Đêm lụa bạch, đêm dâng hiến của hoa và trăng. Gió thu thảng qua khiến nội rùng mình, kéo chiếc khăn lụa cuốn cho ấm cổ, đôi bàn tay thon gầy nhón vài mảnh trầm thả vào chiếc lư đồng. Khói trầm quyện gió phả vào đêm ngát dịu, bâng khuâng mơ hồ. Bằng giọng thanh thanh bà nội tôi xa vắng: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”.

Đôi mắt người vời vợi, ngân ngấn sương. Câu thơ Tự Đức khóc Bằng Phi thuở nào, vì quá nhớ thương mà đập vỡ tấm gương nàng từng soi mong thấy được bóng hình người ngọc trong đó. Xếp chiếc áo cũ nàng đã mặc đem cất kỹ, thi thảng giở ra tìm lại chút dư hương. Bà tôi cắt nghĩa cho tôi rành rẽ, cứ sợ câu thơ của vị vua đa tình triều Nguyễn không nhập vào trí non nớt khờ dại của tôi.

Nhón nhẹ bước chân, bà lại gần cây hồng quế bên thềm đang thiêm thiếp dưới trăng. Cái cảm giác sợ tan bóng hoa khiến bà tôi khẽ khàng hơn, xa vắng vương mang đến tội tình. Trong màn sương ảo mờ vườn ngan ngát hương hoa hồng, hình như chúa hoa đang tấu khúc mê hương khiến lòng người ngơ ngẩn.

Bà thở dài nhìn chậu quỳnh bừng lên sức sống dưới đêm trăng. Chỉ một chút nữa thôi là quỳnh hương sẽ luân vũ sang kiếp khác. Kiếp hoa phiêu linh trong vũ trụ, trút phút trinh trắng ấp iu của đời mình dâng hiến cho nhân sinh rồi tan biến vào vĩnh hằng. Hoa hay trăng, sương hay hương mà bà rưng rưng niềm nhớ.

Khẽ khàng, người nâng bình tuyết hoa tửu chiết nhẹ xuống chiếc chén quân Bạch Định. Chiếc chén mỏng tang trong như ngọc lóng lánh dưới trăng. Bà thầm thì khấn nguyện lời mời hoa đêm nay. Cái cảm giác như có ai đang ở bên cùng bà đối tửu. Cánh hoa mềm lụa bạch, khoảnh khắc vi diệu, hoa thoát sinh chấp chới bay lên nghe cô liêu, rười rượi ngọc ngà. Một vẻ kiều mị u hoài nhưng không kém phần lộng lẫy.

Quỳnh hoa thổn thức dưới trăng, dâng hiến đến kiệt cùng. Nhìn quỳnh trắng tắm trăng bà tôi thẫn thờ. Tôi ngỡ ngàng thấy người cầm chén Tuyết hoa tửu tưới nhẹ xuống hoa, bằng cái búng nhẹ những tia rượu thơm ngào ngạt đã tắm lên đoá quỳnh.

Lễ tắm hoa kết thúc, ánh nhìn của bà tươi hơn, giọng người ấm và dịu hiền trở lại:

- Con có nhấp chút tuyết hoa tửu với bà không? Nhấp đi con ạ! Đây là rượu quý gia truyền nhà ta. Uống đi con sẽ gặp hương hồng bạch tao nhã, con sẽ thấy hồn mình bay lên... ừ mà con bé quá! Làm sao mà cảm nhận như ta được. Con đi ngủ đi! Sáng mai nhớ dậy sớm cùng bà ra vườn hái hồng bạch trước lúc mặt trời lên con nhé!

Tôi chìm vào giấc ngủ mà vẫn văng vẳng bên tai tiếng bà tôi ngâm Đường thi....

Vâng! Những đêm trăng bay qua đời ta bao giờ trở lại! Đêm quỳnh bà tôi lẻ loi rót rượu mời hoa cũng bay đi, bao đêm Đường thi vịnh hoa thưởng trăng của bà tôi với khách văn chương vẫn ăm ắp một niềm nhớ, cái cách mà nội tưới rượu cho hoa đau đáu trong tôi. Tuyết hoa tửu, thứ rượu quý ướp một đường viền huyền sử của dòng tộc được bà nâng niu tưới hoa ám ảnh tôi đến lạ kỳ.

Tôi lớn lên đã thấy nhà tôi nhiều rượu lắm rồi! Những hũ, vò, bình cổ rượu được chưng cất lâu năm vẫn xếp hàng, thiếp ngủ trong hầm rượu cạnh nhà thờ. Nhiều bình rượu bịt lụa đỏ ghi dấu bằng chữ nho viết thảo trên thân bình. Chỉ khi nào có khách quý những chiếc bình đó được đem ra tắm nắng, rót mời khách rồi lại chìm vào mộng mị.

Bà nội tôi là con gái nhà quan cũng theo đòi nghiên bút như con trai, được gả cho ông nội tôi một người hay chữ nhưng lại giỏi cầm chầu, say tiếng đàn đáy và giọng hát ca nương. Giấc phong lưu của ông Nội khiến bao lần bà rơi nước mắt. Nhiều đêm nhìn bóng mình trên vách bà lại buồn nhớ xa xôi.

Nhớ giậu tầm xuân biêng biêng đầu ngõ, nhớ bụi hồng cổ trồng kín vườn nhà, nhớ bãi dâu biếc xanh chiều nào có người hay chữ thường đi học trở về qua đó. Nỗi nhớ ập oà hiện về những ban mai. Bà cùng cụ tôi hái hoa hồng bạch ngậm sương, đặt khẽ vào làn mây, đem về ủ rượu. Cánh hồng bạch mịn màng toả hương trên mười búp ngọc của bà Nội tôi. Có bận sơ ý, gai hồng cứa vào ngón tay rớm máu, khiến người hái hoa xuýt xoa làm đau lòng kẻ đi học sớm ngang ngõ nhỏ.

Cụ tôi nghiêm cẩn dạy con gái nữ công gia chánh, bếp núc tầm tang khung cửi, vì không có con trai cụ còn dạy cả chữ nho và kiếm pháp cho con. Bà được thừa hưởng cái phong lưu quý tộc của nhà thế gia, nhưng con tim đa cảm của nghệ sĩ lại ngấm vào máu bà từ lúc nào. Bà say mê kiếm đạo, mê tuyết hoa tửu và Đường thi.

Nghe kể lại rằng có những đêm trăng sáng bà xách thanh thư kiếm đặt nghiêm cẩn trong thư phòng của cụ ra sân ngâu trước hiên nhà. Sau thế bái tổ, những đường kiếm vút vào sương đêm mềm mại như dải lụa, tựa bàn tay vũ nữ đang hái hoa lê. Bóng kiếm loáng sương lạnh, lay động bóng hoa ngâu như tuyết phủ mây bay...

Bà tôi say trong bóng kiếm đâu biết được có kẻ buông sách thở dài ở nhà bên. Đao kiếm vô tình hay giai nhân gấm vóc thờ ơ mà hàn sỹ ngậm nước mắt ôm mối sầu không giãi được cùng ai.

Thú ủ rượu hoa tao nhã quý tộc theo bà nội tôi về tới nhà chồng. Mùa nào thức ấy, khi những cơn gió nồm nam phe phẩy cánh sen trắng trong đầm nhà, nội lại chèo thuyền ngắt sen về ướp trà mạn. Cuối hạ chớm thu người lại gom hạt sen già đồ lên ngâm ủ tạo thành vò dã liên tửu mộng mị hồn văn nhân. Thu tưới nắng mật lên những giậu cúc hoa năm ngoái, người lại bòn hoa cúc đang cữ ngâm ủ thành Hoàng hoa tửu. Chén rượu thu rót ra sánh như mật, làm hồn hoa cất cánh trong thơ.

Đêm đông lạnh bà trầm tư bên chén rượu cúc mắt xa xăm về phương trời vô định mong tìm thấy bóng người xưa trong men cúc. Người ôm lều chõng vào tận kinh đô Huế dự thi. Khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn mà nghe đâu chưa một lần về cố quận. Hình như người vứt bút nghiên theo đoàn quân Việt Minh luồn rừng lội suối, để giấc hoa bay qua khung cửa và người con gái nhà bên đã hoá thành rượu hoa nhung nhớ.

Vườn nhà thật nhiều hoa nhưng bà tôi yêu nhất hoa hồng. Bà thường ấp iu cho các gốc hoa hồng cổ. Những gốc hồng được người thân tín của cụ tôi đem từ mạn ngược về. Theo chuyến bè nứa, bè gỗ về xuôi là những cây hồng bạch, phấn hồng được người Pháp nhân giống thành rừng hồng Sa Pa.

Do khí hậu dịu mát của vùng miền, nên chúa hồng đã tươi thắm trên đỉnh cao bốn mùa mây phủ đó. Người thượng đã không quản công bứng gốc hoa hồng cổ chuyển xuống chân núi. Các cây hồng được đổi bằng bạc trắng giờ xếp ngay ngắn trên bè gỗ xuôi về biển. Học trò cụ tôi yêu kính thầy cũng sưu tìm những gốc hồng Văn Khôi ngát hương dâng tặng.

Trời vào đông, hoa vườn nhà táp đi vì giá lạnh, nhưng những đoá hồng vẫn mơn mởn trong giá buốt. Hồng nhung thắp lửa giữa vườn. Vườn hồng nhà nội tôi thường có những hoạ sĩ về vẽ mẫu. Hoa hồng nhung thắm nở trên tay bà nội tôi mỗi khi bà ngắt, ngâm ủ thành hồng hoa tửu cho cụ tôi đãi khách. Nhưng mỗi lần ngắt hồng đỏ bà lại gặp ánh nhìn thăm thẳm đớn đau của em gái mình. Ánh nhìn ấy ám ảnh bà, bà bối rối như thấy mình có lỗi.

Cô em gái hiền xanh xao mảnh mai như một cánh quỳnh, ánh mắt lá đào đen láy rủ mi buồn, chỉ lấp lánh ánh mắt tươi vui mỗi lúc có hoạ sĩ từ kinh kỳ về vẽ hồng nhung. Má cô phớt hồng như hoa đào đi bên cạnh hoạ sĩ vẽ hoa trong vườn. Mùa xuân chỉ bung biêng với cô chốc lát. Người trẻ tuổi ấy thường mỉm cười với cô mỗi khi cô đưa tay chỉ những bông hồng đẹp.

Cô yếu đuối nhút nhát, hay ngồi trong khung cửi đọc sách và mê đắm sắc hồng hoa. Có ai ngờ cô đổ bệnh thật nặng vì thời gian dài không thấy hoạ sĩ trở về. Nhớ thương khắc khoải, cùng khúc tương tư đã giết chết trái tim non trẻ của người con gái đó. Phút lâm chung, người em gái ấy đã thều thào cùng nội:

- Em xin chị đừng hái hồng hoa ủ rượu nữa nhé! Màu đỏ ấy như màu máu của tim yêu, em muốn vườn nhà mình lúc nào cũng tươi thắm sắc đỏ để hoạ sĩ lại về vẽ hoa hồng nhung. Chị ơi! Em nhớ người ta lắm! Nhưng em không chờ được nữa rồi.

Bà nội tôi đau đớn khi bàn tay của người em gái yêu cứ lạnh dần.

Những cây hồng đỏ trong vườn nhà chít khăn trắng, hồn trinh theo gió mây. Hoa rũ xuống trong mùa đông năm ấy!

Dù được nâng niu chăm sóc rất chu đáo nhưng những gốc hồng nhung cứ dần tàn lụi, như chưa từng có sự sống trong vườn nhà nội. Hình như hoa cũng đi theo gió mưa, mang theo bao ân tình còn dang dở. Nội nhớ thương em gái đến thắt lòng. Bà cố gắng chăm gốc hồng nhung, cầu xin hồng hoa trở lại vườn nhà.

Vườn nhà giờ chỉ còn hồng bạch nhắc nhớ và xa xôi. Bao cánh hoa tàn phai sang kiếp khác, nhưng những ngày giỗ của em gái, nội tôi lại lên phố huyện mua về những đoá hồng đỏ dâng lên bàn thờ. Bà tin rằng đang ngắm hoa ở cõi bên kia chắc em gái cũng mỉm cười trước sắc đỏ tươi thắm của hồng. “Ai bảo em là giai nhân cho lệ tràn đêm xuân...”. Ai bảo em khờ dại để hồn trinh vướng víu lệ phong trần.

Một ngày kia hoàng hôn buông trên con ngõ nhỏ, có người ôm giá vẽ trở lại vườn xưa với một cánh tay. Người ấy từ chiến trường trở về, anh gục xuống trước khu vườn không còn bóng người thanh nữ năm nao nữa. Hoạ sĩ đớn đau thắp nén hương lên bàn thờ người yêu. Tóc ông chợt trắng xoá từ lúc nào.

Nội tôi chẳng còn bao giờ ngâm hồng hoa tửu nữa, nhìn sắc đỏ của hoa bà lại thở dài. Tiếng thở dài ấp đầy nước mắt, ấp bao muộn phiền xót xa người em gái bạc phận. Nhìn những cánh hồng bạch trong vườn cứ cồn dậy trong lòng bà sự thương nhớ cánh hoa cô liêu. Hồng bạch trinh trắng như sương tuyết tao nhã vô ngần nên nội tôi kỳ công dành cho thứ rượu này.

Hoa hồng bạch ngậm sương mai được ngắt vào, lặt sạch cuống, nương nhẹ từng cánh hoa ngát hương thả vào chiếc bình gốm bạch men Mạc Phủ. Rượu nếp Vò Di chưng cất hai lần cho hết độc tố ủ trong lòng đất lâu năm được đem lên. Đất trời se lạnh, rượu toả hương khí mờ sương khói. Cánh hoa trắng mảnh mai tinh khôi tựa cánh bướm trắng đậu nhẹ xuống đáy bình, một vài cánh như bay lên vướng vào thành bình.

Hương lúa nếp quyện hương hồng bạch thanh khiết, mật ong rừng vàng như mùa thu toả nắng thấm vào rượu, hoa. Mật, rượu, hoa ủ thành men cất cánh bay lên trong những đêm thanh vắng, lãng đãng hồn văn nhân khi sao mờ nguyệt lặn, hoặc rạng ngời trong tiếng gà gáy gọi bình minh. Hồng hoa tửu đã ngủ yên trong kiếp phù du, thương nhớ và mộng mị bảng lảng phách trinh phiêu bồng trong giấc hoa. Bình tuyết hoa tửu này vơi, bình tuyết hoa tửu kia lại được xếp vào hầm rượu...

Nâng chén mỹ tửu trên tay mà như cả bóng mùa sang. Mỗi bận có khách văn chương tới chơi bà tôi thường cho gọi tôi vào đứng hầu bên, tiệc rượu bày bên những chậu địa lan đúng cữ. Hương lan bay bay, chén tuyết hoa tửu được khách văn nâng lên đặt xuống, chạm khẽ vào môi như một niềm ân tứ mà trời đất ban tặng cho con người. Cảm giác sung sướng, hạnh phúc thưởng rượu thật tao nhã, khiến người nhẩn nha nhấm chút một, e tuyết hoa tửu trong khoảnh khắc sẽ vụt bay đi, hoà vào trong gió mây rồi tan biến khiến người ta luyến tiếc.

Bao mùa hoa hồng qua đi, vườn nhà cây lá thay sắc nhưng bà tôi vẫn bền bỉ chăm bón cho mỗi gốc hồng. Đôi mắt người đượm buồn khi chiều buông, áo lụa mỏng theo gió lạnh mà bà vẫn khôn nguôi nhớ thương em gái phận mỏng của mình. Tuyết hoa tửu ngấm sầu ly biệt.

Tôi lớn lên theo những đêm quỳnh, em gái tôi yêu hoa hồng nên xa quê vào xứ ngàn hoa lập nghiệp, đọc những bài tản văn và thơ của em trên báo cũng thấp thoáng hương hoa hồng. Mải kiếm tìm gì xa xôi mà em tôi lâu rồi không trở lại vườn xưa?

Tôi ở lại vườn hồng dạy học và ủ rượu. Nhìn bướm trắng chập chờn trên những cánh hồng, lòng tôi lại ngùi ngùi thương nhớ người muôn năm cũ. Trông gốc hồng trắng già nua theo tháng năm, tôi nao nao nhớ sắc đỏ của hoa hồng, mơ ngày nao chúa hoa gật đầu cho vườn nhà rực hồng sắc đỏ. Hình như nguyện cầu linh ứng hay sao ấy mà chiều nay tôi nhận được cây hồng đỏ thật to từ xứ Đoài xa xôi người gửi về tặng tôi.

Tôi mừng tới ứa lệ, run run thắp một nén nhang lên bàn thờ em gái bà nội, cầu xin cho hoa hồng tươi thắm. Trên di ảnh người xưa chợt mỉm cười... Ô đất vuông sát thềm nhà, chén tuyết hoa tửu được tưới xuống đất nâu mềm ẩm, gốc hồng nhung xinh xắn được đặt vào... vun đều, vun đều và cây bén rễ. Mùa xuân năm ấy những nụ hồng thắm đỏ đơm bông khắp vườn nhà.

Người gửi hồng đỏ cho tôi cũng mê tuyết hoa tửu khi chiều buông, lúc canh khuya sương lạnh bên những trang văn viết dở. Xứ Đoài bổng mây trắng nhớ thương, chén rượu đẫm khói sương, chẳng biết giấc mơ của người có thiên di về nơi xứ biển, nhưng tôi vẫn thầm khấn nguyện để ai kia đừng ngủ quên kẻo lỡ một đêm quỳnh.

Nội tôi giờ đang làm thơ ở cõi bên kia hay vân du tới những vườn hồng, tôi vẫn lặng thầm ủ Tuyết hoa tửu thành kính dâng lên bàn thờ bà Nội. Hoa hồng trắng, rượu ngát hương được chưng cất từ yêu thương ngọt dịu, vẫn thầm thì níu gọi dấu người xa.

(NHÀ VĂN LÊ HÀ NGÂN, TRƯỜNG THCS HẢI HÀ, HẢI HẬU, NAM ĐỊNH)

Theo Lao động