Một thời, trái thanh long là nỗi háo hức của chúng tôi mỗi khi đi xa trở về nhà. Thời ấy chưa có những biện pháp ép thanh long ra hoa, cho trái trái mùa nên thanh long chỉ chín rộ vào mùa hè. Những trái thanh long dù don don hay mập tròn, căng bóng luôn được vồ vập nhiệt tình với quan niệm của người lớn: ăn mát, tốt cho ruột.

leftcenterrightdel
 Những mùa thanh long ngọt lịm trong ký ức

Thời bao cấp đi học xa nhà, sức thanh niên ăn gì cũng thấy ngon, không biết no; mà những bữa cơm thì luôn thường trực mấy miếng thịt mỡ trôi lững lờ trong tô canh chỉ toàn nước. Ngay cả rau xanh cũng thiếu.

Những lúc như thế, trái thanh long chín, xẻ làm sáu, lột nhẹ phần vỏ bên ngoài, tận hưởng từ từ vị ngọt thanh pha chút vị chua chua, mát miệng luôn là “thiên đường của mơ ước”. Cái thời mỗi khi đến miền Trung (từ Phan Thiết cho đến Khánh Hòa), món quà đầu tiên khách nghĩ đến là trái thanh long mang về - không quá cao sang, đắt đỏ nhưng cũng không tầm thường khiến người nhận thờ ơ.

Thời gian trôi, cuộc sống thăng trầm, trái thanh long cũng không thoát quy luật thịnh suy. Khi thanh long được trồng công nghiệp, đại trà và xuất bán ra nước ngoài thì người tiêu dùng trong nước bắt đầu thấy nó thường hơn những loại trái cây khác. Và rồi, chạy theo lợi nhuận, người ta lấy giống ngoại nhập về, bày thêm cho thanh long đủ kiểu ruột vàng, ruột đỏ, vỏ vàng, vỏ đỏ...

Thanh long vào mùa đỏ rực ở chợ chỉ cuốn hút các bà nội trợ lớn tuổi mua về chưng bàn thờ ông địa. Nhiều khi chưng đến héo, nhăn nhúm lớp vỏ ngoài, không ai ăn, đành đem bỏ.

Tuy nhiên, mới đây, có dịp ngồi xe lửa đi dọc dải đất miền Trung, nhìn đồng lúa nối tiếp đồng lúa xen lẫn những cánh rừng cây thưa thớt, khô cằn; những đồi cát nóng bỏng, chói mắt… tôi chợt ngỡ ngàng khi thấy hoa thanh long nở trắng trên từng vạt đồi.

Thanh long mọc tự nhiên gá vào những cây lớn dạng mít, xoài, vươn dài ra xung quanh như những cánh tay xương rồng dài ngoẵng, đính trên đó những bông thanh long sang trọng, đài các, duyên dáng, dịu dàng, nối tiếp nhau sáng rực một vùng cây khô, xơ xác.

Và rồi, kỳ diệu hơn nữa, hết vạt đồi hoa trắng, rừng như bỗng rực lên bởi một dàn đồng ca của thanh long chín đỏ vào mùa. Người ta nói ở một nơi nào đó, khi nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch cao, cây sẽ cho trái ngọt hơn.

Trái thanh long cũng không tiếp tục chín thêm hay ngọt thêm sau khi bị hái xuống. Trái chín mọng trên cây tích lũy tối đa độ ngọt nên tôi tin chắc những trái thanh long rừng này sẽ rất ngon. Chợt hiểu, thanh long về chợ không ngon bởi người ta đã không chờ đến khi chất ngọt của trái được chuyển hóa hết trên cây, do trái chín khi vận chuyển dễ hỏng.

Lại nhớ có lần đi cắm trại ở một đảo hoang, điều thú vị hôm đó là chúng tôi tìm được mấy trái thanh long đang mùa chín đỏ, ăn ngọt mê ly.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - NNVN

Những vạt thanh long trên triền đồi lướt qua cùng ký ức. Ở đó, trái thanh long là sự thèm thuồng kèm thêm nỗi nhớ nhà nhiều khi quay quắt. Ở đó có trái thanh long ướp lạnh hay ly thanh long đá đường má làm sẵn, dịu mát những trưa hè. Ở đó có một thời khó khăn, mỗi trái thanh long được mẹ bọc kỹ mấy lớp giấy báo, đặt nhẹ nhàng trong chiếc giỏ cũng lót mấy lớp giấy mang vào Sài Gòn cho dì.

Bây giờ thanh long có quanh năm, bọn trẻ con ít đoái hoài đến khi có nhiều thứ trái cây ngon hơn. Tôi ra siêu thị, bên cạnh những ô thanh long đỏ còn có thanh long vàng.

Những trái thanh long vàng càng khiến tôi nhớ về những mùa thanh long cũ, những bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười vui khi mẹ dọn lên món tráng miệng cuối cùng.

Một thời cha vất vả ngược xuôi, mẹ chắt chiu từng đồng mong con cái nên người… Ôi, những mùa thanh long êm đềm trong ký ức, mùa ngọt ngào yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM