Tết Đoan Ngọ mùng 5.5 âm lịch năm nay rơi vào ngày 10.6.2024. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết nửa năm, tết diệt sâu bọ.
Trong tâm thức của thế hệ 7X, 9X, Tết Đoan Ngọ là ngày gia đình chuẩn bị mâm cúng có cơm rượu, vải, mận hay những loại trái cây mùa hè đặt lên bàn thờ, cả nhà cùng ăn để diệt sâu bọ. Ở miền Trung, nhiều trẻ em được gia đình đưa đi tắm biển vào đúng giờ ngọ.
|
|
Bánh ú được bày bán ở các chợ trong ngày Tết Đoan Ngọ |
Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc thế nào?
Nhiều người không khỏi giật mình khi nghe người xưa gọi Tết Đoan Ngọ là tết nửa năm. Mới tháng 5, vì sao lại là nửa năm được?
Theo TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), người Việt xưa ăn tết vào tháng 11 âm lịch, do vậy, ngày trước, tháng 5 là thời điểm giữa năm. Thời điểm này cùng lúc kết thúc một vụ lúa, chuẩn bị vào vụ mới.
Với truyền thống là đất nước làm nông nghiệp, những người nông dân rất coi trọng các điều kiện tự nhiên nên tổ chức cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên.
Ở góc độ khác, TS Trần Long giải thích, "Đoan" có nghĩa là bắt đầu, "Ngọ" chỉ giờ ngọ, tức khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 13 giờ chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là "ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm".
Nghề trồng lúa nước đã buộc người nông dân phải quan sát, để ý đến thời tiết. Từ đó, phong tục Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam hình thành.
|
|
Để kịp đi làm, nhiều gia đình mua đồ cúng từ tối hôm trước |
Ngoài quan điểm trên, về nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương cho hay, có rất nhiều kiến giải về ngày tết này, trong đó có quan niệm rằng tết xuất phát từ văn hóa Trung Hoa với truyền thuyết về Khuất Nguyên. Nhưng thực tế, người Trung Hoa cũng không lý giải sự liên quan của truyền thuyết này với ngày Tết Đoan Ngọ.
Ông Hải Dẫn chứng, người Việt có câu: "Tháng năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ mẹ Việt thường Văn Lang".
|
|
Khu vực Chợ Lớn (TP.HCM), món bánh bá trạng được bày bán nhiều hơn |
Từ câu thơ này, có thể thấy ngày mùng 5.5 âm lịch là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. "Tất nhiên câu chuyện về mẹ Âu Cơ để trăm trứng chỉ là truyền thuyết, nhưng với tự tôn dòng máu Lạc Hồng, ngày giỗ tổ là một ngày đại diện mang tính biểu tượng được người Việt suy tôn", ông Hải nói.
Người Việt làm gì trong ngày Tết Đoan Ngọ?
Từ tối mùng 4.5 âm lịch, nhiều người đã đi chợ mua bánh ú nước tro, cơm rượu, trái cây, lá xông về để cúng.
Riêng tại TP.HCM, khu vực Chợ Lớn còn có bánh bá trạng làm từ nếp nhân với thịt ba chỉ đã ướp, đậu xanh, trứng muối, đậu phộng, tôm khô... gói trong lớp lá chuối. Nhiều con hẻm ở khu Chợ Lớn nhộn nhịp gia đình các thế hệ cùng gói bánh này ngay từ ngày mùng 1.5 để kịp phân phối. Không khí rộn ràng hệt như Tết Nguyên đán.
Còn bánh ú nước tro thường có hình chóp, to bằng nắm tay được bán khắp các chợ và dọc đường vào ngày Tết Đoan Ngọ. Ngày trước, người ta dùng lá tre để gói bánh, ngày nay một số nơi đã thay lá tre bằng lá chuối. Bánh thường dùng để cúng hoặc làm quà cho người quen trong dịp này.
Tại các chợ truyền thống, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những quầy bán mâm cúng mùng 5.5 với bánh ú tro, cơm rượu, chè, hoa đồng tiền, lá xông, trái mận, vải... nhưng người mua đa phần là người lớn tuổi.
Có thể hơn chục năm trước, những người con xa quê còn nghe cha mẹ gọi điện thoại hỏi có về nhà ăn Tết Đoan Ngọ không? Nhưng ngày nay, do nhiều yếu tố về cuộc sống đô thị, đi làm theo lịch hành chính, không tin vào quan niệm "diệt sâu bọ" theo cách dân gian nên ngày Tết Đoan Ngọ dần mai một trong tâm thức những người trẻ. Những mâm cúng mùng 5.5 cũng không xuất hiện trong một số gia đình thế hệ 9X.
Theo Thanh niên