Con đường đất dẫn xuống nhà nội, nước xói thành nhiều rãnh ngoằn ngoèo như đám giun mập ú ló lên vì ngộp. Rồi trời cũng hửng. Nắng nhạt chưa đủ sức hong khô con đường. Bùn đất còn đầy, bám bánh xe và đế dép dẻo quẹo.
Ngày nào ba tôi cũng qua nhà nội. Có hôm mưa rát quá, ba cũng nóng ruột chạy sang. Qua mấy khúc cua gắt như đánh đố, chiếc xe cũng trườn được lên khoảng sân xi măng xăm xắp nước. Ngó thấy nội ngồi bó gối trong khuôn cửa nơi chái bếp. Nhỏ thó, thấy thương!
|
Ảnh mang tính minh họa |
Nội gần 80 rồi, vẫn thui thủi một mình trong căn nhà ở lưng chừng con đường đất. Bầy con 9 đứa của nội lần lượt lập gia đình, ra riêng. Còn mỗi nội ở căn nhà cũ. Lúc nội bước sang tuổi lục tuần, ba tôi, rồi cô chú đều muốn nội dọn về ở chung. Nhưng nội nói “phiền con phiền cháu”.
Nhà nội là “thiên đường” của tuổi thơ tôi, có khoảng sân rộng phơi lúa thấy ham, có chái bếp nhỏ lúc nào cũng vương mùi củi mùi khói ấm áp. Và có nội luôn nheo mắt cười với chúng tôi.
Tôi 30, trở về thấy căn nhà như bé lại. Những gì gắn bó với nó dường như cũng thế. Khoảng sân mà tôi và mấy đứa em từng chơi rượt bắt đến bở hơi tai, giờ mới hơn mươi bước đã đi hết. Chái bếp khi xưa, nội treo lạp xưởng toòng teng trên sợi dây từ mái xuống, mấy đứa tôi nhón chân mới với tới, thì nay qua cửa còn phải hơi cúi đầu.
Chiếc xe đạp vẫn dựng ở góc nhà. Mấy chục năm chạy chợ, nó đi cùng nội. Hồi nhỏ trong mắt tôi, nội đạp xe chở bao nhiêu thứ hàng phía sau trông hiên ngang chẳng khác nào nữ tướng xung trận. Giờ nội đã già, lưng còng hẳn xuống. Con ngựa sắt cũng bạc màu, hoen gỉ. Vậy chứ “nữ tướng” của tôi vẫn “xung trận” cho đến khi cơn lốc đại dịch ập tới.
Không có cơn lốc ấy thì bao nhiêu căn bệnh tuổi già cũng chực chờ ngoài ngõ. Vậy mà nội vẫn không chịu dọn về nhà ai. Tôi biết, nội không nỡ xa ông.
Ông nội mất lúc tôi còn tiểu học. Ký ức của tôi về ông phần lớn là qua những lời kể của nội. Là cháu “đít lon”, lại là đứa lớn nhất trong đám cháu của nội, thời gian tôi ở bên nội nhiều hơn các em nên cũng được nghe nội kể chuyện tình của ông bà nhiều nhất.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Nhà nội tôi hồi đó có của ăn của để, còn ông năm ấy chỉ có một bao sách và cái mặt điển trai. Nhiêu đó thôi mà nội “thương ông muốn chết”! Từ ngày ông mất, nội không dám đi đâu bỏ nhà lâu vì “sợ ông về không thấy nội lại buồn”. Đã hơn 20 năm rồi. Thương nhất là những dịp giao thừa, khi con cháu thắp hương cúng kiếng xong rồi ai về nhà nấy, nội lại một mình bên khung ảnh của ông.
Càng lớn, tôi càng muốn ở bên nội nhiều hơn, nhất là vào dịp tết; để cùng nội sắp dọn mấy chậu hoa, quét mạng nhện chái bếp, chất thêm củi phía sau và để cùng nội nói về bao điều xưa cũ.
Tôi sẽ về, để được nghe nội lại kể về ông; về để ngắm khuôn mặt tràn ngập yêu thương; về để hít hà mùi dầu gió ấm nồng tuổi thơ tôi vẫn nhớ.
Tết con về với nội. Nội đợi con nha!
Theo phụ nữ TPHCM