Chọn sống theo tính cách của riêng mình trong suốt 60 năm qua, giáo sư Trương Nguyện Thành cho hay muốn mình sống trẻ khỏe và sống có ý nghĩa đến 100 tuổi để truyền cảm hứng đến thế hệ sau.

Nối liền khoảng cách thế hệ

Ởtuổi mọi người chuẩn bị về hưu, vị giáo sư “mặc quần đùi lên giảng đường” Trương Nguyện Thành có cuộc sống khá thoải mái và dư dả sau 30 năm giảng dạy ở Đại học Utah - trường đại học thuộc top đầu nước Mỹ. Là người hoạt bát trong tư duy lẫn hành động, đến giờ ông vẫn giữ nếp sống bên ngoài giản dị, bên trong cháy hết mình cùng các con.

Ông quan niệm: “Thành công tuổi xế chiều không phải là có bao nhiêu nhà lầu xe hơi, mà là có còn sức khỏe để theo đuổi đam mê, ganh đua sống có giá trị với thế hệ trẻ hay không. Khi 51 tuổi, tôi có tất cả nhưng chỉ hít đất được 8 cái, mỡ máu và đường huyết cao. Nhưng 60 tuổi, tôi có thể hít đất đủ 50 cái và đạp xe cả nghìn cây số”.

 
AIA anh 1

Giáo sư Trương Nguyện Thành và con trai “cháy hết mình” trên những cung đường đạp xe dài hàng nghìn cây số.

Coi sức khỏe là điều quan trọng nhất ở tuổi xế chiều, giáo sư Trương Nguyện Thành tự hào khi vẫn đủ sức bền để thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp cùng cậu con út Takara nhân dịp con ra trường. Hai cha con đạp xe từ cực Bắc đến cực Nam đất nước, leo núi, băng rừng, ngắm nhìn và hòa mình cùng thiên nhiên hùng vĩ.

Về chuyến đi, ông cũng đã phải cố gắng hết mình. Với ông, một người cha 60 tuổi có thể đạp xe cả nghìn cây số cùng con trai tuổi 20 thực sự là một chiến tích để cổ vũ bản thân tự tin sống khỏe bất kể tuổi tác, và cũng để truyền lửa cho các thế hệ sau.

Đây không phải chuyến đạp xe đầu tiên vị giáo sư thực hiện cùng con. Cuối 2016, hai cha con từng đạp xe hơn 400 km xuyên miền Tây. Takara thích thú khi được sống cùng cha qua những chuyến đi như vậy. Giáo sư kể: “Trên mỗi chặng đường, tôi dành thời gian trò chuyện và dạy con kỹ năng sống. Quan trọng hơn, cả hai cha con có nhiều kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ mà bạn đường cùng tuổi không hiểu được. Thế nên, cách nhau 4 thập kỷ nhưng cha con tôi không có nhiều khoảng cách thế hệ”.

“Nguyện làm viên đá lót đường”

Giáo sư Trương Nguyện Thành cho hay tên của mình có ý nghĩa "Ước nguyện của ba đã thành". Cha đặt tên này cho ông nhân kỷ niệm ngày người nhận tấm bằng cán sự y tế năm 1962.

Trải qua tuổi trẻ sống tị nạn kham khổ, ước nguyện được học hành thành tài và nuôi dạy các con nên người của vị giáo sư nay đã trọn vẹn. Ở tuổi 60, ông chỉ ước mong được sống trẻ khỏe và có ý nghĩa đến 100 tuổi để truyền cảm hứng đến thế hệ mai sau.

“Tôi muốn sống khỏe đến 100 tuổi để đám trẻ thấy rằng ông già này vẫn có thể đạp xe, leo núi, giảng dạy cho sinh viên, cống hiến cho giáo dục và truyền cảm hứng cho mọi người. Đó cũng là cách để nêm đậm đà và niềm vui cho cuộc sống này thêm phần hương vị. Sống là không có giới hạn. Không có gì muộn, chỉ sợ chúng ta không dám bắt đầu”, giáo sư nói.

 
AIA anh 2

Ông Trương Nguyện Thành quan niệm sống rủng rỉnh không bằng sống có giá trị.

Tháng 6 năm nay, giáo sư sẽ quay lại Việt Nam chuẩn bị cho một dự án giáo dục mà ông tiết lộ sẽ "dành 10 năm cuối đời để làm viên gạch lót đường". Ông sẽ chú trọng vào đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ, xây dựng nền tảng MentorLinks cho giáo dục, và làm những điều có ích cho xã hội mà không tạo áp lực cá nhân. Hai người con trai ông cũng ủng hộ cha mình hoàn thành ước nguyện cả cuộc đời.

Giáo sư hóm hỉnh giãi bày: “60 tuổi rồi lại còn dư dả kinh tế, ai cũng xúi tôi về hưu tận hưởng tuổi già, sao vẫn miệt mài làm nhiều thứ đến vậy. Tôi thì nghĩ sống rủng rỉnh không bằng sống có giá trị. Còn gì giá trị hơn khi gặp tôi, ai nhìn thôi cũng thấy khỏe lây, sinh viên nghe giảng thôi cũng thấy ham học hơn… Biết đâu, tôi có thể truyền cảm hứng đến những người lớn tuổi khác tham gia tích cực vào phát triển xã hội, chứ không làm gánh nặng của cộng đồng”.

“Khỏe 3 thứ này, tuổi nào cũng có thể tự tin sống trẻ”

Câu chuyện tràn đầy năng lượng của giáo sư Trương Nguyện Thành là minh chứng cho những người lớn tuổi có đủ đầy 3 thứ: Khỏe về thể chất, trẻ về tinh thần và vững vàng về tài chính để làm điều mình thích. Ở tuổi này, họ vẫn có thể viết tiếp những chương mới cho cuộc đời bằng đôi chân còn dẻo dai, đôi tay rắn rỏi, gương mặt rạng rỡ nụ cười và trái tim không ngừng thôi thúc truyền cảm hứng sống đến cộng đồng.

“Và dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn cũng nên vun đắp 3 nền tảng về sức khỏe. Thứ nhất, hãy tập luyện môn thể dục phù hợp để nâng cao sức khỏe thể chất. Thứ hai, nghĩ về thời trẻ và sống trẻ để nhóm lại ngọn lửa sức khỏe tinh thần. Thứ ba, tích lũy thu nhập, củng cố sức khỏe tài chính. Khỏe 3 thứ này, tuổi nào cũng có thể tự tin sống trẻ”, giáo sư chia sẻ.

Theo Zing