Ngày 28/8, Trương Hữu Phước (sinh năm 1999) mang những túi thực phẩm giao đến nhà từng người dân. Chàng tình nguyện viên (TNV) không may làm vỡ một vài quả trứng, lo lắng bị người mua quở trách.

Lúc này, một người đã đưa cho cậu hộp trứng của gia đình mình để đổi lấy hộp trứng vỡ: "Lấy trứng của nhà cô để đổi cho họ đi này, nhỡ đâu nhà họ khó tính".

Chàng trai bối rối vội nói lời cảm ơn. Đó là kỷ niệm cậu nhớ nhất sau những ngày tham gia đội hình đi chợ hộ trên địa bàn khu phố 6 (phường 11, quận 10, TP.HCM).

                                             Hữu Phước đi chợ hộ giúp người dân tại phường 11, quận 10.  

Lúng túng


Từ đầu tháng 6 khi TP.HCM bắt đầu xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19, Phước đã đăng ký trở thành TNV, đảm nhận nhiều nhiệm vụ như hỗ trợ phun khử khuẩn, điều phối tại điểm tiêm phòng, phân loại rau củ…

Vào ngày 23/8, Phước được bố trí vào đội hình đi chợ hộ, cùng 9 đồng đội khác tiếp nhận đơn yêu cầu từ người dân, mua đồ tại siêu thị và giao hàng đến tận nhà.

"Nhiệm vụ đi chợ hộ của chúng mình gồm 3 khâu chính: thứ 2,3 đến từng nhà để phát phiếu đi chợ và thu phiếu; thứ 4,5,6,7 sẽ lần lượt đến siêu thị mua đồ giúp mọi người

Cứ mua được khoảng 50 đơn, chúng mình sẽ được các anh công an phường hỗ trợ dùng ôtô để chở hàng từ siêu thị về khu phố. Sau đó, chúng mình lại cùng một số chiến sĩ bộ đội đi xe máy để mang thực phẩm đến từng hộ dân", Phước chia sẻ với Zing.


                                            Phước cùng lực lượng bộ đội giao thực phẩm đến nhà người dân.


Theo Phước, khi đi chợ giúp người dân, việc khó nhất chính là số lượng đơn hàng lớn khiến cậu bị nhầm lẫn. Ngoài ra, nhiều mặt hàng được nhờ mua đã hết, cậu phải gọi điện cho người dân để thông báo và hỏi xem có cần mặt hàng khác để thay thế hay không.

"Ngày đầu tiên đi siêu thị chưa có kinh nghiệm, mình bị choáng vì số lượng đơn hàng rất nhiều, mua xong rồi không thể phân biệt được các túi đồ là của ai.

Về sau, mình đã thay đổi bằng cách bỏ luôn hóa đơn kèm theo tờ phiếu đi chợ của người dân vào túi đồ của họ, sau đó cột lại cho chắc chắn. Mỗi tuần các cô bác chỉ được đi siêu thị một lần thôi, mình không thể để mọi người bị nhầm lẫn đồ hoặc thiếu thực phẩm trong tuần", Phước nói.

                                             Tùng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.


Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1989) trong tuần qua cũng đi chợ giúp một số hộ gia đình trên địa bàn quận 12.

Tùng cho biết trước đây thường xuyên đi mua thực phẩm cho gia đình, vì thế ban đầu anh cho rằng việc đi chợ hộ sẽ không quá khác biệt. Thế nhưng khi thật sự "ra trận", anh đã phải thay đổi suy nghĩ.

"Mình chỉ mua giúp 5-6 hộ gia đình thôi, số lượng không quá nhiều nhưng mình khá chật vật. Nhiều mặt hàng mọi người nhờ mua mà siêu thị đã hết, mình phải tìm món đồ khác thay thế và sợ rằng không đúng ý người mua.

Lúc thanh toán, mình cũng đặt nhầm đồ của người này vào đơn hàng của người khác khiến bạn thu ngân cũng rối theo. Mình ngại lắm, sợ làm mất thời gian của những người xếp hàng phía sau", Tùng kể.

Điều khiến Tùng lúng túng nhất khi mua hàng đó chính là lựa chọn các sản phẩm dành riêng cho phụ nữ như dầu gội, sữa tắm, băng vệ sinh… Anh cho biết mình khá ngại ngùng khi mua những đồ dùng này, không biết lựa chọn nên chỉ có thể mua nhanh một món bất kỳ.

Cảm ơn


Cũng giống như Phước và Tùng, Nguyễn Bảo Quốc (sinh năm 2003) cũng tham gia đội hình đi chợ hộ tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Nhiệm vụ của Quốc cùng đồng đội là in phiếu đăng ký để các tổ trưởng tổ dân phố phát về địa bàn, cùng lực lượng bộ đội đi thu phiếu và tiền tạm ứng, gọi điện xác nhận đơn hàng, mua hàng và chuyển giao hàng đến người mua.

"Mỗi ngày, ấp 2,3 do chúng mình phụ trách có khoảng 100 đơn hàng cần mua. Mình thấy nhiệm vụ mua hàng không quá khó, thế nhưng phải nhanh nhẹn để đảm bảo tiến độ đề ra, giúp phân phối thực phẩm về tay người dân nhanh nhất.

Thông thường để hoàn thành một đơn hàng từ khâu xác nhận đến khâu giao hàng, chúng mình mất hai ngày", Quốc chia sẻ.

                                             Quốc là thành viên của đội hình đi chợ hộ.


Đối với Quốc, nhiệm vụ đi chợ hộ không thật sự đơn giản. Cậu đã gặp nhiều tình huống như nhầm lẫn khiến phải sắp xếp lại hoặc mua thiếu đồ.

Tuy nhiên, khi hoàn thành mỗi đơn hàng, Quốc luôn được người dân cảm ơn và động viên. Đó chính là kỷ niệm mà cậu ghi nhớ nhất, cũng là động lực lớn nhất để Quốc và đồng đội làm việc không hề mệt mỏi.

"Mỗi khi chúng mình giao hàng, các cô bác, anh chị luôn nói rằng: 'Cảm ơn cháu nhé', 'Cố gắng lên em nhé'.

Có lần, một chị chủ nhà đã nói chúng mình giữ lại tiền thừa để đổ xăng. Chúng mình rất vui khi được chị quan tâm nhưng không nhận tiền của chị. Lời động viên của chị là niềm vui rất lớn đối với chúng mình rồi", Quốc kể lại.

Theo Zing