Thế là đợt gió mùa đầu tiên đã tràn về Hà Nội. Sáng nay mở cửa ra, ta thấy gió lạnh se se trên khắp các ngả đường.

Hoa sữa thơm lại càng thơm trong tiết trời khô lạnh. Và thật lạ lùng, dù lạnh song nắng lại rất vàng và trời cũng rất xanh. 

Đi dưới bầu trời này, hít hà bầu không khí cuối thu đầu đông này, lòng ta không dưng ngân nga câu thơ rất hợp: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang…”. Trong lòng rung rinh, khe khẽ một điều gì đó thật dịu dàng, như thể ta một lần nữa lại “phải lòng”. Ừ nhỉ, có lẽ ta đang phải lòng cái ngày gió mùa này.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Ngày gió mùa, mẹ tôi lục đục mở tủ lấy thêm chăn và quần áo ấm. Mùa đông của tôi xôn xao với áo, với khăn rực rỡ; với nước hoa có xạ hương nồng nàn; với đầm sequin lóng lánh cho những buổi tiệc cuối năm. Còn mùa đông của mẹ, giản đơn và thâm trầm, chỉ là chiếc tủ gỗ chất chứa những món đồ gây thương nhớ. Mỗi khi mở cánh tủ ấy ra là bao nhiêu ký ức và yêu thương lại tràn vào tim ta.

Trong cánh tủ ấy, xếp ở trên cao nhất chính là băng phiến (long não). Mẹ bảo, băng phiến phải được để ở nơi cao nhất trong tủ, để khi tan ra, mùi băng phiến sẽ bay xuống dưới, tỏa ra khắp tủ. Đó là cách truyền thống và tiết kiệm để xua đuổi gián, mối mọt trong tủ quần áo. Ngày nay, hầu như các gia đình hiện đại đều không dùng băng phiến nữa.

Nhưng với những đứa trẻ 8X, 9X ngày đó, mùi băng phiến chính là mùi của mùa đông. Chỉ cần mang quần áo ra, trải rộng phơi dưới nắng thì cái mùi ấy sẽ bốc hơi mất còn quần áo mùa đông vừa sạch lại không lo bị gián hay mối mọt làm hỏng. Tôi nhớ mãi dáng mẹ lụi cụi lấy ra từng tấm áo, tấm quần, vừa lẩm nhẩm tính xem mùa đông năm nay mua thêm quần áo cho đứa nào vì đám quần áo cũ đã cộc cả rồi. Đấy, niềm vui con trẻ chỉ giản đơn là như thế.

Mùa đông, tôi nhớ về những buổi tối đầm ấm trong nhà. Ánh đèn bàn màu vàng nhạt trên bàn làm việc của bố nhắc nhớ những tối mùa đông bố cặm cụi ngồi soạn giáo án. Bây giờ tụi trẻ nghe kể lại cảnh ấy chỉ cười: “Bây giờ ngành giáo dục sử dụng giáo án điện tử hết rồi bố ơi. Không phải ngồi kẻ kẻ, viết viết vào từng trang giáo án như ngày xưa nữa”. 

Cũng trong những buổi tối ấy, mẹ rang ngô (bắp) trên bếp than hồng. Dẻo thơm biết mấy là những hạt ngô nếp đầu đông. Ngỡ như khi nhai những hạt ngô trong miệng là đang nuốt vào chất tinh túy chắt chiu từ nắng, gió trên đồng và giọt mồ hôi của mẹ những khi gieo hạt, tỉa lá, làm cỏ… Tôi nhớ như in cảm giác ấm sực khi được ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ, tay tôi vốc lấy từng vốc ngô rang còn nóng hổi và cười như nắc nẻ vì sướng vui. 

Nhưng mùa đông cũng không hoàn toàn là những ngày nhàn nhã. Việc đồng áng không nhiều song mẹ chẳng lúc nào ngơi tay, rảnh việc. Khi công việc ban ngày vừa dứt, ban tối mẹ lại cần mẫn đan len, móc túi cước, thêu thùa. Mẹ thừa hưởng cái nết khéo léo, hay lam hay làm từ bà ngoại. Một cái áo len mà mẹ dùng được tám kiểu đan. Mỗi khi chuyển từ kiểu đan này sang kiểu khác, mẹ trở mũi đan rất điệu nghệ. Đan áo cho con xong, mẹ lại đan thêm cả khăn và áo len đem bán. Tiền lãi mẹ lại mua thêm len, lại đan, lại bán; cứ thế quay vòng.

 

Những tối không đan len, mẹ chong đèn bên khung thêu. Tiếng sột soạt khi mũi kim đâm qua lớp vải được hồ cứng là một kỷ niệm khó phai trong tôi. 

Sáng nay gió mùa về, vợ chồng tôi nhắc nhau đi làm nhớ về nhà sớm, kẻo mẹ mong, con ngóng. Áp mặt vào gò má bầu bĩnh của con, tôi loáng thoáng suy nghĩ, chắc mình phải học đan len để có thể đan dệt nên tuổi thơ của con từ những kỷ niệm êm đềm, như về chiếc áo len đầu tiên được chính tay mẹ đan cho.

Để mỗi khi mùa đông sang, con lại nhớ về mẹ, về nhà và sẽ không bao giờ thấy lòng mình lạnh giá.

Theo phụ nữ TPHCM