Má tôi hay nói tháng Chạp là tháng cực. Má nói vậy thôi, tôi thấy quanh năm lúc nào ba má cũng cực. Nước lũ vừa rút lưng lửng là ba má ra đồng dọn cỏ. Dọn xong cỏ thì ba thuê máy về cày ruộng, rồi sạ lúa, bón phân.
Trong cái rét buốt cuối năm, ba má đi làm đồng phải khoác thêm áo. Nhưng tay chân vùi trong bùn thì không ngăn được cái lạnh ngấm vào từng thớ thịt. Với ba má, có ruộng để làm là may mắn, cực nhọc có xá gì.
Xong việc trên đồng thì tới dọn vườn. Tháng Chạp là tháng gieo trồng bầu bí, rau cải, mồng tơi… Má gieo cả giống bông cúc, vạn thọ để mấy ngày tết mang ra chợ bán, kiếm thêm tiền mua bánh mứt, mua áo mới cho mấy chị em.
Mùa cực, con nít cũng cực theo. Mấy chị em đi học về là ra vườn cùng ba má xới đất, lên liếp trồng rau, trồng hoa, làm hàng rào để ngăn gà vịt. Vừa làm, mấy chị em vừa rúc rích trò chuyện. Nhỏ út nói tết thích nhất là được ăn mứt bí, giòn sần sật, lại thơm. Tôi thì thích mứt me, chua chua ngọt ngọt…
Nhớ năm đó tiết trời không thuận. Lúa vừa sạ xuống ít hôm thì mưa giông ập tới, làm úng hết mầm lúa đang lên. Lần gieo sau lúa chỉ mọc lưa thưa. Rau màu cũng bị mưa làm giập nát. Má thở dài: “Mùa này cực nghe con”. Má không dùng từ nghèo hay khổ, chỉ là “cực”. Cực thì chịu khó làm, rồi sẽ hết cực.
Mùa màng thất bát nên tết năm đó là cái tết nghèo, không có quần áo mới cho mấy chị em. Trong bếp vắng nồi thịt kho, khổ qua hầm… Một cái tết đìu hiu trong tiếng thở dài cố nén của ba, trong giọt nước mắt quẹt vội của má, vẻ bí xị của mấy xị của mấy chị em…
|
Cực thì cực, má vẫn tằn tiện thu xếp để nhà có nồi bánh nho nhỏ (ảnh minh họa) |
May nhà còn ít bột nếp và đậu xanh. Má tằn tiện gói được hơn hai chục cái bánh ít để cúng ông bà. Bánh má gói khéo lắm, bột nếp trộn với sợi dừa non, giòn sần sật. Nhưn đậu xanh thì bùi, béo ngậy nước cốt dừa.
Sau vườn nhà tôi là phần mộ của ông bà. Người dì bà con xa đi viếng mộ, dắt theo người bạn của dì ở thành phố về chơi. Má chọn chiếc đĩa đẹp nhất trong tủ, bày một đĩa bánh và bình trà để mời khách.
Dì ngạc nhiên: “Tết cũng gói bánh ít hả? Mấy thứ này ai mà ăn”. Má e ngại cúi đầu. Mấy chị em đứng trong buồng nhìn ra, giận dì hết sức và thương má quá đỗi.
Dì về rồi, má chia mỗi đứa một cái bánh ít. Với mấy chị em tôi, cái bánh gói tình thương của ba má, gói cả mùa xuân đất trời. Tôi hỏi má có giận dì không? Má nói mỗi người có cách nghĩ khác nhau. Người ta coi thường mình, mình không coi thường bản thân là được. Siêng năng, chịu cực rồi sẽ hết nghèo…
Nhớ mùa dịch COVID-19 năm ngoái, má gửi lên cho tôi mấy con gà làm sẵn, rau trái vườn nhà và hai bao gạo. Má nói: “Ráng chịu cực nghen con, hết dịch thì mọi thứ bình thường lại thôi”.
Mấy món đồ được má gói bằng lá chuối, buộc bằng sợi lạt, chia từng phần đủ một bữa ăn… Hình dung dáng má cặm cụi chăm chút từng bó rau, tôi không khỏi nghẹn ngào. Cực nhọc của tôi có là gì so với má, nhưng má chưa từng than van, oán trách. Tôi học được ở má tính chịu cực, chịu khó, luôn nhìn về tương lai với nhiều hy vọng.
Rồi năm nào ăn tết xong, sang Giêng bỗng tôi cũng thấy mọi thứ... bình thường thôi. Công việc không còn dồn đuổi bên lưng. Chi tiêu gia đình trở về như cũ, không còn phải lo sắm sửa, biếu xén. Nhiều món đồ mua dư trở nên thừa thãi. Tôi bỗng tự cười mình sao cả nghĩ, ôm đồm, tự nhát mình vì những điều không có thật...
Có năm, mấy thứ đồ khô, giò chả, lạp xưởng... ăn mãi sang tháng Hai vẫn còn. Khi ấy tôi lại nhớ má hay nói vui: "Tháng Giêng là tháng sướng, không cực nhọc việc dồn đuổi, không cần đi chợ vẫn có thức ăn".
Dường như khi tết đi rồi, mọi thứ bỗng thong dong, nhàn nhạ, mọi âu lo cũng biến mất... Sang Giêng là dịp để người người sống chậm, ngẫm ngợi những điều được mất, rút kinh nghiệm cho năm sau không quá cực nhọc, lo rầu...
|
Tháng Giêng có nhàn hạ hay không cũng nhờ vào phần cố gắng, vất vả của tháng Chạp (ảnh minh họa) |
Tháng Chạp là tháng cực, cực nhưng vui vì năm hết tết đến, cực nhưng khi làm xong thì lòng thơi thới, tự hài lòng vì đã dọn mình để đón những điều mới mẻ, may mắn. Sang Giêng là tháng thanh nhàn, chậm rãi chờ đón cơ hội mới. Mùa nào cũng là mùa vui, miễn lòng thanh thản, buông bỏ...
Theo phụ nữ TPHCM