Mẹ tôi vẫn có thói quen gội đầu bồ kết suốt bao năm. Hôm nào muốn gội, ăn cơm xong, mẹ lại chuẩn bị cái thau nhôm, nhặt vài trái bồ kết treo trên gác bếp xuống, ngồi bẻ từng mảnh, bỏ hạt, rửa sạch rồi cho vào chung với lưng thau nước, đem phơi giữa sân.
Đến xế chiều, thau nước đã chuyển sang màu vàng cánh gián sóng sánh. Mẹ gọi tôi cùng gội. Mùi bồ kết vương khắp sân vườn, lối ngõ.
Sau này, dạo đi học xa nhà, tôi ở trọ nhà cô chú trên phố, nhà còn có ông bà. Không hiểu thói quen nấu nước gội đầu cho cả gia đình cô chú có tự bao giờ, nhưng luôn được duy trì đều đặn. Sáng Chủ nhật, bà sai em Hiền lên nhà người quen lấy lá bạc hà, hương nhu, sả, cỏ mần trầu. Tôi không được đi cùng, nhưng qua lời em Hiền kể và những thứ em mang về thì khu vườn đó hẳn phải vô cùng xanh tươi và rậm rạp - một khu vườn trong phố. Tôi đã luôn mường tượng về nó với những tha thiết và chộn rộn trong lòng.
Khi em Hiền đi lấy lá, ở nhà, ông rửa vỏ bưởi, nướng bồ kết, nhóm bếp. Vỏ bưởi được cả nhà giữ cẩn thận sau mỗi lần ăn, được phơi khô và cất kỹ để dùng dần. Các loại lá mang về được rửa sạch, ông mang ra cái nồi lớn, cho tất cả nguyên liệu vào, đổ ngập nước rồi đặt lên bếp than tổ ong. Chẳng mấy chốc, cả mấy gian nhà ngào ngạt hương thơm của tinh dầu lá - một mùi thơm vừa nồng nàn vừa dễ chịu.
Sau giấc ngủ trưa ngắn, lần lượt từng thành viên sẽ gội đầu bên sân giếng, dưới gốc cây khế ngọt đang cố lách mình qua phần mái tôn của bếp. Bà kể, ngày trước, cả khoảnh sân sau là vườn, nhưng rồi khi đường mở rộng, phố tấp nập, gian ngoài được cô chú biến thành cửa hàng, gian trong ngăn thành phòng khách thì sân vườn được biến thành bếp, giếng… Ông tiếc cây khế ngon không nỡ chặt, nó lặng lẽ lách mình giữa xi măng và gạch.
Tôi nhớ mãi những chiều gội đầu dịu dàng và thư thái. Cúi xuống là chậu nước thơm, múc lên từng gáo nước nhỏ dội lên tóc như trút cả bao tinh túy của đất trời. Và tôi nhớ mẹ - nhớ mái tóc dài, dày mượt của mẹ mà tôi được thừa hưởng.
Gội đầu xong đến màn hong tóc. Cả mấy chị em tóc đều dài nên hong khá lâu. Chúng tôi ngồi bên gốc khế, nói những câu chuyện không đầu không cuối. Có những buổi, gió chiều lồng lộng, lá khế bay lả tả, đậu trên tóc, trên vai áo. Lại có những buổi, nắng cuối ngày lấp lánh rọi qua mấy chùm trái chín, chiếu xuống nền đất như những bông hoa lạc mùa e ấp.
Bà bảo nhìn đứa nào như cũng xinh hơn, mặt mũi sáng bừng, tóc buông dịu dàng, thùy mị. Có phải vì vừa được gội đầu bằng thứ nước thơm lành, dịu mát, sạch thanh? Hương tóc thơm suốt cả chiều, cả tối; thơm mỗi sáng chải đầu, thơm đến tận lần gội tiếp theo khi vừa cúi buông, gỡ từng sợi mảnh mai, óng ả.
Sau này, nhiều lần tôi dự định sẽ nấu nước gội đầu như thế, nhưng lại không dễ thực hiện thường xuyên; để rồi cứ nhớ những buổi chiều hong tóc bên gốc khế. Mùi sả, mùi mần trầu, vỏ bưởi còn đượm mãi không tan.
Nhất định một ngày, tôi sẽ tìm cho đủ và nấu một nồi nước lá gội đầu cũ kỹ, để tìm lại hương xưa.
Theo phụ nữ TPHCM