Ngăn đôi con đường liên ấp Nhơn Ngãi - Nhơn Hòa (xã Nhơn Mỹ, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) là cây cầu sắt bắc qua rạch Sơn Đốt. Song song bên bờ rạch là hai con đường: đường “bên sông” và đường “bên nây” (người dân thường gọi như vậy) thuộc ấp Nhơn Lợi.
“Bên sông” là con đường rộng, cao, không bị nước ngập, thỉnh thoảng có ô tô qua lại. Còn “bên nây” là đường nhỏ, gần như lối mòn, chỉ vừa đủ cho xe ba bánh lưu thông. Thế mà trên con đường nhỏ này lại có một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội thất cao cấp được nhập về từ châu Âu. Nhiều năm nay công ty mua may bán đắt, ăn nên làm ra, phất lên từng ngày.
Mới đây, công ty còn mở thêm hai chi nhánh mới đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Công ty đó chính là mô hình “thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn” của một cặp vợ chồng giáo viên.
|
Vợ chồng cô Thu Dung trong ngày sinh nhật cô |
Khu chợ quê ở đầu đường “bên sông” khá tấp nập. Cập bến chợ là dãy nhà chen chúc, có một quán cháo lòng đang đông khách. Cách đây gần 30 năm, có một cô gái trẻ xinh trong các buổi chợ sáng đông người, tất bật vừa múc cháo vừa bưng cho khách. Đó là cô Nguyễn Thị Thu Dung, giáo viên Trường tiểu học Nhơn Mỹ A.
Bán xong là cô áo dài tha thướt qua cầu, tới trường, lên lớp. Cô giáo trẻ chịu khó, nết na, không ngại con mắt thiên hạ, vẫn hồn nhiên với công việc của mình: chân chạy bàn phục vụ khách giúp mẹ chồng, đều đặn như vậy từ ngày cô về làm dâu. Chồng cô, anh Lê Hữu Đức, cũng là giáo viên, là con trai lớn trong nhà nên phải phụ cha mẹ nuôi các em ăn học.
Cha mẹ chồng cô Thu Dung vất vả buôn bán quanh năm, thu nhập từ lương giáo viên của vợ chồng cô không đủ xoay xở trong gia đình và học phí cho các em. Những ngày nghỉ dạy, cô Thu Dung cùng chồng mua lúa xay gạo bán kiếm thêm đồng lời. Bàn tay cầm phấn, phải chèo ghe, vác lúa vất vả nhưng cô vẫn đoạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Cho tới lúc các em ra trường, có công ăn việc làm, vợ chồng cô mới rảnh tay lo cho gia đình nhỏ của mình. Vợ chồng về bên cha mẹ vợ ở đường “bên nây” cất căn nhà nhỏ, bán lặt vặt thức ăn gia súc, vài mặt hàng nông nghiệp. Dành dụm vài năm, họ lại có căn nhà khang trang hơn. Nhà xây xong, còn dư một ít cát, đá, có người đến hỏi mua. Sự nghiệp của họ bắt đầu từ đây và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Luvico ra đời.
Rồi phong trào đắp đê ngăn lũ, đường sá được nâng cao, mở rộng, xe tải lớn ra vào. Máy xúc cát, xe cần cẩu chuyển sắt thép hoạt động không ngơi nghỉ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã có cuộc sống no ấm, ổn định.
Giờ thì vợ chồng cô giáo Thu Dung có đất đai bao la, tài sản lớn nhất là hai đứa con trai đều đã tốt nghiệp đại học.
Con trai lớn của anh chị công tác ở ngân hàng 11 năm, bây giờ cũng về phụ quản lý công ty. Mỗi anh con trai đều có thể tự sắm cho mình một chiếc xe bốn bánh đời mới. Thật xứng đáng, vì con nhà có điều kiện mà không ỷ lại cha mẹ, không có kiểu sống ham chơi, hưởng thụ. Phụ giúp cha mẹ, hai con trai cũng “cày” ngày đêm, như một công nhân bình thường, không nề hà gì việc nặng việc nhẹ.
Hỏi bí quyết làm giàu nơi “khỉ ho cò gáy” này, cô Thu Dung cười chân chất: “Có lẽ nhờ đời sống người dân được nâng lên, có tiền, họ có nhu cầu xây cất. Một phần cũng vì vợ chồng tôi có uy tín…’’.
Tôi nghĩ điều đó đúng nhưng chưa đủ. Mà vì cô là người tốt, biết ăn ở. Về làm dâu nhà chồng, cô hiếu thuận, ngoan hiền, hết lòng thương yêu, vun đắp cho gia đình chồng, không tính toán thiệt hơn. Ở trường, cô được đồng nghiệp, phụ huynh thương, tin cậy. Nhiều lứa học trò nghèo, khó khăn, cô quan tâm giúp đỡ các em được học hành, đỗ đạt.
Ở thôn quê, đời sống chan hòa trong một phạm vi nhỏ hẹp, ai sống ra sao mọi người đều nắm rõ. Lối sống và tấm lòng của cô làm cho người ta cảm kích, thương mến. Khách tìm đến với cô là điều không lạ, và cứ thế tiếng lành đồn xa…
Cho đi sẽ nhận lại như người xưa bao đời đã đúc kết: “Có đức mặc sức mà ăn”.
Theo phụ nữ TPHCM