Ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, không khí thật tĩnh lặng, tưởng chừng có thể nghe thấy tiếng từng giọt dịch truyền rơi xuống chậm rãi. Hơn 1 tháng qua, có một người phụ nữ vừa chăm con bệnh vừa mò mẫm móc từng cọng len làm nón tặng con… người khác.
Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa - 36 tuổi, ngụ xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chị Dựa có 3 người con, trong đó bé thứ hai bị bệnh tim bẩm sinh, thận đôi và chậm phát triển tâm thần vận động từ nhỏ. Suốt 8 năm nay, không đếm xuể những lần chị đưa con vô ra bệnh viện.
|
Tranh thủ lúc con ngủ, chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa lại mang đồ nghề ra móc nón len |
Mới đây, bé nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết và viêm phổi nặng. May mắn được các bác sĩ kịp thời cứu chữa, bé đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Trong khoảng thời gian trông con ở viện, chị Dựa thấy nhiều trẻ sinh non, bị bệnh hô hấp phải thở ô xy, truyền dịch. Các bé còn quá nhỏ, lại hay quấy khóc, dây thở ô xy rất dễ bị lệch nên y tá phải dùng băng keo cố định lại, làm da các bé bị ửng đỏ lên. Cũng là một người mẹ nên nhìn cảnh ấy, chị rất thương.
Trong một lần lân la hỏi chuyện, chị Dựa được một người mách rằng nón len vừa có thể giúp trẻ sơ sinh giữ ấm đầu, vừa giúp cố định dây thở ô xy tốt hơn. Vậy là, chị quyết định tự tay làm nón len tặng các bé.
Bất kể đêm hay ngày, hễ có thời gian rảnh, chị Dựa lại ngồi lặng lẽ ở một góc phòng, đan nón cho trẻ. Đôi tay chị thoăn thoắt luồn từng sợi len mảnh mai thành những chiếc nón xinh xắn, đủ màu sắc. Mỗi mũi kim đan như chứa đựng cả tấm lòng yêu thương của chị dành cho trẻ thơ.
“Khi con tôi được các bác sĩ cứu sống qua cơn thập tử nhất sinh, tôi tự hứa với lòng phải làm điều gì đó cho xã hội, cho những bé không may bị bệnh như con tôi. Thấy tôi suốt ngày cứ đan đan, móc móc, nhiều người tưởng tôi tham công tiếc việc, đi nuôi con ở bệnh viện mà cũng mang đồ nghề theo để làm kiếm tiền” - chị Dựa vừa kể vừa luôn tay móc nón.
Cả tháng nay, chị Dựa đã làm được hơn 50 chiếc nón len tặng trẻ sơ sinh. Để đảm bảo những chiếc nón làm ra vừa vặn với từng bé, chị Dựa cẩn thận nhờ các cô điều dưỡng đo giúp kích thước vòng đầu của bé trước. Căn cứ vào số đo, chị mới tỉ mẩn làm nón.
Những chiếc nón len nhiều màu sắc như giúp bầu không khí của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi - một nơi vốn luôn trong tình trạng căng thẳng vì chuyên điều trị những ca bệnh nặng - trở nên ấm áp và đầy tình yêu thương.
Bác sĩ Võ Nhựt Thường - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang - nói: “Rất khó mua được những chiếc nón len như thế này, vì đa số các bé sinh non rất nhỏ ký. Việc làm của chị Dựa không chỉ hỗ trợ cho các bé sơ sinh bị bệnh nặng mà còn góp phần san sẻ tình yêu thương giữa con người với con người”.
Còn đối với bác sĩ Đỗ Quang Thành - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang - việc làm của chị Dựa như một liều thuốc tinh thần, giúp các bà mẹ hiện có con đang điều trị tại bệnh viện cảm thấy họ được chia sẻ, quan tâm; các em nhỏ cũng được chăm sóc tốt hơn.
“Chăm sóc trẻ nhỏ bị bệnh nặng không phải dễ dàng. Các bé bị đau, khó chịu, quấy khóc rất nhiều. Những người mẹ cũng từ đó không tránh khỏi căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, tôi càng cảm phục và trân trọng tấm lòng của chị Dựa” - bác sĩ Thành bộc bạch.
Theo phụ nữ TPHCM