Bông và Cún là cháu ngoại, Tỏi và Na là cháu nội. Đứa bé nhất đang tuổi mẫu giáo, 3 đứa còn lại thì đứa lớp Ba, đứa lớp Bốn và đứa lớn nhất lớp Sáu. Sống ở thành phố, 4 đứa cháu của tôi đều mong ngóng tới hè để khỏi phải đi học. Ở cùng ba mẹ, kiểu gì cũng phải đi học thêm, chỉ có về quê với ông bà mới thực sự là nghỉ hè.

Ban đầu, đám con cái, dâu rể của tôi cũng nóng ruột, sợ tụi nhỏ về quê không quen. Nhưng không ngờ, mấy đứa cháu quấn ông bà lắm. Ba mẹ điện về hỏi chừng nào trở lên thành phố, chúng đều trả lời “hết hè con lên”.

leftcenterrightdel
 Nghỉ hè, được về quê chơi là niềm mong đợi của những đứa trẻ thành phố - ẢNH: THU CÚC

Sáng, vợ chồng tôi dậy thật sớm vo gạo nấu cháo làm món cháo trắng ăn với chà bông. Có hôm chúng tôi lại hong xôi vò, nấu miến gà, xào hủ tíu. Hôm nào ngán các món ấy thì cả nhà úp mì gói ăn. Thằng Tỏi cười toe: “Ở nhà, ba cấm tụi con ăn mì gói, chỉ về nội mới được ăn mì thoải mái!”.

Tôi xoa đầu thằng nhỏ nói: “Đây là bí mật của bà cháu mình nhé. Thi thoảng ăn mì cũng không sao. Nhưng ngày mai, cả nhà mình ăn sáng món khác, phải thay đổi chứ không thể ăn mì gói hoài được”.

Nhà có cháu nhỏ, cái tật lười ăn sáng của vợ chồng già cũng phải bỏ. Ông bà cháu ăn sáng đều đặn, sức khỏe chúng tôi nhờ thế cải thiện hơn. Bình thường, ăn sáng xong là tôi ôm ti vi “cày” phim bộ, ông xã tôi ôm iPad xem review phim, xem đấu vật, đá banh hay đánh cờ trên mạng. Nhưng mùa hè có cháu về thì ông bà phải nghĩ ra trò cho chúng chơi. Đầu tiên là chương trình đi chợ quê. 2 ông bà, 4 đứa cháu xếp nhau trên 2 chiếc xe máy thẳng tiến ra khu chợ vùng ven vốn có nhiều người bán sản vật miền sông nước.

Khỏi phải nói, bé Bông, bé Cún cứ tròn mắt khi thấy mấy con vịt xiêm cồ, gà mái, gà trống - con thì quàng quạc, con thì cục tác, con lại đập cánh phành phạch… Thằng Tỏi chuyên nghịch phá thì sà ngay vô chỗ chú bán mấy con ốc mượn hồn - lấy que chọc con cua nhỏ trốn trong vỏ ốc. Tôi mua ít tôm sông, cái củ hủ dừa, thêm mớ đọt choại, đọt xoài, đọt cóc về đổ bánh xèo đãi cháu. Lá cách, đọt chùm ruột, rau thơm thì có sẵn trong vườn nhà.

Cứ như vậy, những chuyến chợ quê lần nào cũng đầy háo hức và rộn tiếng cười. Mấy đứa cháu thành phố vốn bị ba mẹ chúng phàn nàn không biết ăn rau, không chịu ăn cá, thì chỉ sau vài lần theo ông bà đi chợ quê đã thích thú xin nếm thử món cá kho, cá nấu canh chua, cá chưng tương; biết cuộn bông súng, kèo nèo, hẹ nước chấm mắm kho, biết ăn măng xào, củ hủ dừa trộn gỏi…

Một cái tật lớn của vợ chồng tôi từ khi về hưu là lười vận động. Tuổi già nhức mỏi xương cốt, thêm cái bệnh giãn tĩnh mạch khiến tôi không muốn đi bộ, tập tành chi cả. Cháu về, ông bà phải bày trò vẽ tranh, thả diều, làm lồng đèn, làm ống thụt, chơi ô ăn quan… với chúng. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới được sống lại với ký ức tuổi thơ, chợt nhớ ra hồi con mình còn nhỏ, vợ chồng tôi đâu có thời gian dành cho con như dành cho các cháu bây giờ.

Thời nhà còn nghèo, mẹ cha lo làm kiếm cái ăn, cái mặc, lo chuyện học hành cho con đã mệt, ngoài giờ đi dạy trên lớp tôi còn phải chăn nuôi, trồng trọt, bán buôn… làm gì còn thời gian để chơi cùng con, trò chuyện cùng con?

Có lúc vợ chồng tôi phải thức đêm canh chừng khi bé Bông sốt, bé Cún ngộ độc thức ăn; cũng lắm lúc “lên ruột” với thằng cu Tỏi khi nó nghịch ngợm bật quẹt gas cháy sém cả một góc bàn, lo lắng khi bé Na bị dị ứng nổi mẩn khắp người. Những lúc như thế, tôi thì lo lắng gọi điện cho đứa cháu làm bác sĩ hỏi ý kiến, chồng tôi thì chạy đầu này đầu kia mua thuốc cho cháu.

Chúng tôi thống nhất quan điểm: phải cố gắng để khỏi phải thông báo tình hình khiến các con ở xa thêm lo lắng, lại thêm nguy cơ bọn trẻ bị “cưỡng chế” về Sài Gòn trước thời hạn vì sợ ông bà không lo nổi. May mà cuối cùng, những trở ngại nho nhỏ ấy cũng qua, nhìn bọn trẻ mạnh khỏe, vui vẻ mà chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Cuộc sống như một guồng quay lớn. Bọn trẻ con thời nay không thiếu thốn vật chất, nhưng thời gian gần gũi với ba mẹ chắc cũng không nhiều hơn trẻ con ngày xưa. Nghĩ mà thương chúng quá. Vậy nên, dù mỗi năm thêm tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng mỗi mùa hè đến, vợ chồng tôi vẫn muốn được đón các cháu về, vừa đỡ đần các con, vừa cho bọn trẻ những mùa hè tuổi thơ đáng nhớ.

Với cả ông - bà - cháu, những ngày hè bận rộn là sự trông ngóng, niềm hạnh phúc lớn nhất trong năm.

Theo phụ nữ TPHCM