Rajni Gill thức dậy với một cơn sốt nhẹ vào giữa tháng 4, dấu hiệu đầu tiên cho thấy cô mắc Covid-19. Trong vòng vài ngày, cô khó thở và gần như bất tỉnh tại bệnh viện.
Tuyệt vọng vì không thể thu xếp xin điều trị huyết tương cho Gill, chị gái cô đã đăng một lời cầu xin trên mạng xã hội: “Tôi đang tìm một người hiến tặng huyết tương cho em gái đang nằm viện ở Noida. Cô ấy nhóm máu B và 43 tuổi".
May mắn thay, thông điệp đã nhanh chóng được lan tỏa trên mạng xã hội Twitter và xuất hiện trên điện thoại của ông Srinivas B.V., một chính trị gia đối lập ở Delhi gần đó.
Ông đã tự nhận là một người hiến máu tình nguyện và đến giúp đỡ bệnh nhân Covid-19 này.
Lời kêu cứu trên mạng lan truyền “như cháy rừng”
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đã ở bên bờ vực suy sụp khi mỗi ngày nước này đều ghi nhận số ca mắc gia tăng kỷ lục. Tuyệt vọng, người thân và bạn bè của những người bị nhiễm bệnh phải gửi tin nhắn cầu cứu trên mạng xã hội.
|
Hàng nghìn người đang chết vì Covid-19 ở Ấn Độ mỗi ngày. Ảnh:New York Times. |
Một số người cần oxy y tế, thứ gần như không thể tìm thấy ở thủ đô Delhi. Những người khác thì săn lùng thuốc có giá cao trên thị trường chợ đen, hoặc máy thở cực kỳ khan hiếm.
Và nhiều lời cầu xin trong số đó đã nhận được phản hồi. Những lời cầu cứu đã đến với mọi tầng lớp người dân Ấn Độ, từ các kỹ sư, luật sư, nhân viên tổ chức phi chính phủ, người lao động, các chính trị gia, các bác sĩ và thậm chí lái xe tuk-tuk.
Các mạng lưới trực tuyến giúp đỡ nạn nhân Covid-19 được hình thành ở nhiều nơi xa xôi nhất.
Ông Srinivas, 38 tuổi, người đã hiến máu cho bệnh nhân Covid-19 trong câu chuyện trên cũng nằm trong số này.
Với tư cách là chủ tịch liên đoàn thanh niên của đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập, đầu năm 2020, khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra và Ấn Độ phải phong tỏa, ông Srinivas đã triệu tập các tình nguyện viên trẻ tuổi trên khắp đất nước phân phát thức ăn cho những người di cư mắc kẹt cùng với hơn 10 triệu khẩu trang.
Ông Srinivas cho biết những lời kêu cứu trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền “như cháy rừng”. Vì vậy, ông đã tạo hashtag #SOSIYC để mọi người có thể kết nối với tổ chức Indian Youth Congress của mình.
Cách thức hoạt động của mạng lưới trực tuyến
Các mạng hỗ trợ trực tuyến của Ấn Độ hoạt động dựa vào các công cụ và thuật toán thường được sử dụng trong tiếp thị trên phương tiện truyền thông xã hội.
Các gia đình nạn nhân sẽ gắn thẻ những người có lượng theo dõi lớn để khuếch đại thông điệp của họ. Trong khi đó, các nhà tổ chức tình nguyện sử dụng từ khóa để lọc lượng yêu cầu.
Anh Abhishek Murarka, người làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Mumbai, quyết định rằng anh cần phải làm nhiều hơn là chia sẻ các bài đăng trên Twitter. Anh bắt đầu tìm kiếm các cụm từ “đã xác minh”, “đã xác nhận” và “có sẵn” trên Twitter để lần theo những người hỗ trợ tiềm năng như nhóm ông Srinivas.
Anh đã đăng một video dài 84 giây giải thích các thủ thuật của mình để những người khác có thể sử dụng.
Từ cách xa hàng trăm dặm, anh Praveen Mishra, 20 tuổi, đã nghiên cứu cách của Murarka và áp dụng bộ lọc riêng của mình để tìm kiếm giường bệnh, oxy và thuốc men. Anh đã có thể đưa một loại thuốc đặc biệt cho một bệnh nhân ở Delhi sau khi xác nhận rằng nó có sẵn ở Hyderabad.
Một số người thậm chí còn khai thác tài nguyên trên khắp thế giới.
Anh Nikhil Jois và nhóm của mình đã kiểm tra và liên lạc với các tổ chức từ thiện cung cấp oxy, thực phẩm và băng vệ sinh. Anh đã rút gọn danh sách xuống chỉ còn hơn một chục tổ chức, sau đó yêu cầu các công ty ở Ấn Độ đính danh sách này trên các ứng dụng hoặc trang web của họ để người dân Ấn Độ có thể dễ dàng tiếp cận sự trợ giúp.
"Phần đẹp nhất của mạng xã hội là bạn tin tưởng những người lạ", anh Jois nói.
|
Anh Nikhil Jois đã kiểm tra các tổ chức viện trợ và kêu gọi quyên góp cho nạn nhân Covid-19. Ảnh:Nikhil Jois. |
Mạng xã hội là cách duy nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ
Tuy nhiên, đặt niềm tin vào mạng xã hội không phải lúc nào cũng là một ý kiến hay. Một số tài khoản nổi tiếng đã cung cấp hàng hóa kém chất lượng hoặc có giá cắt cổ cho những bệnh nhân đang tuyệt vọng. Thậm chí việc đùa cợt, đánh lừa những người dễ bị tổn thương có thể gây ra nhiều xung đột thù hận.
Nhưng với việc Ấn Độ đang gặp khủng hoảng và di chuyển không phải là một lựa chọn an toàn, mạng xã hội là cách duy nhất để một số người tìm kiếm sự giúp đỡ.
Anh Aditya Jain đang sống ở thủ đô Delhi gần đây đã đưa ra một lời kêu gọi trên Twitter. Anh cảm thấy bất lực vì người dì và chú anh, sống cách đó khoảng 200 km ở Agra, đang vật lộn vì lệnh phong tỏa.
Dì của anh bị bệnh cột sống, và chú của anh, một bệnh nhân tiểu đường, phải chạy thận hàng tuần. Không thể ra ngoài, họ chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Họ không thể chăm sóc cho bản thân và thậm chí còn không thể tự tắm rửa.
Thông qua LinkedIn, anh đã tìm thấy một tổ chức phục vụ cho những người cao niên và điền vào biểu mẫu, cung cấp tên và vị trí của họ. Sáng hôm sau, các tình nguyện viên xuất hiện trước cửa nhà chú dì anh với bữa sáng và tã giấy cho người lớn.
“Mạng xã hội giống như một món quà trời cho đối với chúng tôi”, anh Jain xúc động nói.
Thế nhưng không phải ai cũng may mắn như anh Jain và cô Gill. Ông Srinivas cho biết tổ chức ông nhận được ít nhất 10.000 tin nhắn trên Twitter mỗi ngày. Tuy nhiên, cứ mỗi 100 yêu cầu, ông thường chỉ có thể giúp đỡ từ 30 đến 40 người vì sự thiếu thốn về nhân lực và vật lực.
|
Một tình nguyện viên dạy người nhà nạn nhân cách sử dụng bình oxy. Ảnh:Srinivas B.V. |
Cô Mahua Ray Chaudhuri từng “điên cuồng” gắn "tag" ông Srinivas khi đang tìm bình dưỡng khí cho người cha ốm yếu của mình. Nhóm của ông đã tìm thấy một số, nhưng điều đó là chưa đủ: Không còn giường I.C.U. cho bệnh nhân trong bệnh viện.
“Ít ra thì tôi cũng có thể tìm được bình dưỡng khí cho bố mình, và ông không chết vì ngạt thở”, cô Chaudhuri nói.
“Sự giúp đỡ từ những người lạ trên Twitter này giống như một sự xoa dịu cho tâm trí và tâm hồn bị xáo trộn vì đại dịch của chúng tôi”.
Theo Zing