leftcenterrightdel
Chị Lê Nguyễn Minh Phương đón Tết ở quê hương. (Ảnh: NVCC 

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị Lê Nguyễn Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, mới có dịp đưa gia đình nhỏ của mình về Đà Nẵng đón Tết Nguyên đán. Hai tuần trôi qua rất nhanh, tới giờ bay trở lại Hàn Quốc, chị chợt nhận ra vẫn “còn nhiều việc cần làm, nhiều người muốn gặp và nhiều món chưa ăn”...

Một không khí Xuân khác biệt

Với chị Phương, mùa Xuân năm nay rất khác, bởi chị được trở về quê hương, cùng người thân, bạn bè chứng kiến giây phút giao thừa và đón năm mới 2023. Sự khác biệt ấy thể hiện ở ngay ở công việc gói và nấu bánh chưng ở Việt Nam, thay vì hai năm nước phải thử gói và nấu bánh chưng bằng chiếc nồi nhỏ trên bếp từ ở Hàn Quốc.

Trở về lần này cũng là lần đầu tiên, chị vinh dự có mặt trong đoàn kiều bào của chương trình Xuân Quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Tham dự các hoạt động ý nghĩa của chương trình, chị có cơ hội được gặp gỡ kiều bào về từ khắp nơi trên thế giới, có thêm những người bạn để kết nối và chia sẻ những dự án đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Năm mới, mong ước lớn nhất của chị Phương là mọi người trong gia đình, bạn bè luôn được bình an, đất nước ngày càng thịnh vượng. Càng xa quê hương và nhất là sau khi sống chung với đại dịch, người con của Đà Nẵng càng nhận ra, thời gian được ở bên cạnh gia đình là điều vô cùng quý giá.

Trở về từ Ukraine, đối với ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Ukraine, Tết năm nay càng ấm áp hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, khi được cảm nhận sự yên bình và vui Xuân ở quê hương, ông không quên những gian khó mà cộng đồng người Việt ở Ukraine đang trải qua ở trong giai đoạn hiện tại.

Nhắc lại ký ức đậm nét về những ngày tháng căng thẳng nhất từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, ông Loan cho biết, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo hộ công dân, gần 7.000 người Việt tại Ukraine đã di tản ra nước ngoài mà không ai bị thiệt mạng.

Hiện nay, bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn tại Ukraine, ở các nước lân cận và cả trong nước. Bởi vậy, ông Loan mong muốn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ kịp thời hơn nữa để bà con sớm ổn định cuộc sống và được đón Tết cổ truyền như trước đây.

Tìm lại cảm xúc ngày cũ

Sang Pháp từ năm 20 tuổi, nay đã 47 năm, ông Trần Nguyên Đạo, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền WFVV, chưa được đón Tết cổ truyền dân tộc đúng nghĩa.

Trở về lần này, điều ông Đạo mong mỏi nhất là được tìm lại những cảm giác ấm cúng, êm đềm của những ngày Tết đẹp trong quá khứ tại quê nhà. Đó là đêm 30 Tết được ngồi quây quần cùng gia đình bên mâm cơm tất niên, được cùng chị gái lên chùa hái lộc đầu Xuân...

Lần đầu tiên tham dự chương trình Xuân Quê hương, ông Đạo cảm nhận rõ nét ý nghĩa của chương trình khi tạo nhịp cầu nối để kiều bào được về thăm quê, ăn Tết, được trải nghiệm những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Việt, góp phần nhắn nhủ thế hệ sau luôn nhớ về nguồn cội dân tộc.

Giống như ông Đạo, ông Giang Thành, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Czech rất phấn khởi và xúc động khi được sống lại không khí của những ngày Tết đến Xuân về sau hơn 20 năm ở xứ người.

Ông Thành cảm nhận rất rõ hương vị đặc biệt ấy đã tràn về trên khắp các phố phường của đất nước. Ở Czech, mọi năm, ông Thành thường kết hợp với các hội, đoàn tổ chức cho kiều bào đón Tết cùng các món ăn truyền thống như bánh chưng, xôi, gà. Các mâm cỗ có đủ món như ở Việt Nam để mọi người bớt đi cảm giác nhớ quê hương.

TS. Trần Hải Linh trải nghiệm Tết ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
TS. Trần Hải Linh trải nghiệm Tết ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Cũng đã nhiều năm, TS. Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, mới có những ngày được tản bộ trên những ngả đường ngày Xuân của Hà Nội-nơi anh sinh ra và lớn lên.

Dù chỉ có thời gian ngắn ngủi, nhưng được nhìn dòng người đi qua với nụ cười rạng ngời bên ngôi nhà cổ kính, ngắm những tà áo dài rất Hà thành quanh hồ Hoàn Kiếm, được ngồi bên cửa sổ, uống trà và ngắm hồ Lục Thủy… anh đã cảm nhận được sâu sắc nét đẹp của Thủ đô như những ngày Tết xưa.

 

Với người con sống xa quê hương như anh, thì “đi xa là để về nhà, kịp thắp nén hương đầu năm lên bàn thờ tổ tiên, uống với hai cụ thân sinh chén trà Xuân đầu năm và nhìn các cụ vui vẻ là đủ hạnh phúc rồi!”.

Ước vọng cho quê hương

Sinh sống và đón Tết ở Ba Lan nhiều năm, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nhân Việt Nam ở châu Âu vừa có những ngày đón Tết Quý Mão ở quê nhà thật ấm áp.

Ông Huê cho biết, bản thân ông cũng như nhiều kiều bào khác “từng ăn gạo quê hương, uống nước giếng làng” nên luôn mang theo hình ảnh quê hương trong những năm tháng lăn lộn tại đất khách, quê người. Đặc biệt, họ luôn trăn trở việc làm sao để mối liên hệ gắn kết với quê hương có thể truyền được tới các thế hệ người Việt kế cận đang sinh sống tại nước ngoài.

Thời gian qua, đồng bào trong nước và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, nhưng ông Huê tự hào vì tình người, tình quê hương và sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ đã giúp đất nước vượt qua.

Ông chia sẻ: “Như cách ông, cha ta chống ngoại xâm, thiên tai, dịch bệnh… tình đoàn kết đã thôi thúc chúng tôi hỗ trợ đồng bào trong hoạn nạn. Đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của chúng ta và đoàn kết dân tộc chính là báu vật mà thế hệ cha, ông để lại cho nên chúng tôi luôn có trách nhiệm truyền lại, dạy dỗ cho con, cháu giữ gìn báu vật ấy”.

Về Việt Nam, gặp nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Huê nhận thấy, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông, lâm và thủy sản đặc sắc ở khắp các vùng miền. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới với trong nước, với các địa phương còn nhiều hạn chế.

Ông Huê hy vọng, thời gian tới, với cầu nối từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và sự chung tay của các cơ quan, doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ hơn nữa để tăng cường đưa thêm sản phẩm của Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Xen lẫn niềm vui ngày đoàn viên, anh Trần Hải Linh cũng cảm thấy tự hào trước những nỗ lực vừa phục hồi kinh tế-xã hội, tiếp tục đưa đất nước hòa nhập sâu rộng với quốc tế. Đặc biệt, trước rất nhiều thách thức, kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới trong đó có doanh nhân, doanh nghiệp, chuyên gia, trí thức... luôn là sợi dây kết nối giao thương, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch... tạo nguồn kiều hối phong phú, góp thêm nguồn lực cùng đất nước phát triển.

Anh Nguyễn Quang Trường (thứ ba, từ trái) đón Tết cùng bạn bè ở Yên Bái. (Ảnh: Lê Lê)
Anh Nguyễn Quang Trường (thứ ba, từ trái) đón Tết cùng bạn bè ở Yên Bái. (Ảnh: Lê Lê)

Đã nhiều năm được đón Tết ở quê hương, nhưng anh Nguyễn Quang Trường (thường gọi là Etcetera Nguyễn)-kiều bào Mỹ, vẫn cảm nhận không khí đón Tết năm nay sôi động và tràn đầy sức sống hơn hẳn, báo hiệu một năm mới tràn đầy niềm vui và lạc quan đến mọi người.

Tròn 10 năm quyết định trở về Việt Nam sống và làm việc lâu dài, bước chân anh Trường đã đi khắp các nẻo đường đất nước cùng với kênh YouTube Vietnam Today. Từ hải đảo, miền xuôi đến vùng núi cao, nơi nào anh đến cũng mang lại một giá trị gắn kết tình nhân ái với những Việt kiều xa quê có thiện chí cùng chung tay đóng góp vào những việc làm nhân văn và ý nghĩa tại quê nhà.

Tết Quý Mão vừa qua, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Trường ở miền núi Yên Bái càng nồng ấm hơn khi đón hàng trăm lượt khách bạn bè từ khắp các vùng miền trong nước, kiều bào từ nhiều nước đến ghé thăm, sum họp.

Nói như ông Nguyễn Tài Phương-người đã nhiều năm sinh sống ở California (Mỹ), “đa số bà con kiều bào đều có tâm nguyện muốn trở về Tổ quốc bởi dù đi đâu, làm gì thì quê hương trong họ vẫn chỉ một mà thôi”.

Theo baoquocte