Sân khấu nhiều không

leftcenterrightdel
 

20g, phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4, TPHCM) đã lên đèn, rực rỡ và nhộn nhịp. Chiếc loa vừa kịp đưa đến nơi cả nhóm tập hợp. Một thành viên khác tranh thủ mang giá đỡ, thùng tiền… từ chiếc tủ sắt cũ kỹ để lau chùi sạch sẽ. Chỉ đơn giản vậy, buổi biểu diễn sắp bắt đầu.

Ngọc Trâm có thời gian gắn bó 7 năm với Hát để sẻ chia
Ngọc Trâm có thời gian gắn bó 7 năm với Hát để sẻ chia

Người dân quanh đây không ai xa lạ với họ. “Chưa đâu, giờ này chưa tới đủ đâu” - anh giữ xe cho hay. Mà cũng phải, đâu phải tân binh, họ bám trụ nơi đây 7-8 năm rồi. Trên nền áo đen, những chiếc logo màu xanh lá trở nên nổi bật, cũng là điểm nhận dạng của Singing for Sharing Hát để sẻ chia, nơi tập hợp những người trẻ với trái tim rộng mở đã giúp đỡ cho nhiều bệnh nhi trong những năm qua.

Hải Biển (1992) là nhân viên văn phòng, vừa tham gia nhóm được vài tháng. Anh biết đến Hát để sẻ chia qua mạng xã hội, rồi yêu thích và xin gia nhập. Hôm nay cũng là đêm diễn đầu tiên của ca sĩ Phan Ý Nhi, vừa bước ra từ sân chơi Thách thức giới hạn. Cô gái trẻ hào hứng vì có cơ hội góp sức với nhóm. “Tôi thấy mọi người làm việc có ích một cách say mê và rất vui” - Ý Nhi chia sẻ.

Mọi người dừng lại trước một quán ốc khá nổi tiếng. Để tránh tiếng ồn làm ảnh hưởng thực khách, họ chọn đứng gọn ở một gốc cây ít người ngồi, điều chỉnh âm lượng vừa phải. Người chỉnh loa, người đứng hát, người cầm bảng, giữ thùng tiền, live stream… còn những ai chưa hát thì đứng khuấy động không khí để buổi biểu diễn thêm sinh động.

Ca sĩ Duy Zuno và Phan Ý Nhi biểu diễn vào tối 6/7 tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4, TPHCM)
Ca sĩ Duy Zuno và Phan Ý Nhi biểu diễn vào tối 6/7 tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4, TPHCM)

Đêm diễn không sân khấu, cũng không có kịch bản. Họ sẽ hát một vài bài trước, rồi hát theo yêu cầu của khách. Vì thế, danh sách bài hát rất đa dạng, từ nhạc trẻ đến nhạc cách mạng, nhạc Việt cho đến nhạc Hoa, nhạc Âu - Mỹ… Đêm nhạc không có ngôi sao nào nhưng giọng hát đầy nội lực, màu giọng đa dạng khiến người nghe bị cuốn hút.

Có khách quen còn thuộc lòng tên từng thành viên, yêu cầu hát những bài “ruột”. Mỗi lần như thế, những tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng lại được cho vào chiếc thùng bé xinh. Thậm chí có khán giả biết nhóm đang trình diễn đã chạy đến cho tiền và rời đi nhanh chóng. Ai ở xa cũng cảm nhận được khi xem qua live stream. Họ có thể tặng quà; đến cuối tháng, nhóm sẽ quy ra tiền để giúp đỡ các bệnh nhi.

Ngọc Trâm còn cầm trên tay ổ bánh mì ăn dở nhưng đã nhanh chóng bước lên biểu diễn khi có khách yêu cầu. Giọng hát trong trẻo, cao vút của cô gái trẻ khiến người nghe thích thú, vỗ tay không ngừng. Trâm bảo cuối tuần nào rảnh sẽ đến sớm, còn khi bận chạy show sẽ cố gắng đến sau. Hành trình của cô với Hát để sẻ chia đã được 7 năm. “Sân khấu nào cũng vậy, miễn được hát, được làm những điều ý nghĩa” - Ngọc Trâm nói.

Phần biểu diễn của các thành viên trong nhóm
Phần biểu diễn của các thành viên trong nhóm

Phép thử lòng tin

Sau 2 đêm diễn cuối tuần qua, chị Phương Uyên - trưởng nhóm - đã hoàn tất việc giúp đỡ cho bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM).

Hiện Hát để sẻ chia có khoảng 15-20 thành viên chính thức. Có thành viên là ca sĩ, giáo viên dạy nhạc, có người là nhân viên văn phòng... Khi đóng viện phí, chị Uyên sẽ cùng một số thành viên đến bệnh viện, tùy tình hình công việc, khả năng sắp xếp của mỗi người. Tương tự, trong mỗi buổi biểu diễn, ai có thời gian sẽ đến, không bắt buộc nhưng hầu hết đều cố gắng tham gia.

Trong 7 năm qua, thông qua những buổi biểu diễn, nhóm Hát để sẻ chia đã giúp được các bệnh nhi với số tiền hơn 2,9 tỉ đồng

Dự án khởi đầu từ người thầy dạy tiếng Anh của chị, với mong muốn giúp đỡ các bệnh nhi. Sau một thời gian, anh đi định cư nước ngoài, chị Uyên và các thành viên còn lại tiếp tục thực hiện dự án. Điều gì đã khiến tất cả không dừng lại? Đó là nụ cười hạnh phúc của các gia đình khi những đứa trẻ có cơ hội được sống tiếp, khỏe mạnh hơn. Có ngày may mắn chỉ hát 1-2 quán, nhóm đã thu về hơn 40 triệu đồng, cũng có hôm chỉ được hơn 1 triệu đồng nhưng tất cả đều cảm thấy vui.

Thời gian đầu, nhóm chọn đến các quán ốc, quán nhậu ở quận 1, quận 4, khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) để hát. Nhiều người không tin, hoài nghi, thậm chí xua đuổi, miệt thị... Có lần, thành viên trong nhóm còn bị một vị khách ném khăn dơ vào người, hét “biến đi”. Thế nhưng, không ai muốn bỏ cuộc. “Chúng tôi luôn nhắc nhau mục đích cuối cùng là giúp đỡ các em nhỏ, nên dẫu khách có ra sao cũng phải bỏ qua, lịch sự. Khi người ta chưa hiểu thì mình giải thích, còn không thì cứ cho qua” - chị Uyên cho biết.

Và rồi, nhiều lá thư cảm ơn nhóm được gửi về. Một số quán ở quận 1 chấp nhận cho họ đứng hát. Nhiều cô chú lớn tuổi, trong đó có người công tác tại các bệnh viện, ủng hộ. Nhờ kênh TikTok, Facebook, YouTube, họ được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ khán giả xem trực tiếp mà còn rất nhiều người ở xa ủng hộ. “Sự đón nhận này chúng tôi không dám nghĩ tới. Thật sự quá hạnh phúc” - Quốc Anh - thành viên kỳ cựu của nhóm - nói.

leftcenterrightdel
 

Toàn bộ chi phí thu được từ các đêm nhạc, nhóm đều công khai với hình ảnh, video kèm theo cũng như sử dụng vào việc đóng viện phí cho ai, ở đâu bởi họ hiểu rằng chỉ khi có sự rõ ràng, minh bạch, lòng tin mới vững chắc. Theo quy tắc của nhóm, toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng hỗ trợ bệnh nhi, còn những chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động sẽ do các thành viên tự đóng góp. Từng có thành viên không đồng ý, rời nhóm. Nhưng may mắn, người cũ đi rồi lại có người đến.

Một thực khách ủng hộ cho nhóm
Một thực khách ủng hộ cho nhóm

 

Từng có trường hợp nhận được sự giúp đỡ nhưng gia đình, người thân lại bỏ rơi các bé, khiến nhóm hết sức đau lòng. Vì thế, phương án tốt nhất mà nhóm đưa ra là chi trả viện phí trực tiếp tại bệnh viện. Họ nhận danh sách từ phòng công tác xã hội ở các bệnh viện, tìm hiểu cụ thể các hoàn cảnh khó khăn, đưa ra quyết định hỗ trợ. Có người được giúp biết đến nhóm đã gửi thư cảm ơn hoặc chia sẻ trên mạng xã hội nhưng cũng có người không. Nhưng chẳng sao, bởi cho đi thì chẳng ai mưu cầu nhận lại.

“Nhóm thường xuyên nhận được lời đề nghị giúp đỡ. Có người muốn chúng tôi chuyển tiền qua tài khoản nhưng chúng tôi kiên quyết chỉ chi trả viện phí. Khi không đạt được mục đích, họ quay sang mắng chửi chúng tôi rất thậm tệ” - chị Uyên kể. Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến nhóm xuống tinh thần, mà càng nhắc nhở nhau phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng.

Nhóm Hát để sẻ chia đến đóng viện phí cho bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM
Nhóm Hát để sẻ chia đến đóng viện phí cho bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM

Các trường hợp từng được hỗ trợ có mức viện phí từ 1,2 triệu đồng đến 40, 50 triệu đồng. Mới hôm qua, nhóm nhận tin nhắn từ một người mẹ cho biết con của chị đã được cứu sống sau 2 lần thông tim. Lần đầu nhóm hỗ trợ hoàn cảnh này 50 triệu đồng nhưng cũng ngay thời điểm đó, nhóm nhận được thông tin, một đứa trẻ khác, dù được giúp đỡ nhưng đã không thể vượt qua bạo bệnh. Ai cũng nghèn nghẹn.

Trời càng về khuya, những giọng ca vẫn vang lên trên con phố nhộn nhịp. Ở đó, người ta không chỉ thấy những nốt nhạc nhảy múa, mà còn là niềm tin, hy vọng…

Theo phụ nữ TPHCM