Khi công tác đủ số năm trong quân đội, mẹ tôi về hưu trong lời chúc mừng của mọi người. Tuy nhiên, khi đó mẹ mới ngoài 50 tuổi và chưa có ý định an hưởng tuổi già. Bà có kế hoạch rất rõ ràng.
Vì ba tôi cũng là bác sĩ quân đội đã về hưu, sau khi cả hai ông bà cùng rời quân ngũ, ba mẹ tôi quyết định mở một phòng khám răng nho nhỏ ở trung tâm thị trấn. Ba tôi chịu trách nhiệm chuyên môn, còn mẹ phụ tiếp khách, quản lý thu chi và dọn dẹp.
Khối lượng công việc tuy không quá nhiều, nhưng đều đặn, nên mẹ tôi gần như không có khái niệm nghỉ hưu thực sự. Phòng khám mở gần chợ nên khá tấp nập, hợp với tính cách hướng ngoại của mẹ tôi nên bà lúc nào cũng vui vẻ và bận rộn.
Mãi cho đến gần đây, khi ba tôi quyết định đóng cửa phòng khám để nghỉ ngơi, mới là lúc mẹ tôi thực sự phải đối mặt với giai đoạn nghỉ hưu đúng nghĩa. Từ một người đang bận bịu công tác ở môi trường náo nhiệt vui vẻ, bỗng nhiên mẹ tôi phải lui về loanh quanh trong bốn góc vườn nhà.
Chưa nói đến việc thu nhập giảm đi, riêng việc mỗi ngày ngủ dậy không biết hôm nay mình sẽ làm gì đã khiến mẹ tôi khó thích nghi. Đã vậy, nhà tôi lại ở giữa khu vực thưa dân, cách xa thị trấn, càng khiến người có tính cách sôi nổi, thích giao tiếp như mẹ tôi trở nên buồn chán. Bà trầm hẳn, hay mất ngủ và dễ bệnh vặt hơn. Một chút chuyện nhỏ xảy ra cũng có thể dễ dàng khiến bà buồn bực.
Những gì mẹ tôi trải qua được gọi là “Hội chứng nghỉ hưu”. Hãy thử tưởng tượng, một ngày bạn thức dậy và không còn được làm công việc mà bạn đã làm suốt nhiều năm trời. Dù ít hay nhiều, bạn cũng sẽ có cảm giác như vừa mất đi một điều gì đó.
|
Mẹ tôi đã không còn ủ rũ trong nhà. Bà đã quen với quyền được tận hưởng cuộc sống |
Sự thay đổi nào cũng cần thời gian để thích nghi, huống chi một thay đổi lớn về sự nghiệp. Đó là chưa kể, giờ đây bạn đột nhiên có cả một ngày dài rộng ở phía trước mà không biết phải làm gì cho hết thời gian.
Nếu không có sự chuẩn bị về tâm lý, chúng ta rất dễ “rơi tự do”.
Để vượt qua tình trạng này, bản thân người trong cuộc phải hiểu và chấp nhận điều mình đang trải qua. Cần hiểu rằng đó là một trạng thái bình thường, mở lòng và đón nhận những thay đổi trong cuộc sống dù biết không dễ dàng. Nếu cố gắng phủ nhận tình trạng này và không chủ động tìm ra những công việc, sở thích mới thì chúng ta có thể rơi vào trạng thái trầm uất, thậm chí trầm cảm.
Nhận thấy những gì mẹ tôi đang trải qua, mọi người trong gia đình đã lo lắng. Ba tôi hỏi han trò chuyện với mẹ mỗi ngày, chúng tôi đặt vé máy bay, phòng khách sạn và lên kế hoạch cho ba mẹ tôi đi du lịch. Vợ chồng em trai tôi dù ở xa nhưng ngày nào cũng gọi điện về nói chuyện với mẹ.
Vợ chồng tôi ở gần hơn, thi thoảng đưa đám cháu ngoại về chơi với mẹ. Mỗi khi có con cháu về chơi, bà trở nên tất bật hơn và cái sự bận rộn khiến bà vui vẻ hơn.
Theo thời gian, mẹ tôi dần làm quen và vượt qua được cảm giác hụt hẫng khi không còn đi làm. Bà hiểu rằng không đi làm không có nghĩa là ngừng làm việc, chỉ là thay đổi cách định nghĩa về công việc mà thôi.
Điều đáng mừng nhất là mẹ tôi đã tự tìm được niềm vui mới với mảnh vườn nhỏ. Trước đây khi ông bà còn làm phòng khám, mảnh vườn bỏ không, để cỏ mọc um tùm. Nhưng giờ mẹ tôi bắt đầu cải tạo lại vườn, làm cỏ, rải thêm đất màu và gieo trồng nhiều loại rau như rau muống, mồng tơi, mướp và các loại rau thơm ăn sống.
|
Ba tôi luôn nhiệt tình đưa mẹ đi đây đó |
Từ khi khám phá ra niềm vui mới này, bà trở nên bận rộn. Có khi con trai gọi điện hỏi thăm, bà còn phải bảo: “Lát mẹ gọi lại nhé, mới mua mấy cây cà chua nên phải trồng ngay kẻo héo”.
Mỗi cuối tuần khi chúng tôi về chơi, mẹ tôi lại hào hứng dẫn các cháu ra xem vườn rau mẹ trồng. Bà tự hào khoe những rau trái thu hoạch từ vườn và chuẩn bị đùm lớn đùm bé cho con cháu mang đi. Bà còn dự định sẽ nuôi thêm chục con gà để cuối năm cả nhà có gà sạch ăn tết.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ bà và thấy mừng vì giờ đây mẹ đã vượt qua được giai đoạn “khủng hoảng”.
Theo phụ nữ TPHCM