|
|
Sài Gòn có trong giấc mơ của nhiều người tứ xứ (ảnh: Phùng Huy) |
Hai từ “thành phố” đối với tôi đã quen thuộc ngay từ khi còn rất nhỏ. Là những buổi chiều, tôi ngồi chờ má tôi “ở thành phố về”. Hồi đó, nhà tôi nằm gần ga Trản Táo, ga đầu tiên nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai cho những chuyến tàu đi từ Bắc vào Nam và ba má tôi dựa vào những chuyến tàu này để kiếm sống.
Mỗi sáng, ba tôi vào bìa rừng, cắt những cành cây khô bó thành từng bó, đưa về nhà và chờ đợi những chuyến tàu đêm. Hai-ba giờ sáng, khi tàu hàng dừng lại ở ga, cũng là lúc má tôi đưa những bó củi khô lên tàu xuôi về ga Hòa Hưng để bán, rồi trở về nhà với dầu ăn, gạo mắm, cá khô...
Trong trí óc non nớt của một đứa trẻ mới 5-6 tuổi, TPHCM là một thứ gì đó rất đặc biệt, có thể đem lại cho gia đình tôi những bữa cơm có cá, có thịt... và tôi ước có một ngày mình được đến thành phố giống như má của tôi.
Năm dài tháng rộng nối tiếp nhau, ước mơ "đến thành phố" trong tôi vẫn không ngừng âm ỉ nhưng chưa có cơ hội để trở thành hiện thực. Những địa danh như: Thảo Cầm Viên, Dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Ủy ban nhân dân Thành phố, chợ Bến Thành... còn nằm đâu đó trong trí tưởng tượng của một đứa học trò có nhiều mơ mộng.
Mãi đến năm học lớp 9, tôi mới được đặt chân đến TPHCM nhưng bằng cách không ai mong muốn. Tôi bị gãy tay và ba tôi buộc lòng phải đưa vào đó để chữa trị. Những ngày nằm lại Trung tâm chấn thương chỉnh hình (nay là bệnh viện chấn thương chỉnh hình TPHCM) tưởng như là những ngày u ám. Nhưng không, tôi đã gặp được Hoàng cũng đang nằm điều trị tại nơi đây. Hoàng cùng tuổi với tôi, ở cùng huyện nhưng khác xã. Vậy là một đứa gãy chân, một đứa gãy tay có người trò chuyện, dần dần trở nên thân thiết, để rồi hẹn nhau cùng học cấp III tại một trường và giữ mối quan hệ đó cho tới mãi bây giờ. Từ ngày đó, thành phố này đã cho tôi có thêm một người bạn tâm giao.
Năm 2001, cậu học trò nhà quê lần đầu một mình lên thành phố để dự thi đại học, mang theo tâm trạng bất an, bởi trong đầu chỉ là một số thông tin ít ỏi học được từ các anh chị đi trước. Nhưng rồi sự bất an đó nhanh chóng được lấp đầy bằng những chiếc áo màu xanh tình nguyện khi vừa đặt chân xuống bến xe miền Đông. Các anh chị nhiệt tình đưa tôi đi tìm nhà trọ, rồi hướng dẫn cách đến địa điểm thi.
Khi tôi nói tiếng cảm ơn, đáp lại chỉ là nụ cười kèm theo câu nói: “Có gì đâu em! Thì hồi trước anh chị cũng giống như em, cũng nhờ có các anh chị lớp trên giúp đỡ”. Câu nói ấy khiến cậu học trò nhỏ tự dưng cảm thấy ấm lòng giữa nơi đất lạ xa quê.
|
|
Sài Gòn nhìn từ trên cao (ảnh Nguyễn Quang) |
Dường như những năm tháng sống ở TPHCM, tôi thường nhận được những điều may mắn, được nhiều người tốt giúp đỡ. Là cô chủ nhà nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 đã cho tôi ở miễn phí trong những ngày dự thi đại học; là chị chủ shop ở chợ Bến Thành đã nhận tôi vào làm để có thêm tiền trang trải việc học; hay như anh xe ôm đã đẩy chiếc xe hết xăng của tôi một đoạn đường dài từ ngã tư Thủ Đức về tận chân cầu Sài Gòn giữa đêm mưa gió, rồi vội vã chạy đi.
Sau này nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu lý do vì sao anh xe ôm lại giúp đỡ tôi thay vì “bắt chẹt” để kiếm thêm vài đồng trong đêm hôm đó. Anh nhìn thấy hình ảnh của anh nhiều năm về trước? Hay anh cùng từng nhận được sự giúp đỡ để bây giờ giúp ngược lại tôi? Những câu hỏi không thể nào lý giải được, bởi ở thành phố này đôi khi người ta giúp nhau không cần phải có lý do, cũng không cần nhận lời cảm ơn từ người được giúp.
Nhiều lần đứng trên tòa cao ốc của TPHCM nhìn xuống đường phố vào giờ tan tầm, tôi lại liên tưởng đến những cơn sóng, hết lớp này đến lớp khác cứ nối tiếp nhau. Và TPHCM cũng vậy, luôn mở rộng vòng tay để đón lớp người đến và tiễn lớp người đi. Nhưng một khi ở lại, họ đều xem mình là một bộ phận của cư dân thành phố để rồi chung tay phát triển, cũng như lan tỏa những điều tốt đẹp, hào sảng, bao dung.
Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi nơi thành phố này là cho tôi được gặp người con gái, để sau này chính là vợ của tôi. Em từ Nghệ An xa xôi. Tôi nơi Bình Thuận. Ấy vậy mà ông trời lại “se duyên” bằng một cơn mưa trong chiều tháng sáu, để cho hai đứa cùng đứng lại trú mưa nơi góc Võ Văn Tần. Quen nhau, yêu nhau, rồi cưới nhau đến bây giờ cũng đã 20 năm trời có lẽ nhưng hai đứa vẫn nhớ như in khoảnh khắc gặp lần đầu. Tôi thấy mình còn mắc nợ khi thành phố đã cưu mang tôi, se duyên cho tôi nhưng lại “bội bạc” rời đi.
Tôi về Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống cũng đã 15 năm cũng có lúc thấy “thèm” thành phố, đành tạo cho mình một lý do để trở lại nơi này: Đi đường sách, ghé đường hoa, gặp vài người bạn từ ngoài Bắc mới vào, hay tào lao hơn là muốn hít một chút không khí ngột ngạt của chốn thị thành. Lại thấy giống như những câu thơ mà nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…”
Theo phụ nữ TPHCM