Vì sao vậy? Vì “sương mù đỡ xuống thả người ngã nằm êm trên bãi cỏ nhung mượt. Người ngã có khi còn nằm xoài ra cho sương mù ve vuốt” hay vì “trong sương mù có một thứ ánh sáng khác hay sương mù chính là thứ ánh sáng khác”? Tôi không rõ vì sao mình ấn tượng với đoạn trích này - vì cảm giác được ngã vào đâu đó cho vui, cảm giác được vỗ về hay vì nhìn thấy ánh sáng trong sương mù hoặc vì lối dẫn dụ nhẹ nhàng, không kém phần truy vấn của Thục Linh.

Cùng Mắt Nhỏ, Linh dẫn ta phiêu lưu qua nhiều cung đường từ sông, biển, rừng, núi, sa mạc cho đến những vì sao, hương thơm, ký ức, tình cảm, nỗi nhớ, suy tưởng, hạnh phúc... Cái chết của lũ côn trùng và bầy châu chấu trốn không kịp ngọn lửa đốt đồng làm trái tim thơ dại của một linh hồn mê phiêu lưu khám phá bỗng chùng lại. Cái chết là cuộc ra đi và trở về của những ngôi sao băng, của chú Vện thân yêu, của “kẻ lữ hành trên cát”… Không thấy sự sợ hãi nào trong cái chết mà chỉ thấy một niềm thương - thương sao băng cô đơn trong hành trình đầy ánh sáng, nỗi băn khoăn: “Vì sao cuộc phiêu lưu của họ chấm dứt thì ánh sáng, ngọn đèn họ mang trên người cũng lặng lẽ lụi dần?”... 

“Ta rõ ràng có nghe tiếng sủa của nó mà, gần lắm, như trên cụm mây, trong tán cây, dưới hiên nhà, những tiếng sủa thân thiện và vui tươi… (Đám ma chó Vện). Cách anh nhìn về bà già mù cũng đầy niềm trân trọng: “Chỉ những người đi qua sợ hãi, chỉ những người dũng cảm chạm vào đáy sâu tuyệt vọng mới tự nhận mình như thế”. Và rồi anh rủ: “Ta và ngươi là những bóng ma nhé Mắt Nhỏ, quá giang về tươi xanh, quá giang về hạnh phúc, quá giang về sự thấu hiểu thế giới này, rồi chẳng để làm gì cả, chỉ để biến mất. Khi đã đến đích hạnh phúc rồi, người ta còn biết làm gì nữa” (Ma). Một lần khác, anh đã đem mình hay đúng ra là đem trái tim bé nhỏ của mình, bằng yêu thương, suy tư và chữ nghĩa “rửa oan” cho những con chim “xấu” như kền kền, cú mèo… khỏi những định kiến là loài chim mang điềm dữ: “Không có cánh chim nào triệu hồi điềm xấu khi sải cánh giữa bao la. Chỉ có một loài chim xấu, cha ta nói, là loài chim tự rụng cánh cho vừa với chiếc lồng”.

Suốt hành trình phiêu lưu cùng Mắt Nhỏ, nhiều lần Thục Linh nhắc đến cha qua câu: “Cha ta nói…”. Đó rõ ràng là chân lý của… một cậu bé. Vì cha còn là gì, là ai khác nữa nếu không phải là hiện thân của trí tuệ tổ tiên, của tiền nhân qua bao năm tháng. Sao có thể trân trọng một điều nào khác, một thế giới nào khác nếu đứa bé đầu tiên không học được cách nâng niu, gìn giữ, thấu hiểu trí tuệ của chính tổ tiên mình. Đôi khi, “không nói với nhau nhưng cha ta và ta cùng quay lại nhìn hướng làng và ta biết, cha ta cũng biết, ở nơi ấy, mẹ ta là ngọn hải đăng êm đềm sáng” (Ngọn hải đăng).

Đang mô tả về ngọn hải đăng trong chuyến xuôi dòng sông về biển trên con thuyền bé nhỏ xinh đẹp của cha, tác giả “bẻ lái” qua ngọn hải đăng - mẹ làm người đọc bất ngờ. Tưởng mở ra một chân trời, một cuộc hải hành phía trước, bất ngờ lại thấy một bến bờ thương nhớ phía sau, mới thấy anh lái khéo đến chừng nào.

Những con mắt ký ức được Thục Linh “hoài thai” từ năm 2003, với ý định tặng con mình một dòng sông tuổi thơ dù lúc đó còn chưa biết… mẹ bé là ai, dù lúc đó anh vẫn còn là cánh chim tự do bay ngang bầu trời.

Đến giờ, chàng thanh niên năm nào đã trở thành cha của một đứa trẻ tên Rơm. Cũng nhờ Rơm, “những đứa trẻ bị lớn” khác như tôi có dịp phiêu lưu vào dòng sông lấp lánh của Thục Linh và gặp lại một đoạn sông trong trẻo dấu yêu lưu lạc của chính mình.

Theo phụ nữ TPHCM