Framily là một tổ chức xã hội do mục sư Cheong Jong-won cùng vợ là Kim Sung-eun thành lập.

Thông qua mô hình này, hai vợ chồng hỗ trợ tài chính lẫn tinh thần cho những bậc phụ huynh đơn thân, cũng như giúp đỡ họ chăm sóc con cái, nhằm khuyến khích họ đứng vững trên đôi chân của mình.

                                                                                  Cheong Jong-won và vợ Kim Sung-eun tới thăm một mẹ đơn thân hồi tháng 3/2018. Ảnh: Light & Salt.


“Chúng tôi thành lập tổ chức vào năm 2016 với mục đích trở thành một người bạn, một người thân gia đình của những người nước ngoài ở Hàn Quốc đang nuôi con một mình sau khi ly hôn hoặc vợ/chồng họ qua đời”, ông Cheong cho biết.

Làm cha mẹ đơn thân không phải điều dễ dàng ở Hàn Quốc. Đối với các phụ huynh ngoại quốc, sự khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Ngoài gánh nặng phải tự mình nuôi dạy và giáo dục con cái, họ còn phải đối mặt với những rào cản, định kiến của xã hội Hàn Quốc đối với người nước ngoài và cha mẹ đơn thân, theo The Korea Times.


Nỗ lực hỗ trợ cha mẹ ngoại quốc đơn thân


Bên cạnh đó, hai vợ chồng ông Cheong cũng điều hành một quán ăn Việt Nam có tên Tạp dề của mẹ, mang đến cơ hội việc làm cho những phụ nữ nhập cư một mình nuôi con.

Quán nhỏ nhưng ấm cúng, nằm trong một khu dân cư ở quận Gangbuk (Seoul). Thực đơn của quán bao gồm những món ăn Việt hấp dẫn như bánh mì, bún chả và nem rán, phục vụ kèm đồ uống là trà pha thủ công.

                                                                                          Quán ăn nhỏ phục vụ đồ ăn Việt Nam của vợ chồng mục sư. Ảnh: Cheong Jong-won.


“Khi chúng tôi khai trương vào tháng 12/2020, quán chỉ có thực đơn đồ uống. Tuy nhiên, đầu bếp của chúng tôi, một bà mẹ đơn thân đến từ Việt Nam, có kỹ năng nấu nướng tuyệt vời. Do đó, chúng tôi quyết định phục vụ thêm các món ăn Việt”, mục sư chia sẻ.

Ông cho biết hiện quán có 2 nhân viên đến từ Việt Nam. Một phụ nữ nhập cư khác, cũng là phụ huynh đơn thân, sẽ tham gia cùng cửa hàng vào tháng 8 tới đây, The Korea Times đưa tin.

“Mặc dù chúng tôi không thể trả nhiều tiền cho nhân viên, họ vẫn hài lòng vì lịch làm việc cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Trước đây, những phụ huynh đơn thân này phải làm việc gần 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong các nhà máy”, ông Cheong nói.

Sự quan tâm, hỗ trợ của vợ chồng ông Cheong đối với các gia đình đa văn hóa bắt đầu từ năm 2009, khi bà Kim còn là nhân viên xã hội tại trung tâm hỗ trợ người nhập cư ở Seoul do nhà nước điều hành.

“Chúng tôi nhận thấy phụ nữ nhập cư thường bị bạo lực gia đình hoặc những người đang trong quá trình ly hôn cần được giúp đỡ khẩn cấp. Song, trong phạm vi chương trình của chính phủ, rất khó để cung cấp sự hỗ trợ phù hợp dành riêng cho họ”.

Các chương trình hỗ trợ cho phụ nữ nhập cư tại những trung tâm thuộc chính phủ chỉ giới hạn trong các lớp học tiếng Hàn, nấu ăn và văn hóa để giúp họ sớm thích nghi với xã hội nước này.

Vì vậy, phụ nữ nhập cư, những người gặp nhiều khó khăn trong và sau khi kết hôn, không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trung tâm đó, mục sư giải thích thêm. Bởi vậy, ông Cheong và bà Kim quyết định thành lập tổ chức riêng của họ.


                                                                              Các thành viên của Framily tổ chức tiệc sinh nhật cho trẻ em vào tháng 12/2018. Ảnh: Cheong Jong-won.


“Đối với phụ nữ nhập cư, lý do ly hôn phổ biến nhất là do bạo lực gia đình, khiến họ bị trầm cảm sau khi kết thúc cuộc hôn nhân. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ tinh thần cho họ bằng cách mời những phụ nữ này tham gia vào cộng đồng, các buổi tụ họp và chuyến đi. Từ đó, họ sẽ cảm thấy bản thân không còn đơn độc”.

Ngoài việc mang lại năng lượng cho cuộc sống của những phụ huynh nhập cư đơn thân, vợ chồng mục sư còn cung cấp dịch vụ chăm sóc con cái cho họ.

Những đứa trẻ ở nhà một mình trong lúc cha mẹ đi làm sẽ được tham gia “lớp học cuối tuần” vào các ngày thứ 7, nơi có nhiều hoạt động giải trí khác nhau.

Mục sư lưu ý rằng Framily không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính phủ, chỉ hoạt động dựa trên tấm lòng đóng góp của mọi người đề thuận tiện cho việc hỗ trợ tất cả người nhập cư, bất kể tình trạng hợp pháp của họ.

“Các chương trình của chúng tôi cũng dành cho cả những người nhập cư không có giấy tờ và con cái của họ. Nếu nhận trợ cấp của chính phủ, chúng tôi có thể sẽ không giúp họ được nữa”, ông Cheong chia sẻ.

Theo Zing