Vô đây không bị vợ chửi là vui rồi”. Ông Hiền (nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu) là người có thâm niên ở VDL Bình Mỹ: ba năm. Sau tai nạn, ông bị bất ổn tâm lý nên người nhà đưa vào đây để được chăm sóc y tế và an dưỡng.
Tôi hỏi: “Chú Hiền định ở đây bao lâu?”. Ông cười: “Tới chừng nào chết thôi”. Nói xong, ông lại mở ti vi xem và ngân nga hát theo tuồng cải lương đang phát. Đây cũng là câu trả lời chung của phần đông cụ già ở VDL Bình Mỹ.
Ông Nguyễn Trúc Phương (60 tuổi) khoe ông là cựu thủ môn ở Bình Dương, là lính mới vào VDL được sáu tháng. Ông Phương cho biết: "Ở nhà ăn chỉ có một mình buồn lắm. Vô đây ăn có người phục vụ, có đông bạn bè, vừa ăn vừa nói chuyện, rất vui. Ở đây làm gì cũng có anh em. Nói chuyện, chơi đánh cờ, chơi trò chơi… đủ hết".
Ở đây, từ nhân viên đến người già đều quen thuộc hình ảnh sáng sáng, chiều chiều ông Thép đẩy xe lăn cho ông Phương, đi cạnh là ông Bông. Ba người vừa đi, vừa chuyện trò rất vui vẻ. Có bạn tri kỷ ở tuổi xế chiều là hạnh phúc gần như không tưởng của các cụ già, nhất là trong môi trường nhiều người nghĩ sẽ rất buồn, cô đơn như VDL.
Trong VDL này còn có tình bạn khắng khít khác giữa một người đàn ông Mỹ tên Thomas với ông Đinh Quốc Hùng - một bác sĩ Việt kiều. Ông Hùng đã giúp ông Thomas không cảm thấy bỡ ngỡ ở một nơi xa lạ và bất đồng ngôn ngữ. Ông Hùng chủ động trò chuyện và luôn hỗ trợ ông Thomas bất kỳ lúc nào.
Tương tự, bà Mai Khanh (77 tuổi), Việt kiều Mỹ, cũng an cư ở VDL Bình Mỹ hơn bảy năm vì bà đã có được tình bạn, tình thân ở VDL trên đất mẹ dù thân nhân bà không còn một ai ở Việt Nam.
|
Những người già ở viện dưỡng lão sống vui nhờ có tri kỷ - Ảnh: Tam Nguyên |
Đừng “bỏ quên” cha mẹ!
Người viết làm một khảo sát nhanh nho nhỏ bằng cách hỏi ngẫu nhiên 12 cụ ở VDL thì tất cả đều có chung câu trả lời: “Ở đây vui lắm, an toàn và khỏi phiền con cháu”. Vui và khỏe hơn là hai cụm từ rất có ý nghĩa với các cụ, thường được các cụ nhắc đi nhắc lại.
Ông Huỳnh Văn Thép cứ khoe: “Lúc mới vô đây, tui như người tàn phế, không đi đứng được, không tự xúc ăn được, giọng nói cũng đớt đát. Ở nhà, các con tôi đi làm hết, vợ tôi sức khỏe yếu và phải chăm cháu, nấu ăn nên không lo cho tôi kỹ được. Mấy đứa nhỏ sợ tôi ở nhà bị té và không có bác sĩ thăm khám, hay tập VLTL mỗi ngày như ở VDL nên đưa tôi vào đây. Vậy mà vô đây ba, bốn tháng tôi khỏe như vầy rồi nè”.
Vừa nói ông vừa hài hước gồng tay khoe cơ bắp, cũng như đôi chân khỏe mạnh để giờ ông làm đôi chân cho ông Trúc Phương.
Lời ông Thép làm tôi nhớ đến nhiều lần đi thực tế ở bệnh viện đã gặp các cụ già vào cấp cứu vì bị té gãy cổ xương đùi, gãy tay, chấn thương đầu… do ở nhà một mình hoặc do người giúp việc đi nấu ăn, không ở kề bên. Lúc này, người cao tuổi dù được sống trong chính ngôi nhà của mình nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro.
Theo ông Bùi Anh Trung (Giám đốc VDL Bình Mỹ), giải pháp tốt nhất cho người già vẫn là nhận được sự chăm sóc đúng cách của con cháu. Tuy nhiên, nhà chưa hẳn là môi trường lý tưởng nhất để chăm sóc người già. Vì con cái bận đi làm nên dù sống chung nhà, người già vẫn có thể không được chăm sóc chu đáo.
Có những cụ già sống lay lắt qua ngày với thời khóa biểu cố định: thui thủi trong bốn bức tường, ăn cơm một mình, chiều chiều ngóng bước chân con cháu về. Bên cạnh đó, hiếm nhà riêng nào có đủ phương tiện hỗ trợ sự an toàn, thuận tiện cho việc tự sinh hoạt của người già. Ngoài ra, con cái cũng khó có thời gian tạo điều kiện cho người già đi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng, thăm bạn bè…
Chưa kể vào VDL, mỗi ngày sáng chiều người già đều được nhân viên y tế thăm khám sức khỏe, được đội ngũ có chuyên môn xử lý khi thay băng, rửa vết thương, vết lở loét… Do vậy, vào VDL được xem là giải pháp cho người già.
VDL là ngôi nhà vui vẻ, hạnh phúc của người nhà nếu con cái đừng lơ là, bỏ quên cha mẹ. Thực tế, hầu hết người già rất vui, hạnh phúc khi sống ở VDL vì có bạn bè, được tham gia sinh hoạt cộng đồng, được chăm sóc dinh dưỡng, y tế chu đáo…
Thế nhưng các cụ vẫn còn một chút tủi, một chút buồn vì sau khi gửi cha mẹ vào VDL thì thời gian thăm viếng của con cái có xu hướng thưa dần.
Dù xem nơi đây là ngôi nhà lý tưởng nhưng ông N.V.T. (70 tuổi) vẫn khóc mỗi khi chứng kiến cảnh những người con vào thăm cha mẹ.
“Tủi lắm con ơi, nhớ nhà, nhớ người thân lắm! Bác sĩ nói sức khỏe tôi tốt, có thể về nhà chơi và đã gọi điện cho vợ con tôi. Vợ con tôi hứa đến đón tôi về chơi nhưng gần cả tháng rồi không thấy đón, cũng chẳng thấy thăm” - dứt câu, ông cố nở nụ cười để ngăn dòng nước mắt chực rơi.
|
Ở trong đây vui lắm.. Ảnh: Tam Nguyên |
Ông Trúc Phương lúc nào cũng cười khoe: “Ở trong đây vui lắm, tui ở cho tới chết” nhưng khi tôi trò chuyện với ông Thép thì được biết ông bạn thân của ông Thép cứ lén khóc hoài chỉ vì “nhớ con”.
Người già sống ở VDL vui, hạnh phúc là thật, thậm chí có những người vào VDL an nhiên với tâm thế đã chuẩn bị sẵn sàng di ảnh, trang phục cho chuyến đi cuối cùng của cuộc đời nhưng nỗi nhớ người thân thì không niềm vui nào có thể bù đắp được.
Nhìn các cụ háo hức trải nghiệm trong “Ngày hội bánh xèo”, nhìn các cụ vui đùa bên bàn ăn… tôi thấy bóng dáng con mình ngày đi nhà trẻ và mường tượng cả bóng dáng của chính tôi vài chục năm sau.
Tôi tự nhủ giá mà con cái nghĩ cha mẹ đi VDL là đi nhà trẻ hay học nội trú để mỗi cuối tuần hoặc vài tuần lại đón cha mẹ về nhà chơi thì hay biết mấy…
Theo phunuonline.com.vn