Tiếng vĩ cầm vang vọng trong lồng ngực, trong khi tiếng đàn cello và bass rung động ở tầm thấp hơn một chút, những chiếc kèn rung trên vai và những nghệ sĩ độc tấu ở cổ tay. Đó là một cách mà chuyên gia âm thanh Patrick Hanlon lập trình các bộ quần áo haptic, được thiết kế để cho phép những người xem buổi hòa nhạc bị điếc hoặc có vấn đề thính giác trải nghiệm âm nhạc của dàn nhạc.
Tại một buổi hòa nhạc cổ điển gần đây ở Trung tâm Lincoln của Manhattan, các khán giả đã có cơ hội mặc thử chiếc áo khoác không dây kết nối đặc biệt này, với 24 điểm có thể chuyển những âm thanh trên sân khấu thành rung động tác động lên các bộ phận khác nhau của cơ thể.
“Nó kích thích cơ thể người dùng, mang đến cho họ một trải nghiệm không gian ba chiều thông qua các rung động trên cơ thể”, Hanlon chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ AFP.
Hanlon là người đồng sáng lập của dự án Music: Not Impossible, một nhánh của Not impossible Labs - tổ chức nghiên cứu và phát minh những đồ dùng công nghệ để cố gắng giảm bớt các rào cản xã hội, bao gồm cả những rào cản xung quanh người khuyết tật.
|
Những người xem hòa nhạc ở New York mặc bộ đồ haptic, giúp chuyển âm nhạc thành những rung động trên cơ thể, được tạo ra cho cộng đồng người khiếm thính |
Các phương pháp trước đây mà những người khiếm thính hay có vấn đề thính giác có thể làm để thưởng thức nhạc, là đặt tay lên loa hoặc cầm một quả bóng bay để cảm nhận những rung động trên các đầu ngón tay của họ. Giờ đây, những chiếc áo khoác haptic cùng với dải cổ tay và mắt cá chân cho phép người dùng có được trải nghiệm toàn thân, tạo ra những cảm giác khiến âm nhạc có thể gợi lên cảm xúc.
Jay Zimmerman - một nhà soạn nhạc bị suy giảm khả năng nghe do vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 - cho biết, những chiếc áo này là một ví dụ về công nghệ mới, mang lại sự linh hoạt và năng động hơn cho những người có vấn đề về thính giác so với trước đây.
"Hy vọng của tôi là trong tương lai, chúng ta sẽ để những đứa trẻ khiếm thính có trải nghiệm cận cảnh với vạn vật thông qua rung động thực, để chúng bắt đầu xây dựng ký ức thính giác này, ngay cả khi chúng không nghe được qua tai chúng. Tôi nghĩ nếu chúng ta có thể kết hợp tất cả lại với nhau, sẽ có thể tạo ra sức ảnh hưởng thực sự lớn” - Jay Zimmerman nói với AFP.
Trung tâm Lincoln, khu phức hợp nghệ thuật danh tiếng ở phía tây New York, đã bắt đầu hợp tác với Music: Not Impossible vào năm 2021, cho các buổi biểu diễn dàn nhạc và chuỗi sự kiện hòa nhạc ngoài trời nổi tiếng của họ. Lần hợp tác gần đây nhất của họ đã mang đến cho khán giả 75 chiếc áo trong buổi hòa nhạc ngoài trời, trong khuôn khổ Tuần lễ nghệ thuật Hàn Quốc, bao gồm các phần trình diễn âm nhạc dân gian Hàn Quốc cũng như Bản hòa tấu số 2 của Mozart.
|
Một khán giả sử dụng chiếc áo haptic trong một buổi hòa nhạc ngoài trời |
Liza Fiol-Matta là một trong số những người tham dự, và mặc dù không bị khiếm thính, nhưng cô rất hào hứng khi được tham gia thử nghiệm công nghệ này.
Liza chia sẻ: "Âm nhạc là tình yêu lớn của tôi, và ý tưởng bất kỳ ai cũng có thể trải nghiệm âm nhạc thật thú vị. Đặc biệt đối với người khiếm thính, thì điều này vô cùng ý nghĩa. Âm nhạc xảy ra ở rất nhiều cấp độ khác nhau, và tôi thật sự thích ý tưởng cho khán giả đắm chìm hoàn toàn theo chính cách của họ".
Trong những đợt thử nghiệm ban đầu, Mandy Harvey, một ca sĩ bị mất thính lực sau một trận ốm sinh tử, giờ đây đã có thể nêu ra nốt khớp với bản nhạc, sau khi cảm nhận được rung động của nó. Flavia Naslausky - giám đốc kinh doanh của Music: Not Impossible mô tả: “Đó là khi chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, bởi thật tuyệt vời khi một người có thể khớp nốt nhạc của một bản phối, sau khi cảm nhận được rung động từ bộ áo khoác”.
|
Chiếc áo khoác của Music: Not Impossible đang tạo ra một bước đột phá mới trong thời đại mà các sáng kiến nhằm cải thiện tính hòa nhập cho cộng đồng người khuyết tật đang nhận được nhiều sự quan tâm. |
Thêm một điểm thú vị là bộ áo này không bị giới hạn bởi thể loại âm nhạc, và người dùng có thể điều chỉnh các điểm rung động cho phù hợp với không khí của chương trình, kể cả rock hay disco. Những chiếc áo này cũng đã được sử dụng tại các buổi hòa nhạc của Greta Van Fleet và Lady Gaga.
Zimmerman rất hào hứng với tiềm năng của công nghệ này. Anh nói: "Mục tiêu lớn nhất đối với tôi là tôi có thể cảm nhận được tiếng vĩ cầm mềm mại, và nó tuyệt vời đối với cơ thể và tâm trí tôi đến phát khóc… Đây sẽ một là giấc mơ lớn của cả tôi và cộng đồng người khiếm thính".
Theo phụ nữ TPHCM