|
|
Cu Vai, “phố bản” đặc biệt giữa lưng giời. |
Gập ghềnh đường tới Cu Vai
Từ thung lũng Mường Lò ngó sang mạn tây thấy như chỉ một vài bước chân đã bước vào núi rừng Trạm Tấu trước mặt. Vậy mà chiếc Ford Ranger lắc vẹo cả buổi chiều chúng tôi mới đến được trung tâm thị trấn sơn cước. Những nẻo đường Tây Bắc, dù đã nâng cấp mở rộng, vẫn hằn in dáng dấp nhọc nhằn từng khúc cong tay áo bên vực, bên vách.
Tối vùng cao lạnh dễ chịu. Biết chúng tôi định lên Cu Vai, anh bạn cán bộ văn hóa huyện Trạm Tấu nói ngay: “Lên Cu Vai chụp ảnh là chuẩn rồi. Bản Mông độc nhất vô nhị Tây Bắc đó, đẹp lắm. Mai ta đi sớm. Chỉ đi xe máy thôi, leo núi hơn chục cây đấy”.
Rồi một mạch kể như phim, rằng đường lên Cu Vai mùa Xuân sẽ có tớ dày hoa đỏ, có lau trắng cõng mây vờn mặt người, có mận, mơ đua ra cành non chào đón, có con gái Mông má hường xúng xính khoe váy thổ cẩm trong tiết lạnh, rồi thỏa sức săn mây... Đêm Trạm Tấu đã chếnh choáng men bạn mà chúng tôi vẫn thấp thỏm mong giời mau sáng. Ai nhẽ nào ngon giấc được trong cái đêm nằm cạnh nơi từng ao ước đến dù chỉ một lần.
Không phải tay lái xe ôm nào cũng dám nhận lời đèo chúng tôi lên Cu Vai dù đã ngã giá thoáng tay. Phải là những tay lái vững tim, dày dạn kinh nghiệm, thạo đường như lòng bàn tay mà cũng chỉ dám đi vào những hôm trời nắng ráo. Gò chặt cái lưng thanh niên trẻ cầm lái con Win 100, qua khỏi Bản Hát, hết đoạn bê tông sang đường đất, cả xe và người như muốn lật ngược.
Dốc nối dốc dựng lên, quanh co, uốn lượn, đá vấp gập ghềnh, anh chàng xe ôm choài cả hai chân đỡ lấy thăng bằng. Những lúc dốc thả xuôi thì mé vực sâu hun hút, ngồi sau bám chặt đai yên mà vẫn thót tim.
Sau gần một giờ đánh vật với con đường núi chất ngất chênh vênh, Cu Vai hiện ra cái cổng chào khung gỗ ngay đầu bản, có đề dòng chữ “Chòm Cu Vai”. Sau cổng chào, một con đường bê tông rộng chừng dăm mét, bằng phẳng thẳng tắp từ đầu bản tới tận cuối bản.
|
|
Cô gái Mông ở bản Cu Vai may áo thổ cẩm. |
Nơi mây trắng gần người
Cảm giác ngỡ ngàng. Chưa gặp ở đâu mây lại gần người đến thế. Những dải trắng lững lờ uốn lượn nối mãi vào nhau. Mây lướt qua mái nhà, chốc lại luồn qua cành đào, cành mận. Mây phả mặt rồi lại vờn quanh vai. Đưa tay ra là bắt được mây. Bốn bề là mây, cứ bồng bềnh quấn quanh trải giăng triền núi, lúc lại như khói đùn lên từ các khe sâu. Phía dưới đàng xa thấp thoáng những con đường mòn đất đỏ ngoằn ngoèo rúc vào tảng mây như tìm lối lên giời...
Như vừa lạc vào một phố bản giữa lưng tầng mây. Con đường bê tông rộng thoáng chạy thẳng như một đường băng. Nhà gỗ dựng hệt nhau một kiểu san sát hai bên không cao lắm, mái ngang lợp ván thông, đầu hồi đều hướng ra đường. Trước nhà nào cũng có một hai gốc đào phai, đào rừng, thân sù sì xám mốc, trên cành treo lồng chim đủ loại. Chốc chốc tiếng bò rống vẳng từng hồi dài lẫn vào líu lo chim hót mà quyện gió vi vút. Tất cả tựa bản hợp xướng của núi rừng mà chỉ Cu Vai mới có. Phố bản giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn hùng vĩ như một vệt hồng nổi lên giữa bát ngát xanh.
Hình ảnh từ chiếc flycam của tôi chuyền xuống, Cu Vai trên màn hình như một sân bay dã chiến. Đang miên man với mây và cái “sân bay” độc đáo, tôi nghe ai gọi: “Cán bộ ơi! Vào nhà uống nước chè nóng cho ấm”. Một cụ ông người Mông chừng trên 80 tuổi, đứng trước hiên nhà tươi cười.
Nhà cụ có 4 gian. Bước vào gian giữa đã gặp ngay bếp lửa cạnh chỗ ngồi uống nước, mấy gian trong kê giường ngủ và chia làm những căn buồng nhỏ. Cụ nói tiếng miền xuôi có lúc xen lẫn tiếng Mông. “Cu Vai là tiếng Thái, không phải tiếng Mông, nghĩa là dải mây trắng vắt ngang trời đấy. Mùa nào ở đây cũng có mây”, cụ đẩy thêm một thanh củi vào bếp.
Mười mấy năm trước, một dự án được mạnh dạn đề xuất, và có thể nói là có phần táo bạo khi tỉnh Yên Bái quyết định san phẳng phần ngọn núi phía trên bản Cu Vai cũ lúc thực hiện di dân tái định cư. Hồi ấy cả 50 hộ người Mông vùng này du canh, du cư, phá rừng làm nương, nhà ở rải rác chênh vênh khắp các sườn núi. Đất xấu lại dời nhà đi nơi khác vỡ cái đất mới. Lũ quét, sạt lở sập nhà chết người mỗi mùa mưa núi.
“Thấy công nhân và cán bộ kéo máy làm đường lên núi khổ lắm, sau mãi làm được chỗ này rồi còn giúp dân tháo dỡ nhà vác tất cả lên đây lắp lại. Mỗi nhà còn được nhận 10 triệu đồng”, ông cụ vẫn rạng ngời niềm vui kể lại. Ông cũng nhớ chuyện có cô hoa hậu lên bản cùng nhiều thanh niên trẻ kéo dây điện thắp sáng. Cu Vai có điện sáng như dưới phố Trạm Tấu. Dân bản vui thích lắm. “Ở lại tao thịt con gà đen, nhà tao nhiều lắm, ăn với Cu Vai một bữa để lần sau nhớ mà lên chứ”, giọng ông cụ chân tình mời chúng tôi nán lại.
|
|
Những đứa trẻ hồn nhiên ở bản Cu Vai. |
Đổi thay ở Cu Vai
Phần lớn vẫn là hộ nghèo, nhưng giờ người Mông ở Cu Vai không phải phá rừng làm nương nữa, chỉ cấy lúa ruộng bậc thang quanh sườn núi cũng tạm đủ thóc ăn. Có trường mầm non giữa bản, trẻ lên ba, bốn tuổi tự biết đi học, lớn hơn thì xuống trường bán trú, nội trú dưới xã, dưới huyện. Trưởng bản Mùa A Vàng vừa ghé vào thăm già làng, trò chuyện hứng khởi, rồi lại kéo nhà báo sang thăm nhà anh ở cuối thôn.
“Cu Vai nổi tiếng rồi nhé. Nhiều người Hà Nội lên đây hỏi mua đất nhưng Cu Vai không bán đâu. Bản tăng thêm hộ rồi, bán đất đi thì lấy đâu chỗ ở cho những vợ chồng trẻ. Có nhà thằng Dơ và thằng Tu làm cái quán nhỏ đầu bản nấu ăn tiếp khách. Giờ bản chưa có nhà hàng, homestay nào, khách phượt lên đây cứ ngủ lại nhà nào cũng được mà”, Mùa A Vàng khoát vòng tay một lượt. Ở đây anh kiêm luôn Bí thư Chi bộ và làm công tác Mặt trận. Nhà nào có việc gì cũng nhờ đến tay. Mùa A Vàng từ lâu đã là thủ lĩnh tinh thần của cả bản.
Chia tay già bản và trưởng bản, rảo bước chậm dọc trục bê tông, đã gặp ngay những người đàn bà Mông đeo gùi đi nương, trên tay vẫn thoăn thoắt xe vuốt những sợi lanh. Cái máy ảnh của tôi nháy cật lực. Thi thoảng lại gặp một tốp năm, sáu các bà, các chị ngồi túm tụm bên thềm nhà. Người xe lanh, thêu thổ cẩm, người đang vẽ hoa văn bằng sáp ong. Tiếng Mông loáng thoáng rất vui vẻ. Đám trẻ nô đùa thoải mái ngay trên trục đường. Toàn đồ chơi tự chế bằng gỗ nhưng chơi rất hăng, cười hồn nhiên trước các ống kính máy ảnh.
Hoa đào Cu Vai nở giữa mùa hạ. Tiết lạnh non cao giữa thời tiết cực đoan nóng rẫy khắp nơi khiến chúng tôi ngạc nhiên vin lấy cành hoa chụp ảnh liên hồi. Cái hồn nhiên thật thà như núi rừng bản cao thuở nào và nhan sắc kỳ lạ của sơn cước Cu Vai hẳn khiến bất kỳ ai đến đây phải nấn ná khó rời.
Cô giáo Vũ Thị Mai Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Yên Bái, người cùng chúng tôi lên Cu Vai trao cho Trưởng bản cuốn tài liệu “Bản sắc dân tộc Mông” mà cô đã bỏ công sức nhiều năm biên soạn. “Mai này Cu Vai đón khách du lịch, người Mông rất cần hiểu thêm bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình để đón khách chứ”, cô giáo Oanh tâm sự.
Ở Suối Giàng, Tà Xi Láng, Bản Công, Bản Mù..., cuốn tài liệu được các trưởng bản và học sinh đón hồ hởi đón nhận. Nay Yên Bái cũng đã triển khai đưa tài liệu này vào ngành giáo dục. Tôi đã mường tượng ngày rất gần khách du miền xuôi lên Tây Bắc sẽ lưu lại chỉ một đêm Cu Vai nhưng lấp lánh tiếng khèn, ném pao, say đắm âm giai uốn lượn của dân ca Hu Gầu...
“Huyện Trạm Tấu có gần 80% là đồng bào Mông, bản sắc phong phú và đa dạng. Lễ hội Gầu Tào, mừng cơm mới, dân ca, khèn, sáo, khèn lá, trò chơi đẩy gậy, bắn nỏ… Lẽ nào Cu Vai có mây ngàn trắng vắt, có cuộc sống thanh bình nguyên sơ, khách du tìm đến cả trăm người mỗi tuần, mà không màng phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con”, cô Oanh nói.
Tạm biệt phố bản trên mây. Ước rồi đường lên Cu Vai sẽ được đổ bê tông hết, và bản sẽ có một nhà văn hóa cộng đồng, vừa là nơi sinh hoạt của bà con vừa là nơi đón khách du lịch. Ai phượt lên Cu Vai cũng có thể nghỉ trưa, thậm chí qua đêm mà săn mây lúc bình minh, được thưởng thức gà đen, lợn bản, được say đắm dân ca Mông… thì tuyệt biết bao. Cu Vai sẽ thoát nghèo bền vững. Chắc là chỉ mai này thôi...
Theo daidoanket