Sáng sớm, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: “Vợ chồng con sắp xếp cuối tháng sau về giỗ nội nhé. Lần này các bác mời đầy đủ con cháu đó”. Lời nhắn của mẹ làm tôi nhớ, mấy năm gần đây, tôi không về quê dự đám giỗ. Có năm do dịch bệnh, có năm bận việc, tôi chỉ gọi điện về nhờ mẹ mua lễ thắp hương cho ông bà.
Nếu ai từng lớn lên ở quê, chắc hẳn đều biết ngoài ngày tết thì đám giỗ là ngày được trẻ con lẫn người lớn mong đợi; bởi đây là dịp anh em họ hàng tụ họp để gắn kết sợi dây tình thân, nhắc con cháu nhớ về tổ tiên cội nguồn. Ngày giỗ ở quê trong những năm tháng tuổi thơ của tôi thật đẹp.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Ngày đó, gia đình tôi sống cùng nhà nội. Ông là trưởng họ nên mỗi năm có đến chục cái giỗ. Giỗ nhỏ thì ông bà làm mâm cơm cúng chỉ có con cháu trong nhà còn giỗ lớn phải lo chuẩn bị trước vài ngày để mời khách. Khi nào thấy ông ra vườn cắt lá chuối để gói bánh tét, bà đem chén đũa ra phơi nắng là tôi biết nhà mình sắp có đám giỗ. Trước đó 1 ngày, bà đi khắp làng chọn mua gà, mẹ và các cô bàn bạc nấu món gì để đi chợ mua sắm. Cha tôi đảm nhận việc lau dọn bàn thờ, dựng rạp, kê bàn ghế để mời khách.
Đến ngày giỗ, từ sáng sớm nhà đã đông người đến. Bà con họ hàng người đem gói bánh, chai rượu… đặt trên bàn thờ cúng. Ở dưới bếp, các cô các dì vừa nấu ăn vừa rôm rả trò chuyện. Ở bàn uống nước trước nhà, các ông các bà ngồi têm trầu, uống trà vừa kể chuyện xưa.
Đối với đám trẻ chúng tôi, vui vì được gặp gỡ chơi đùa với anh em họ hàng cùng tuổi, lại háo hức vì mùi thơm tỏa ra dưới bếp từ các món ăn. Tôi thích nhất đứng dưới bếp nhìn phụ nữ trong nhà tay thoăn thoắt làm việc, người gói nem, người luộc gà, người nhặt rau, người cắt thịt…. Thỉnh thoảng mẹ nhắc: “Ra ngoài chơi chứ ở đây chật chội” nhưng tôi cứ đứng hít hà. Vào ngày giỗ, bà thường nhắc mẹ phải nấu các món nhiều một chút, nhất là thịt và xôi, bánh để gói ghém gửi bà con mang về làm quà cho con cháu.
Đám giỗ là dịp để họ hàng gặp gỡ, hỏi thăm nhau chuyện sức khỏe, công việc, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, tình thân được thắt chặt hơn. Những người già ôn lại chuyện xưa, những người trẻ biết thêm về truyền thống họ tộc, gia đình. Nhờ vậy chúng tôi mới biết chú bác anh em họ hàng ở xa, thỉnh thoảng mới về quê vào ngày có đám giỗ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Đỗ Tình |
Khi tôi lớn lên, đi học rồi lập nghiệp ở xa, không còn thường xuyên dự những đám giỗ ở quê. Nhưng mỗi lần về lại thấy đám giỗ ngày càng khác. Mọi người không còn quây quần nấu nướng chuẩn bị mà chủ yếu thuê cỗ nấu sẵn, chỉ cần dọn lên mâm. Con cháu dường như bận rộn hơn, người nào sắp xếp được thì ghé về chút rồi đi, còn không gửi lễ bằng phong bì để thắp hương cho ông bà.
Trẻ con gặp nhau cũng chẳng rộn ràng vui đùa vì mải lướt điện thoại. Không khí đám giỗ không còn nồng ấm mà thoáng chút vội vã của cuộc sống. Chỉ có những người già mới nhớ ngày giỗ, còn đám con cháu như chúng tôi, khi nào nhắc mới tới. Mỗi lần nhớ không khí đám giỗ ở quê, tôi lại tự nhắc mình, nhất định phải sắp xếp công việc để về.
Dù đám giỗ đã khác xưa, nhưng vẫn là dịp để gắn kết sợi dây tình thân qua nhiều thế hệ, vừa tưởng nhớ tổ tiên đã khuất, vừa kết nối con cháu hiện tại.
Theo phụ nữ TPHCM