Nói về tính cách Nam Bộ, người ta thường cho rằng cô/anh ấy, họ… không chấp nhặt, khách sáo, xét nét mà xởi lởi, vô tư, không nghĩ gì đâu. Có người còn bảo, cái tính cách dễ gần gũi ấy thể hiện rõ nhất là họ dùng từ “cưng” để nói với ngôi thứ hai (số ít và số nhiều). Chỉ riêng từ này thôi đã thấy người Nam Bộ… dễ cưng rồi.
Ra chợ, người bán hàng hỏi khách mua gì hôn cưng. Mua xong rồi hỏi, thêm gì nữa hôn cưng… Người mua dù khó tính đến mấy cũng thành dễ chịu; bởi chẳng ai nỡ nóng giận, to tiếng với người vừa kêu mình là cưng cả.
Chuyện vui, một chị U60 kể một hôm ra chợ, ghé hàng thịt. Chị bán hàng mời chào: “Cưng ăn gì để chị làm cho”. Sau khi tính tiền, chị bán hàng lại hỏi: “Cưng lấy thêm gì nữa hôn?”. Chị U60 bỗng… chạnh lòng. Nghĩ bụng, lâu lắm, mấy chục năm rồi không còn ai gọi mình là cưng nữa, giờ nghe lại thấy mềm lòng ghê.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa: internet

Xem ra, trong đời, nhiều người đã từng được người khác gọi là cưng (người Nam Bộ dùng từ này cho cả nam và nữ), rồi người ta quên bẵng hay chẳng chú ý để thấy đó là một từ rất đỗi yêu thương, cho dù thực sự chỉ là cách nói theo phương ngữ Nam Bộ mà thôi.

Nghĩ sâu xa hơn một chút về tính cách xởi lởi của người Nam Bộ, mới thấy, đó là một cách mở lòng với người đối diện, gây cảm tình, thân thiện… vừa dễ thương lại ngọt ngào. Có người còn cho rằng, bởi tính hào sảng Nam Bộ mà với phụ nữ, trong tình yêu họ “yêu chết bỏ” nhưng khi hết yêu thì bỏ cái một, khiến cánh phụ nữ nhìn nhau và nhìn lại mình. Ừa, phải như thế mới là (quyền của) phụ nữ. Nặng nợ yêu đương, lụy tình, dây mơ rễ má, yêu quá thành… lầy rồi đâm thù hận là uổng phí cả một đời, giết chết một giai đoạn đẹp nhất của tuổi thanh xuân. 

Thực ra, ai cũng biết, ông trời cho mỗi người mỗi tính, quan điểm “cưng” ở trên là nói chung chung tính cách con người một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, vốn hào phóng, rộng rãi, vui tính, hồn nhiên. Tuy nhiên, có người chưa từng nghe người khác gọi mình là “cưng” hay lâu quá, quên mất nên bỗng giật mình. Từ bao giờ không còn ai đó nói “cưng” với mình và bao lâu rồi mình chưa nói “cưng” một ai đó. Có gì khó nói lắm đâu khi cha mẹ gọi con cái là cưng, anh/chị gọi em mình là cưng để thấy tình cảm với nhau sẽ khác. Chẳng ai nổi nóng, hay giận hờn với người vừa gọi mình là cưng. Giận đó nhưng sẽ làm lành nhanh thôi.

Để suy rộng ra, mới thấy chỉ có mở lòng với nhau con người mới xích lại gần nhau. Lý thuyết bảo rằng, hãy nói tiếng thương yêu, tưởng dễ nhưng khó vô cùng. Chính con người không dễ cởi mở với nhau, vì những rào cản nghe qua rất vô lý như tự ái, chấp nhặt, tự tôn, kiêu ngạo… Và, cũng bởi cái tôi quá lớn này mà con người đã để vụt qua bao nhiêu cơ hội tỏ bày.

Có người lại bảo, ông trời cho con người cái miệng mà sao không chịu nói lời xích lại gần nhau, cứ thích nói câu khiến dễ đau lòng. Có đôi tay làm gì mà khi bạn gặp bất hạnh mình không ôm vai bạn một lần.

Tính cách do trời ban, đôi khi ảnh hưởng từ môi trường, hoàn cảnh sống. Cha mẹ cho con cái hình hài mà không tạo được tính cách. Ai cũng biết, tính cách nhẹ nhàng, thân thiện, cởi mở luôn thu phục được lòng người, thế nhưng nói tiếng cưng (theo nghĩa bóng) với người đối diện nhiều khi lại là quá khó.

Tiếng “cưng” nghe… cưng lắm. 

Theo phụ nữ TPHCM