Sự kiện tưởng chừng ngẫu nhiên này đã giúp định hướng sự nghiệp của Park Tae-jin. Năm 2001, anh bắt đầu làm việc tại một trung tâm huấn luyện chó dẫn đường với tư cách bác sĩ thú y. Vài năm sau, anh chuyển sang huấn luyện chó. Mặc dù không thể hành nghề bác sĩ thú y một cách trọn vẹn nhất nhưng anh tin rằng những đóng góp của mình trong lĩnh vực huấn luyện chó sẽ phục vụ mục đích lớn hơn cho xã hội. Hiện Park là Tổng giám đốc Trường dạy chó dẫn đường Samsung.

Không chỉ là một trường học

Trường dạy chó dẫn đường Samsung được thành lập vào năm 1993 bởi Samsung Fire & Marine Insurance theo chỉ đạo của cố Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee. Đây là cơ sở đào tạo chó dẫn đường duy nhất trên thế giới do công ty điều hành, cũng là tổ chức thành viên Hàn Quốc duy nhất của Liên đoàn Chó dẫn đường quốc tế.

leftcenterrightdel
 Park Tae-jin ngồi cạnh chú chó dẫn đường Haedal (trái) - 6 tuổi và chú chó Genie - 6 tuổi - được huấn luyện tại Trường dạy chó dẫn đường Samsung, ngày 27/3 - Ảnh: Im Se-jun (The Korea Herald)

Trong khoảng 30 năm, gần 280 con chó dẫn đường đã tốt nghiệp để làm “đôi mắt” cho những người có thị lực kém hoặc mất thị lực. Trung bình, hằng năm có khoảng 15 con chó vượt qua các bài kiểm tra bắt buộc, đạt tỉ lệ 35%. Trường đặt mục tiêu liên tục mở rộng số lượng chó dẫn đường tốt nghiệp từ 15 lên 20 trong năm nay và nhiều hơn nữa trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trung tâm không chỉ huấn luyện chó để hỗ trợ con người. Những người huấn luyện tham gia quá trình sàng lọc các ứng viên nhận nuôi chó dẫn đường, thực hiện các cuộc phỏng vấn tại nhà họ. Trung tâm cũng hướng dẫn cả những người khiếm thị và tình nguyện viên về cách chăm sóc chó dẫn đường đồng thời tiến hành kiểm tra thường xuyên sau khi
nhận nuôi.

Sau khi hoàn thành chương trình “Người dắt chó đi dạo”, các chú chó trở lại trường học để được huấn luyện trở thành chó dẫn đường chính thức. Những chú chó không thích hợp để trở thành chó dẫn đường và những chú chó tới tuổi hưu (đã hoàn thành nghĩa vụ 8-9 năm) sẽ được các tình nguyện viên nhận nuôi.

Park đã chia sẻ câu chuyện cách đây vài năm về những giây phút cuối đời của Parang - con chó dẫn đường đầu tiên anh huấn luyện - để thể hiện sự cam kết của nhà trường trong việc chăm sóc những chú chó tới tận giây phút cuối cùng của đời chúng. Lễ tưởng niệm Parang được tổ chức với sự tham dự của người quản lý cũ của anh, gia đình anh và các huấn luyện viên cũ.

Trong 20 năm qua, việc chia tay vô số chú chó dẫn đường đã giúp Park dần chấp nhận vòng quay tự nhiên của sự sống và cái chết. Anh tìm thấy sự bình yên khi biết rằng chúng đã sống cuộc đời trọn vẹn với một mục đích quan trọng và đầy ý nghĩa.

Người điều khiển và chó dẫn đường

Theo Park Tae-jin, những người có thị lực kém hoặc mất thị lực khi “ghép đôi” với chó dẫn đường nên được gọi là “người điều khiển” thay vì “người dùng” hoặc “khách hàng” - những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ngụ ý rằng họ chỉ nhận được dịch vụ của chó dẫn đường.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (hàng sau, thứ hai từ trái sang) tham dự sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Trường dạy chó dẫn đường Samsung - Nguồn ảnh: Samsung Electronics

Yoo - một cộng sự thân thiết của Park, bị mất thị lực hoàn toàn - được “ghép đôi” với Haedal - chú chó săn Labrador màu đen 6 tuổi. Park nói: “Đôi khi tôi quên rằng Yoo bị mù vì anh ấy hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà nhiều lúc tôi không thể làm được. Với sự giúp đỡ của Haedal, Yoo tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, giống như bao người khác, đã kết hôn và có công việc ổn định”.

Park nói rằng mọi người thường bỏ qua nỗ lực của những người có thị lực kém hoặc mất thị lực để hoạt động bình thường với tư cách là người điều khiển. Anh cho biết cần có sự phân công lao động rõ ràng để đồng bộ hóa chuyển động của người điều khiển và chó, ví vai trò của con người như hệ thống định vị GPS và vai trò của chó dẫn đường như người lái xe.

Đối với những người bị suy giảm thị lực từ khi sinh ra, điều quan trọng trước tiên là phải làm quen, bên cạnh việc tiếp thu những kỹ năng cần thiết để hợp tác hiệu quả với chó dẫn đường. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có thị lực kém đều đủ điều kiện nhận nuôi chó. “Chúng tôi tính đến các yếu tố như tình trạng việc làm của họ, sự hiện diện của các khuyết tật khác và khả năng ra mệnh lệnh cho chó. Một số người có thể phải đợi 1-2 năm để tìm được chú chó phù hợp. Tất cả họ đều nhận được hỗ trợ miễn là đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi” - Park nói thêm. Các ứng viên đủ điều kiện phải cam kết trải qua đào tạo ít nhất 1 tháng để trở thành người điều khiển thành thạo với 2 tuần tại trung tâm và 2 tuần tại nhà riêng của họ.

Lợi ích của việc có chó dẫn đường chắc chắn rất lớn. Chúng thúc đẩy sự hòa nhập xã hội. Mọi người có xu hướng dễ tiếp cận hơn khi một người mù có một con chó bên cạnh. Sự đồng hành liên tục mang lại sự ổn định và thoải mái về mặt cảm xúc, đồng thời việc chăm sóc một chú chó dẫn đường mang lại cảm giác tự tin cho người điều khiển.

Năm 2020, Lotte Mart đã phải xin lỗi khi một trong những nhân viên của công ty này từ chối cho một chú chó đang được huấn luyện trở thành chó dẫn đường và người huấn luyện vào cửa hàng. Điều đó trái với luật quy định người huấn luyện chó hoặc người khuyết tật có quyền vào nơi công cộng cùng chú chó của họ.

Khi xã hội Hàn Quốc ngày càng chấp nhận chó dẫn đường, những hiểu lầm nhất định về loài vật này cũng tăng theo. Nhiều người tin rằng chúng làm việc chỉ vì lợi ích của chủ nhân, hy sinh tự do và hạnh phúc bản thân. Tuy nhiên, Park cho rằng chó dẫn đường không có cảm giác như chúng đang hy sinh.

Mức độ hạnh phúc của chó dẫn đường không khác biệt đáng kể so với chó ở các hộ gia đình khác. Trên thực tế, tuổi thọ trung bình của chó dẫn đường dài hơn, từ 14 đến 15 năm, so với khoảng 12 năm của những giống chó tha mồi Labrador.

“Tôi cảm thấy vô cùng hài lòng mỗi khi hỗ trợ những sinh vật đáng yêu này trở thành chó dẫn đường cho những người khiếm thị hoặc đơn giản là chó đồng hành cho các hộ gia đình bình thường” - anh bày tỏ và nói thêm rằng cuối cùng, công việc của anh là tập trung vào việc tạo điều kiện cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và chó.

leftcenterrightdel
 

Lịch sử của chó dẫn đường cho người khiếm thị bắt đầu sau Thế chiến thứ nhất khi một bác sĩ người Đức huấn luyện chúng để giúp đỡ hàng ngàn binh sĩ bị mất thị lực.

Trung tâm huấn luyện chó dẫn đường đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Potsdam, Đức, vào năm 1921 và sau đó là các thành phố khác trong nước. Thế nhưng, phong trào chó dẫn đường đã mở rộng ra phạm vi quốc tế thông qua một phụ nữ Mỹ tên Dorothy Harrison Eustis.

Năm 1929, Harrison thành lập The See Eye - trường đầu tiên trên thế giới chuyên huấn luyện chó dẫn đường tại Mỹ. Phong trào chó dẫn đường lan đến Anh vào năm 1930 và nhanh chóng mở rộng khắp quốc gia này. Ngày nay, nước Anh vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp chó dẫn đường.

Nhật Bản giới thiệu chó dẫn đường lần đầu tiên vào năm 1957. Người sử dụng chó dẫn đường đầu tiên ở Hàn Quốc là giáo sư Lim An-soo tại Đại học Daegu, vào năm 1972. Phong trào chó dẫn đường ở Hàn Quốc xuất hiện muộn hơn, vào năm 1993, khi tập đoàn Samsung tham gia chương trình bảo vệ động vật và bắt đầu nâng cao nhận thức của công chúng về tình bạn giữa con người và chó.

Theo phụ nữ TPHCM