Ngôi nhà mơ ước

Toàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hiện có 67 tổ hùn vàng với 570 thành viên. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, các tổ đã hùn được 86 chỉ vàng giúp cho 7 chị em xây nhà, sản xuất, kinh doanh, chuộc đất. “Huyện Trần Văn Thời cũng đã phát triển được hơn 700 tổ hùn vốn tiết kiệm với số vốn xoay vòng hơn 2 tỉ đồng để hỗ trợ chị em phụ nữ buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt” - chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - nói.

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Đượm (bìa trái) vui mừng khi có được số vàng lớn để mua đất cho con

Chị Lê Thị Gấm - 47 tuổi, ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời - kể, trước đây có nằm mơ chị cũng không nghĩ sẽ cất được căn nhà khang trang trị giá gần 700 triệu đồng. Ở xứ này, bà con chỉ làm có 2 vụ lúa, sau mỗi vụ chỉ dư ra được vài chục triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt, lo con cái ăn học thì số tiền để dành không đáng là bao. “Mấy chục năm làm ruộng vất vả tích lũy nhưng đâu đủ cất nhà. Nhờ có tổ hùn vàng cất nhà mà gia đình tôi đã xây dựng được cơ ngơi như hôm nay” - chị Gấm khoe.

Cầm trong tay gần 4 lượng vàng vừa mới nhận được, chị Nguyễn Thị Đượm không giấu được niềm vui khi có một số vốn lớn về mua đất cho con. Chị Đượm cho biết, đây là lần thứ ba chị được nhận vàng từ các tổ hùn vàng. 2 lần trước, chị Đượm gom vốn để cất được căn nhà tường khang trang. Cũng từ các chương trình hùn vàng mà chị Đượm tích lũy được số vốn kha khá để lo những chuyện quan trọng.

Cũng như chị Đượm, bà Phạm Thị Xuân - 71 tuổi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời - khoe bà đã tham gia các tổ hùn vàng cất nhà hơn 10 năm nay. Bà cười, nói: “Tham gia mô hình hùn vàng này khỏe hơn chơi hụi. Chơi hụi thì phải chi tiền hoa hồng cho chủ hụi, còn nơm nớp sợ giật hụi. Còn hùn vàng này thì chắc chắn lắm, không sợ tiền mất giá.

Vàng lên, người mượn càng về sau càng có lãi”. Chị Nguyễn Thị Nguyên - con gái bà Xuân - có chồng làm nghề biển, đánh bắt nên theo con nước. Trước đây, hễ có tiền dư là chị đều mua vàng để dành. Tuy nhiên, nếu tự mình để dành thì sẽ không có được số vốn lớn. Từ ngày theo mẹ tham gia tổ hùn vàng, chị Nguyên mới dám mua những món giá trị, rồi còn tính chuyện cất nhà, cho con học lên cao.

Chữ tín của người nghèo

Theo chị Trần Kim Đào - Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời - ở xã hiện có 29 tổ hùn vàng, mỗi tổ từ 10-15 người tham gia. 6 tháng tổ sẽ họp 1 lần. Mỗi lần đi họp, các thành viên sẽ mang từ 2-4 chỉ vàng theo (tùy theo giao kèo) để hùn.

Chị em có nhu cầu sử dụng vốn vào những việc lớn sẽ được ưu tiên nhận trước. Trung bình mỗi lần nhận vốn sẽ được từ 4 đến 6 lượng vàng. Các chị em trong tổ hùn vàng đều có hộ khẩu tại địa phương, có điều kiện kinh tế tương đối ổn định và đặc biệt là cả vợ và chồng phải ký cam kết góp vốn đều đặn.

Nhờ quy định chặt chẽ và lựa chọn người tham gia kỹ nên mô hình hùn vàng dù đã ra đời hơn 10 năm nay nhưng chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Dù người tham gia hùn vàng đa phần là chị em làm nghề nông, nghề biển, thu nhập không cao nhưng rất biết giữ chữ tín, chưa có trường hợp nào khiếu nại hay mượn vàng rồi mà không trả.

Nói về hiệu quả của mô hình, chị Trần Thị Kiều Yến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau - cho biết, mô hình này ban đầu chỉ là cách làm tự phát từ những chị em trong xóm hỗ trợ nhau để có số tiền lớn xoay xở. Thấy được hiệu quả của mô hình nên nhiều địa phương đã mở rộng làm theo.

Về xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, đi trên con đường nhựa thẳng tắp, ven đường là những căn nhà tường kiên cố. Phía sau nhà là những ruộng lúa xanh rờn. Lại một mùa lúa bội thu nữa đang về, hứa hẹn sẽ có nhiều vàng hơn được góp trong vụ mùa kế tiếp để giúp cho đời sống của chị em nơi đây ngày một khấm khá hơn.

Phương Khánh