Xe đạp dường như là ký ức của mọi người, bởi đã có một thời thanh xuân chúng ta hồn nhiên theo những guồng quay và khi cuộc sống khá lên, chiếc xe ấy lặng lẽ dựng ở một góc nhà rồi dần biến mất.
Chiếc xe đạp nhà tôi có từ bao giờ, tôi không rõ, nhưng nghe mẹ tôi kể lại: ngày đó, gia đình tôi được cấp xe đạp Thống Nhất. Ba thương mẹ nên định lấy chiếc xe khung nữ (sườn đầm) để mẹ dễ đi, nhưng mẹ bảo xe khung nam (sườn ngang) chắc khỏe hơn, thồ được gạo, củi và các thứ hàng nặng.
Tuy xe này khó vắt chân lên khi “nhảy pê-đan” (bàn đạp), nhưng mẹ cố được. Sau này, lúc chị tôi tập chạy xe, tôi mới hiểu thế nào là cái khó của việc nhảy pê-đan - đạp một chân lên bàn đạp, chân kia bước qua để ngồi lên yên. Với nam giới đã khó, phụ nữ còn khó hơn.
Nhưng trong thời bao cấp, đã có không biết bao phụ nữ như thế - khó đến mấy họ vẫn vượt qua được vì hướng đến cái chung: người thân còn đang chiến đấu ngoài chiến trường, đất nước tái thiết sau chiến tranh, người phụ nữ phải dắt trâu đi cày, đào hầm trú ẩn, trực chiến trên khẩu đội pháo, việc chinh phục chiếc xe khung nam đã là gì.
|
Ảnh mang tính minh họa - Internet |
Có lần, tôi bắt gặp chị tôi đang ngồi xem một tờ họa báo cũ của Liên Xô. Ngày đó, được đọc một tờ trong cuốn báo bị lìa khỏi quyển đã là một hạnh phúc lớn. Trên tờ họa báo in tấm ảnh cô bé người Nga tóc vàng, xinh như nàng công chúa đang đạp xe giữa cánh đồng. Tôi hỏi chị đọc được tiếng Nga không, chị bảo bập bõm chữ được chữ không, nhưng xem ảnh là chính. Chị thích cái xe đạp mini, bánh bé, yên thấp, vừa tầm.
Rồi chị em tôi lớn phổng lên. Cái xe đến khổ vì những cú đổ dốc, những lần ngã trầy xước đầu gối hay những lần chúng tôi cố đi khi xe thủng ruột. Nhưng ba mẹ tôi không bao giờ mắng mỏ, vì chỉ xót con chứ không xót xe. Thế là chiếc xe cứ ọp ẹp, cũ kỹ dần trong khi 2 chị em ngày càng khôn lớn.
Lâu lâu tôi mới về thăm nhà. Chiếc xe đạp đã nhường lại vị trí trang trọng nhất trong phòng khách cho chiếc xe Honda Dream mới cóng. Rồi khi chiếc xe máy cũng thất thế nhường chỗ cho xe hơi, chiếc xe đạp Thống Nhất dạt xuống nhà kho, ở lẫn với bao thứ nồi niêu không dùng đến.
Nhiều lần, bà thu mua ve chai gạ mua lại, ba tôi đều lắc đầu. Xe không đi đến cũng dần hoen gỉ, ba tôi lại hì hục phục chế. Cứ thế, xe được thay màu sơn, được thay phụ tùng, các cháu háo hức xem ông sửa cái xe đạp cũ.
Giờ chẳng ai đi nữa, xe chỉ để ngắm - ngắm để sống lại một thời gian khó. Ba tôi dựng ngược xe lên, quay bánh xe để nghe tiếng “ro ro”, vòng quay xưa cũ như đưa ông trở về thời trai trẻ. Hôm rồi tôi về, không còn thấy chiếc xe đạp kỷ niệm nữa. Hỏi ra mới biết ba tôi đã hiến tặng xe cho một bảo tàng tư nhân.
Chủ của bảo tàng là chú nhân viên cũ của ba. Thế là từ đó, mấy người già có chỗ đàm đạo bên ấm trà sớm, cũng sống lại những vui buồn một thuở. Quay mấy vòng xe, nghe tiếng “ro ro” quen thuộc, nhớ những cung đường mưa gió, thấy ấm lòng.
Giờ người trẻ ham tốc độ, thích đi nhanh và thay đổi. Người già thích gọi điện hơn là nhắn tin. Giờ đường sá đông đúc, xe đạp thất thế trước các phương tiện khác nên nhiều người già lại rủ nhau ra các con đường vắng cùng đạp xe và trò chuyện. Cuộc sống cứ thế trôi đi, xe đạp vẫn có một góc riêng để sống cùng những ký ức và vòng quay chậm rãi ấy sẽ giúp ta suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống này. Nhớ mãi những vòng quay xưa cũ…
Theo phụ nữ TPHCM