Đôi khi chỉ nhắm mắt lại tôi vẫn có thể nhớ như in ngày mẹ tôi cong lưng đạp xe qua cổng thành. Cổng thành cao và thâm u, tiếng con nít lanh lảnh réo lên đập vào bức vòm thành xây bằng đá ong dội lại nghe rất vui tai. Tôi thường gào to: ""Mẹ… eee…." và bật cười khanh khách theo tiếng vọng ngay sau đó. Mái tóc mẹ buông sau lưng lấm nước một vạt áo tím. Những sợi tóc thơm mùi bồ kết, hương nhu vừa gội va vào má vào trán tôi mát lạnh, mặc kệ những trận gió Lào vừa khắc nghiệt về phố. Độ ấy, tháng 5, đã thật xa…
Thời thiếu nữ tóc mẹ tôi dài tới hông. Sinh con, mái tóc cắt ngắn chấm eo để đỡ công chăm sóc. Con gái sinh cháu, mẹ vào chăm cháu lại cắt ngắn tóc thêm một khúc, lưng lửng quá nửa lưng để đỡ rối. Mái tóc mẹ thôi để buông sau lưng vì thằng cháu siêu quậy hay túm lấy nắm tóc bỏ vào miệng. Mẹ thường vấn thành cục bối sau gáy gọn gàng.
Thời thiếu nữ, mái tóc mẹ khiến bao anh trai mới lớn chết mệt. Mẹ kể, chẳng biết vui hay buồn, nhiều lần mẹ đạp xe đi trên đường, mái tóc buông xõa để gió trời hong khô, đám trai trẻ huýt sáo theo. Có anh còn nhanh chân đạp xe vượt lên trước mặt và ngó lơ, buông lại lời chọc ghẹo: "Sao tóc em đẹp thế mà…". Cái điều bỏ lửng sau thế mà ấy gắn nhiều đắng cay vất vả đời mẹ. Ngày bé, mẹ ốm đau quặt quẹo, lớn lên lại đi theo đoàn công nhân hỏa tuyến chịu dăm trận sốt rét rừng ở Lào, chịu bao nắng gió kinh hoàng nên làn da mái nắng, đôi mắt hết trong, nhan sắc nếu có chút ít bỏ đi mất. Chỉ mái tóc mềm và khỏe vẫn theo mẹ chung thủy theo tháng ngày.
Mẹ tôi không dành nhiều thời gian chăm sóc tóc. Mẹ chưa từng ra tiệm cắt tóc. Kiểu tóc cắt bằng đằng sau nên khá đơn giản. Tóc cứ dài ra, hàng xóm hoặc cô em khéo tay sẽ bấm một đường thật thẳng. Vậy là xong. Và mẹ luôn hài lòng với kiểu đơn giản nhất ấy. Lúc búi, lúc xõa, lại có lúc chỉ vài dịp hiếm hoi lên sân khấu khối xóm đọc thơ, ca hát với chị em phụ nữ, mẹ thắt bím gọn gàng vắt qua bên vai.
Mái tóc mẹ rất ít khi gội dầu gội. Người vẫn thích bồ kết hương nhu hoặc đôi khi có thêm dăm củ sả của bà bán rau ngoài chợ bán lại với giá rất rẻ vào cuối ngày. Cũng có khi cây chanh trên lan can tươi tốt, mẹ cắt lấy vài nhánh gội đầu, hương thơm xao xuyến cả căn nhà nhỏ. Mẹ giữ thói quen ấy cả khi vào Sài Gòn những mùa nắng nóng. Những "bài" lá hoa kết hợp của mẹ được áp dụng triệt để cho đám cháu nhỏ để tắm gội, trị rôm sẩy hiệu quả. Nồi nước bồ kết hương nhu tắm cho cháu xong được bà đun lại lần hai dùng cho mình. Và lũ trẻ những ngày có bà không bao giờ bị rôm sẩy dù nắng nóng đến đâu chăng nữa.
Mái tóc là nét duy nhất thi thoảng mẹ nhắc tới đầy tự hào về chính mình, dù rằng chưa bao giờ bà dùng từ "nhan sắc" để dạy hay chỉ là nói chuyện với con gái. Mẹ luôn dạy, cái nết đánh chết cái đẹp, con gái tếu táo, phải rồi, con gái mẹ không đẹp nên lo cho có cái nết thôi, mẹ chỉ con chỗ nào bán để mua?
Nhưng rồi ngày kia mẹ thôi nhắc tới chuyện mái tóc hay bất cứ thứ gì khác về mình. Đó là khi mẹ bệnh ngày này tháng nọ nằm trên giường, tóc rụng từng nắm, khô hanh hao đầy xa xót. Mái tóc ấy lâu lắm không có mùi bồ kết, hương nhu. Cô hàng xóm thi thoảng lại qua chải đầu tết tóc cho mẹ như dạo chị em rủ nhau lên khối sinh hoạt hội phụ nữ. Rồi có hôm, cô thở dài nói: Em cắt ngắn mái tóc đến vai nhé bác? Mẹ lặng im. "Tóc cắt ngắn đi sẽ bớt rụng, nếu có rụng cũng không thấy xót lòng vì từng nắm tóc. Đến em còn thấy xót, huống chi bác, huống chi chồng con". Cô hàng xóm nài nỉ. Và mẹ gật đầu. Chỉ cần viện lý do đến chồng con là mẹ gật đầu…
Mái tóc như một chứng tích theo mẹ từ thời thanh xuân cho tới ngày rời cõi tạm. Mẹ có lẽ đã xa rất xa nhưng chứng tích ấy vẫn còn mãi đó, nhắm mắt lại là thoảng hương mùi bồ kết hương nhu hanh hao nắng gió tháng 5 miền Trung. "Vốn liếng" mẹ để lại nhiều nhặn gì đâu, có khi chỉ là mái tóc thơm mùi cỏ nội dạo nào cũng đủ thành một vệt nhớ.
Lam Giang