Lauren Qiang từng sống với hai thân phận: cô giả vờ là gái "thẳng" ở nhà, nhưng không cần lo lắng về xu hướng tính dục của mình khi ở công ty.
Sau nhiều năm lo sợ bị gia đình từ mặt, cô cố gắng trở nên độc lập về tài chính và cuối cùng cũng mở lòng với bố mẹ về con người thật của mình.
Sự ủng hộ từ công ty công nghệ nơi cô làm việc giúp Qiang mạnh dạn công khai mình là người đồng tính nữ.
“Chính sách của công ty tôi nghiêm cấm phân biệt đối xử cộng đồng LGBTQ+. Nhờ vậy, từ một người rụt rè, không dám bước ra ánh sáng, tôi bắt đầu làm việc tích cực cùng đồng nghiệp để tổ chức các chiến dịch ủng hộ cộng đồng này”, cô nói với Sixth Tone.
Sự ủng hộ từ nơi làm việc giúp nhiều người thuộc cộng đồng LGBT can đảm công khai xu hướng tính dục. Ảnh: CGTN.
Qiang tham gia buổi thảo luận và chia sẻ trải nghiệm tại ngày hội việc làm với chủ đề "Sự Đa dạng và Hòa nhập" được tổ chức tại Thượng Hải ngày 19/6 vừa qua. Cô đưa ra cái nhìn lạc quan về vấn đề này, lấy ví dụ là công ty mình.
Tuy vậy, tình trạng chung về quyền bình đẳng ở nhiều nơi làm việc chưa thực sự khả quan.
Trong khảo sát gần đây do Trung tâm LGBT Bắc Kinh và Đại học Bắc Kinh thực hiện, chỉ 13,9% trong số khoảng 3.400 người được hỏi cho biết công ty của họ có chính sách chống phân biệt đối xử.
75% người thuộc nhóm tính dục thiểu số trong khảo sát nói rằng họ không hài lòng với những chính sách của công ty vì chúng không ủng hộ sự đa dạng tại nơi làm việc.
Theo khảo sát được công bố vào tháng 5, “mối lo ngại về hình ảnh trong mắt công chúng” và “độ nhạy cảm của vấn đề” là những lý do chính khiến các công ty không công khai ủng hộ cộng đồng LGBTQ+.
Hai thập kỷ kể từ khi Trung Quốc phi hình sự hóa quan hệ đồng tính, thái độ đối với các nhóm tính dục thiểu số bắt đầu thay đổi. Những người phản đối bắt đầu lay chuyển suy nghĩ. Truyền thông nhắc tới cộng đồng này thường xuyên hơn. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Tuy nhiên, sự bình đẳng vẫn còn là một giấc mơ xa vời với cộng đồng LGBT. Nhiều người không dám công khai xu hướng tính dục vì sợ phân biệt đối xử.
Theo nghiên cứu năm 2016 của Trung tâm LGBT Bắc Kinh, Đại học Bắc Kinh và tổ chức Being LGBTI, môi trường công sở là một trong những nơi có nạn phân biệt đối xử nặng nề nhất, chỉ sau gia đình và trường học.
Luật Xúc tiến Việc làm của Trung Quốc nghiêm cấm hành động phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo và sắc tộc. Tuy nhiên, luật trên không bao gồm các nhóm tính dục thiểu số.
Cộng đồng LGBT vẫn gặp tình trạng phân biệt đối xử tại nhiều nơi làm. Ảnh: SCMP.
Felico Soo, chuyên gia tâm lý lâm sàng tại phòng khám SinoUnited Health ở Thượng Hải, cho biết việc công khai xu hướng tính dục có thể gây tổn hại sức khỏe tinh thần, ảnh hưởng đời sống cá nhân và cơ hội thăng tiến công việc.
Phát biểu ở ngày hội việc làm, cô cho rằng các công ty cần ban hành chính sách không khoan nhượng đối với hành động phân biệt đối xử, đồng thời có các chương trình hỗ trợ nhân viên thuộc cộng đồng LGBT.
Nếu công ty không có những cơ chế trên, cô Soo khuyên mọi người hãy chia sẻ với bất cứ ai mình tin tưởng.
“Điều đó sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Tôi tin rằng đây có thể là cơ hội để bạn mở lòng”, cô nói.
Qiang kể rằng cô đã phải mất vài năm để chấp nhận bản thân. Môi trường công sở cởi mở với cộng đồng LGBTQ+ đã giúp cô làm việc hiệu quả hơn. Phần lớn người tham gia khảo sát cũng đề cập điều này.
“Môi trường tại công ty đã giúp tôi rất nhiều. Mẹ tôi lo rằng cuộc sống của tôi sẽ gặp nhiều trở ngại khi là người đồng tính. Nhờ sự ủng hộ từ nơi làm việc, tôi có thể nói với mẹ rằng xu hướng tính dục sẽ không cản trở triển vọng nghề nghiệp hoặc sinh kế của tôi, dù nó khó được chấp nhận bởi chuẩn mực xã hội”, Qiang kết luận.
Theo Zing