Nhóm thiện nguyện "không tên"

Giữa Đà thành náo nhiệt, có nhóm bạn trẻ dù bận rộn mưu sinh nhưng sẵn sàng gác lại công việc để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Thành lập cách đây hơn 1 năm, nhóm thiện nguyện quy tụ gần 10 thành viên sinh sống nhiều nơi trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Điểm đặc biệt là nhóm không đặt tên, trước đây chỉ có các hoạt động thầm lặng như thăm, tặng quà tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở TP.Đà Nẵng và chùa Huệ Quang. 

Gần đây, nhóm bạn trẻ lập thêm bếp ăn 0 đồng, hoạt động vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hằng tháng để chia sẻ những phần ăn chay đến người lao động nghèo, người già, người khuyết tật...

Thiện nguyện không đợi tuổi - Ảnh 1.

Các thành viên “bếp ăn 0 đồng” tận tình trao suất ăn đến những người khó khăn

THANH THÙY

Ai cũng bận rộn, nhưng chỉ cần một thành viên trong nhóm ngỏ ý thì các thành viên khác sẵn sàng tham gia. Khi một thành viên hỏi "tuần này nấu cơm chay 0 đồng không?", bạn Trần Thị Thu Thúy (29 tuổi, thành viên nhóm) lập tức đồng ý. "Mình rất thích làm những việc thiện nguyện như thế này. Được cùng mọi người chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, mình thấy vui lắm", Thu Thúy nói.

Hiện tại, lượng khách du lịch đến TP.Đà Nẵng khá đông, công việc ở khách sạn rất nhiều nhưng Thu Thúy luôn cố gắng dàn xếp công việc, xin nghỉ để đến bếp ăn 0 đồng nấu và phát cơm cho mọi người. Bạn Huỳnh Thị Ngọc Vy (26 tuổi, trưởng nhóm thiện nguyện) cho biết Vy lập ra nhóm thiện nguyện để cùng các bạn chung tay làm việc thiện, với mong muốn góp chút công sức, chia sẻ một phần với những người khó khăn. Nguyễn Thị Kim Khuê (26 tuổi, chủ một quán ăn ở TP.Đà Nẵng) sau khi nghe Vy có ý định mở bếp ăn 0 đồng đã không ngần ngại dùng mặt bằng quán của mình để làm nơi nấu ăn, phát cơm cho mọi người. 

"Mỗi lần được tận tay trao những phần cơm cho các cô chú gặp khó khăn, mình thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Mình sẽ cố gắng gắn bó với hoạt động này lâu nhất có thể. Hy vọng việc làm của chúng mình sẽ lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ", chị Khuê nói.

Những ngày nắng nóng vừa qua, sự khắc nghiệt của thời tiết vẫn không ngăn được lòng nhiệt huyết, sự tận tình của nhóm bạn trẻ. Mặc kệ những giọt mồ hôi đang rơi, hễ có người ghé lại thì các bạn lại tận tình hỏi han "Mấy phần cô ơi?", hay dặn dò "Có thêm chuối với nước mát đó chú nhé!". Các bạn tận tình lấy phần ăn cẩn thận móc lên xe cho các cô chú và không quên gửi lời chúc ngon miệng.

Thiện nguyện không đợi tuổi - Ảnh 2.

“Bếp ăn 0 đồng” phát cơm vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch tại một quán ăn ở gần cầu Rồng, TP.Đà Nẵng

Mỗi lần bếp ăn hoạt động, nhóm thiện nguyện gửi tặng khoảng 200 suất ăn, khi thì cơm chay, khi bánh canh chay, bún chay... và luôn kèm theo một chai nước mát. Để có được những suất ăn ấy, nhóm tình nguyện đã tập trung lúc 5 giờ sáng, tất bật mỗi người một việc để kịp nấu và mang những phần ăn đến mọi người. 

Kinh phí cho bếp ăn 0 đồng chủ yếu do các thành viên trong nhóm tự bỏ ra, một phần khác từ các nhà hảo tâm quyên góp, kể cả khi họ tình cờ bắt gặp cảnh thiện nguyện của các thành viên dọc đường.

Tuy chỉ là những phần quà nhỏ như sữa, bánh kẹo... gửi đến các em nhỏ mồ côi hay những phần cơm chay, chai nước mát đến những người lao động, người khuyết tật, nhưng "giá trị" lớn nhất mà các bạn trẻ tạo ra chính là tấm lòng biết sẻ chia, hướng đến những phận đời còn khó khăn. Họ làm công việc này với tất cả tình yêu thương, nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người.

Thú vui tuổi già của "trùm ve chai"

Ở tuổi 75, ông Nguyễn Quang Vinh (ở P.Đồng Hải, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) trở thành "đại lý" gom ve chai trong khu phố. Điều đặc biệt ở chỗ, ông gom ve chai để bán lấy tiền làm từ thiện.

Nhiều năm qua, người dân sống trên đường Cao Bá Quát (P.Đồng Hải) đã quen với hình bóng ông Vinh thường đi quanh khu phố, tay xách nách mang những mớ ve chai. Ông Vinh là cán bộ về hưu nhưng chưa "nghỉ việc" hẳn, vì còn lo đi gom ve chai bán lấy tiền làm từ thiện. 

"Lúc nào rảnh, tôi hay đi quanh mấy căn nhà trong khu phố để lấy ve chai. Giờ trong xóm người ta biết cả rồi, khi có đồ gì họ lại gọi tôi qua lấy. Gom góp thành đống thì tôi bán, lấy tiền ủng hộ mấy cháu nhỏ hoàn cảnh khó khăn hoặc hội khuyến học...", ông Vinh cười nói.

Ghé thăm nhà ông Vinh, dễ nhận thấy ngay trước thềm nhà có một đống ve chai rất lớn được ông trùm bạt cẩn thận và đã sắp xếp, phân loại gọn gàng.

Ông Vinh có 3 người con gái, tất cả đều lập nghiệp ở xa, ông sống cùng vợ là bà Nguyễn Thị Huyền (72 tuổi), một giáo viên đã về hưu. Trước đây ông làm trong ngành viễn thông, về hưu năm 2008. "Về hưu được vài năm thì tôi bắt đầu làm công việc này. Nói "công việc" thì cũng chưa đúng, mà nó như một thú vui tuổi già. Đi quanh xóm gặp gỡ, trò chuyện rồi thấy nhà ai có vỏ nhựa, bìa giấy thì mang về gom dần, khi nào đủ nhiều sẽ gọi người đến bán", ông Vinh nói. 

Mỗi lần bán, ông thu về chừng 300.000 - 400.000 đồng. Sau đó, gặp dịp nào đó, ông lấy tiền ủng hộ quỹ khuyến học của phường hay tặng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà Quảng Thuận (TX.Ba Đồn).

Ông Vinh lặng lẽ thu gom phế phẩm, vỏ chai nhựa…

BÁ CƯỜNG

Con cháu nhiều lần nhắc ông chỉ nên đi nhặt các ve chai trong phạm vi của khu phố vì tuổi tác đã lớn, nhất là chỉ gom các loại ve chai sạch sẽ, an toàn. Người trong xóm thì luôn "để dành" phế liệu cho ông. Bà Hoàng Thị Hoa (56 tuổi, hàng xóm của ông Vinh) thỉnh thoảng có chai nhựa, bìa giấy đều giữ lại rồi bỏ trước sân nhà chờ ông Vinh đến lấy. 

"Tôi thấy ông ấy làm những việc rất hay, vừa làm sạch môi trường mà số tiền ông ấy bán cũng đóng góp vào những việc chung của xã hội. Trong xóm này giờ ai cũng biết cả, nên hễ nhà ai có ve chai lại để đấy cho ông Vinh đến lấy. Hy vọng ông ấy sẽ luôn vui cười, hạnh phúc với thú vui tuổi già này", bà Hoa nói.

Đã 6-7 năm nay, ông cụ U80 ấy trở thành một "trùm" ve chai trong khu phố. Ông đã hết lòng thu nhặt phế liệu, biến những thứ bỏ đi trở nên giá trị hơn.

Theo Thanh niên