Khi trời chuyển sang mùa nắng, cũng là lúc người dân quê miền Tây bắt tay vào công việc ở vườn rẫy. Mùa nắng trồng bầu, bí là tốt hơn cả. Có điều phải chịu khó tưới.

Ngày trước thì nước mương, nước giếng tưới bằng gàu kéo từ lá dừa nước hay thùng thiếc. Sau này, khi điều kiện kinh tế được cải thiện, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào vườn, ruộng thì máy bơm nước với hệ thống ống dẫn làm thay nhiệm vụ thủ công nhọc nhằn trước đây. Cũng từ điều kiện thuận lợi đó, nhiều rẫy bắp, rẫy khoai được trồng nhiều hơn.

Trái bắp bẻ đem về nướng trên lửa lò.

Khi bắp đã trổ cờ và có trái, chờ đến thời điểm bắp có hột vừa ăn là chiều chiều trẻ con theo chân người lớn ra thăm rồi bẻ vài trái về nướng ăn chơi. Mỗi cây bắp chỉ cho hai, ba trái theo nách thân. Râu bắp xồm xoàm và cũng là một phương thuốc nam giúp chữa nhiều thứ bệnh cho con người. Nhưng sản phẩm độc nhất của bắp vẫn là trái.

“Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm” – Ca dao.

Câu ca mà người bình dân miền Tây ngâm nga ra đời cách đây đã lâu. Còn ngày nay, cầu Thủ Thiêm đã thay con đò làm nhiệm vụ đưa khách bộ hành qua lại hai bên bờ sông. Cảnh vật đã thay đổi, nhưng riêng vị ngon của trái bắp nướng than thì vẫn ngọt ngào, không hề thay đổi.

Bắp bẻ ngoài vườn đem về không cần rửa, chỉ dùng tay tước bỏ bớt lớp vỏ bên ngoài để bắp mau chín. Sẵn lò than bếp, mẹ nấu cơm chiều để sẵn vỉ và xếp vài trái bắp lên đó.

Bắp chín vàng thơm.

Trái bắp nướng than cần chú ý là phải trở đi, trở lại cho bắp chín đều. Thấy vỏ bắp cháy sém, mùi thơm bốc lên thơm lựng là ăn được.

Cầm trái bắp nướng chạy ù ra mé sau vườn để chơi đùa với các bạn trong xóm đã tụ tập chờ sẵn. Vị bắp ngọt nguyên chất làm ngất ngây tâm hồn trẻ thơ.

Thời gian trôi đi, nhưng những gì mà trái bắp nướng than nóng hổi đem lại vẫn âm vang dư vị đầy cảm xúc cho những người đã từng được bẻ, nướng và ăn nó.

Theo Dân Việt