Tôi sinh ra và lớn lên từ chiếc nôi thuần nông nên làm sao quên được dáng mẹ ngâm mình dưới ruộng sâu những mùa gieo mạ và bóng cha tất bật vác cuốc ra đồng - hình ảnh dung dị, bảo bọc và dưỡng nuôi chị em chúng tôi đi qua những ngày đói cơm, thiếu mặc.

Tôi còn nhớ, cứ vào ngày mùa lúa, khoảng thời gian “cao điểm” khiến cha mẹ tôi bận rộn luôn tay. Sau khi thu hoạch xong xuôi, tầm 3 ngày sau là phải kéo rơm về phơi, chất thành bó, trữ sử dụng dần. Rơm mang từ ruộng về, thường sẽ chọn mảnh đất trống phía sau nhà (gần chuồng bò) rồi tìm một cây tre thật chắc, cao tầm 1m, để chôn cố định trụ đỡ rơm.

Phơi khô ráo đâu đó, nhóm đàn ông trong xóm cầm nắm rơm rải đều quanh trụ tre, rồi dùng chân giẫm đè lên thật chặt, cứ thế qua khỏi đỉnh tre. Cẩn thận hơn, mọi người còn chắp vá những miếng ni lông bạc thếch phủ lên cây rơm, phòng khi mưa đến bất ngờ.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet
 

Bà con “chăm” rơm bằng tất thảy những nâng niu, tựa như phải thế mới đáp đền lại được sứ mệnh của rơm, bởi đời rơm mang ý nghĩa rất lớn với người dân quê tôi. Ngoài công dụng làm no bụng trâu bò, nó còn ủ ấm cho đàn heo, gà những ngày chúng đẻ. Rơm còn làm nhà để bao phận đời nương náu, dung thân.

Dưới chân cây rơm, vào những ngày mưa, còn xuất hiện vô vàn nấm rơm cho lũ con nít xúm xít hái mang vào cho bà, cho mẹ chế biến các món như: nấm rơm xào, kho và cả món “cháo nấm” ngọt thanh, khiến chị em chúng tôi cứ xuýt xoa mê mẩn.

Nếu ai đó hỏi về nghề nghiệp của cha mẹ, tôi tự hào bảo rằng: “Cha mẹ tôi làm ruộng”. Dẫu đời làm nông chẳng mấy khi nhàn hạ, tuổi già vẫn phải vất vả, nhưng tôi tin mỗi khi ăn một hạt cơm là thêm một lần nhớ đến phần công sức của những người đã dùng cả đời tận hiến cho ruộng nương.

Cánh đồng qua bao thời vẫn ở đó. Mùa gặt bây giờ, rơm được máy cuốn thành những ụ tròn vo. Thế nhưng, mùi khói đốt đồng vẫn quẩn quanh trong tâm khảm của những đứa trẻ trót đau đáu, yêu thương rơm rạ quê nhà, như tôi.

Theo phụ nữ TPHCM