Một thứ mùi hương cũng mộc mạc đơn sơ kiểu "hương đồng gió nội" như trong thơ Nguyễn Bính, chỉ có điều, "hương đồng gió nội" của thi sĩ thì quả mỗi ngày đã "bay đi ít nhiều", có khi còn bay đi hết sạch sành sanh nữa là, còn cánh đồng khói thơm của tôi thì vĩnh cửu, nó có thể tan vào đâu đó, ẩn vào đâu đó, và đến hẹn là như chim én bay về không trễ một ngày giờ nào.

Tôi muốn nói đến mùi hương nếp thơm của bao đời nay. Cố nhiên, ngày thường thì nó vẫn thơm, nhưng mà lẩn khuất đâu đó giữa... ngày thường. Ngày Tết thì không lặng lẽ như thế mà là ngày "hội hè" củ các loại bánh trái.

Đây là ngày để các mẹ, các chị thỏa sức thi thố cái nghệ thuật khéo tay gói gắm của mình. Bánh ít, bánh ú, bánh thuẩn, bánh chưng, bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh phu thê..., hầu như loại bánh nào cũng được chế biến ra từ nếp. Nguyên chất một trăm phần trăm, không pha tạp, không bao giờ biết đến sự giả tạo. Mà nếp nào phải chỉ một loại nếp không đâu, nào là nếp hương, nếp bầu, nếp cái, nếp tẻ... cho đến cả miền núi và những vùng cao nguyên còn góp thêm vào ngày hội bánh trái một loại nếp dẻo thơm đầy sức quyến rũ, gọi quen là nếp núi.


Cùng với sức nực mùi hương của nếp còn có các loại đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu phụng. Và gừng, bí đao, khoai tây, khoai lang.. nhưng chung qui lại nếp được xếp đứng vào vị trí hàng đầu. Người người, nhà nhà gói bánh, làm bánh. Xóm này qua xóm khác, làng này qua làng khác, bếp được nhóm đỏ rực trong nhà ngoài sân.

Những chiếc nồi, chiếc thùng to đùng được bắc lên, lửa củi cháy đỏ hết lòng, từng nồi bánh nước réo sôi sùng sục. Khói tỏa ra khắp mọi con đường làng. Khói bay đến đâu mùi hương nếp ngào ngạt đến đấy. Lan xa, mỏng mảnh mong manh mà nồng nàn hơi ấm, mà đủ sức xô dạt từng cơn gió cuối đông giá lạnh, mang cái thông điệp vừa ấm áp reo vui vừa hối hả thúc giục. Tết đang về thật gần!

Không giống như ở phố, mỗi cái Tết là một cuộc chạy đua sắm sửa. Người giàu có bạc nguyên sơ ri, bạc lốc thì quẳng tiền ra mua sắm. Mới vào tháng chạp đã khệnh khạng bưng bê, thứ gì cũng hàng xịn, hàng ngoại, chất đầy kho để no say một cái Tết. Người lao động nghèo khó, bạc tiền cắc tiền hào lấm láp đầy mồ hôi, cũng cố chắt chiu gom góp đến cận ngày Tết mới tất tả chạy ào ra chợ mua sắm vội vàng qua quít ít thứ hoa trái bánh mứt cho xong một cái Tết.

Người quê xa lạ với kiểu đua bơi mua sắm đó. Ăn Tết là cả một quá trình thưởng ngoạn, là dịp để mở lòng ra bày tỏ tâm tình. Mà bao giờ cũng vậy, công đoạn đầu tiên bắt đầu từ việc chuẩn bị nguyên liệu cho bánh trái. Từng hạt nếp được làm ra từ đồng sâu gành cạn. Cuốc thêm ít thước đất khai phá ở hóc núi triền khe, mở thêm ít diện tích ở cồn, ở bãi để gieo cấy một ít nếp mà có cái thu hoạch dành dụm lo cho ba ngày Tết. Đất ấy, người quê gọi là đất mót, thường không có tên trong danh bộ ruộng lúa thuế điền. Làm được hạt nào phơi xong bỏ vào lu, vào hũ hạt đấy, đậy kín nắp lại cất giữ như hạt ngọc trời cho, chờ Tết đến đổ ra mà tha hồ làm các loại bánh trái.

Giai đoạn cam khó qua rồi, bây giờ là lúc tâm hồn bay theo cùng hương nếp. Từng nhà quây quần ngồi quanh bếp lửa, gói bánh, nấu bánh, in bánh. Những chuyện đời xửa đời xưa lũ lượt kéo về, ông bà kể, cha mẹ kể, con cháu kể, trời sáng từ lúc nào chẳng ai hay. Trên những con đường làng, các chị các em còn tụ năm tụ bảy ở ngã ba, ngã tư, nơi được nhóm những chiếc lò chung nhau rang nếp. Cũng là cái cớ để hội họp nhau lại, cốt là chuyện vãn Tết, để hương sắc tỏ bày với sắc hương mà lãng mạn phiêu bồng những e ấp thầm kín, những hò hẹn mai sau !

Tôi nghiệm ra một điều, người quê ăn Tết không bởi sự no say, mà đã đẩy cái sự ăn uống xuống hàng thứ yếu. Ngắm Tết, thưởng ngoạn Tết, san sẻ yêu thương Tết mới là chính. Ăn gì cái ngọn lửa đỏ rừng rực thâu đêm suốt sáng, ăn gì cái thứ khói bay mỏng mảnh như tơ trời la đà khắp đường quê lối xóm. Vâng, ăn bằng mắt, bằng môi, bằng nụ cười tiếng nói... Cái gì cũng đòi bỏ vào mồm miệng mới gọi là ăn, e có khi "bội thực" lăn quay ra thì còn gì Tết nhứt.

Đi giữa một trời hương nếp ngất ngây kỳ diệu ấy, tâm thức con người dễ thường được quang chiếu bởi những huyền thoại. Trước mọi niềm xao xuyến và khát vọng cao cả từ hiện thực của những tâm hồn, phải chăng từ đấy mà sinh khai ra truyền thuyết, một cái đẹp nhân văn âm ỉ, ẩn tàng như một thứ lửa truyền sinh đời này qua đời khác, một khắc họa của sự vĩnh hằng!

Tôi đã thức với vô vàn lửa khói huyền hoặc đắm say đó để hiểu ra một lý lẽ muôn thủa, vì sao giữa bao mâm cao cỗ đầy, giữa tràn trề sơn hào hải vị quí hiếm tận đáy biển sâu hoặc tận non cao rừng thẳm, vậy mà vua Hùng chỉ chọn mỗi Lang Liêu dâng lên cho mình chiếc bánh chưng xanh bình dị, đơn sơ, dân dã.

Hóa ra cái triết lý chăn dắt trăm họ là phải tường tận, thấu rõ và chia sẻ tâm tư tình cảm với đời sống của trăm họ. Từ buổi bình minh dựng nước, lửa thiêng ấy đã được thắp lên rồi, hương nếp ấy đã bát ngát từ cung đình cho đến tận những làng quê gieo neo thâm sơn cùng cốc. Có quá lắm không khi bảo rằng, có ở nơi đâu cái mùi hương nếp thấm đẫm hồn quê hương xứ sở, trường cửu bền bỉ suốt mấy ngàn năm như ở xứ này.

Và, là tôi lãng mạn mà tưởng ra, nếu cơ may đến một tháng năm nào đó, thế kỷ nào đó, sức vóc ta có vươn tới những hành tinh xa xôi, thì tôi đoan chắc rằng, ở những nơi ấy vẫn cái mùi hương nếp ngào ngạt lẫn trong khói bay gieo đầy những giấc mơ đẹp trên khắp lối xuân về!

Theo Lao động