Tống Dương, 24 tuổi sống cùng bạn gái tại một phòng trọ ở quận Kiều Khẩu, thành phố Vũ Hán. Ngày 13/1, anh về quê ở Giang Tô đón Tết cùng gia đình, vài ngày sau nghe tin bạn gái nhập viện vì sốt cao. Kết quả kiểm tra cho thấy cô gái này bị viêm phổi và phải cách ly. Chàng trai trẻ nói chuyện với bố mẹ: "Người yêu con đang gặp nguy hiểm, con không muốn để cô ấy phải chống chọi bệnh một mình".

Ngày 19/1, Tống đáp chuyến bay cuối cùng đi Vũ Hán trước khi thành phố bị phong tỏa. Bố mẹ cậu không ai phản đối, chỉ dặn "Hãy khỏe mạnh để trở về".

Bệnh viện dã chiến Phương Khoang ở Vũ Hán, nơi Tống nằm điều trị. Ảnh: sina.

Bệnh viện dã chiến Phương Khoang ở Vũ Hán, nơi Tống nằm điều trị. Ảnh:sina.

Về Vũ Hán, Tống Dương đến ngay bệnh viện. Hàng ngày, cứ hai giờ đồng hồ, anh lại đo thân nhiệt bạn gái một lần. "Phiền phức quá", bạn gái than. Anh cười trừ: "Em cứ khỏe đi rồi anh không làm phiền em nữa". Sau 3 lần xét nghiệm, bạn gái anh đều âm tính với Covid-19.

Tuy nhiên đến ngày 28/1, Tống cảm thấy mệt mỏi rồi sốt cao. Anh được đưa đi chụp phim và phát hiện phổi đã bị tổn thương. Hai ngày sau khi lấy mẫu máu xét nghiệm, Tống nhận kết quả "dương tính với nCoV".

Nhận được tin anh không hề sốc, nhưng cầm kết quả trên tay, tâm trạng anh lại hết sức tồi tệ. Tống nhắn tin cho bạn gái rồi nhập viện.

Vào ngày 7/2, tình trạng nhiễm trùng phổi của Tống trở nên nghiêm trọng. Anh luôn cảm thấy khó thở, lồng ngực bị thắt chặt và cổ có rất nhiều đờm. Khi Tống cảm thấy cơ thể suy kiệt nhất, anh đề nghị với bác sĩ điều trị cho anh quay một video để tạm biệt mọi người. Vị bác sĩ thì thầm vào tai anh: "Làm sao một thanh niên như anh lại có thể nản lòng trong khi mọi người vẫn đang chiến đấu từng giờ từng phút". 

Trải qua những giây phút nguy hiểm, sức khỏe của Tống đã hồi phục dần. Ngày 12/2, từ bệnh viện tuyến đầu, Tống được chuyển sang bệnh viện dã chiến 200 giường có tên Phương Khoang được dựng tạm tại trung tâm thể thao quận Kiều Khẩu. Điều kiện của Phương Khoang không tốt như bệnh viện thông thường, ban đầu mọi thứ đều lộn xộn và chưa có quy trình. Sống trong bệnh viện dã chiến, xung quanh toàn là bệnh nhân, Tống luôn nhìn thấy sự lo lắng và bất an của mọi người.

Đó là một bệnh nhân giường bên khó ngủ, ban đêm cô bật dậy khóc nức nở. Chồng cô đang được điều trị Covid-19 ở phòng chăm sóc đặc biệt, đứa con 13 tuổi ở nhà một mình, không ai chăm sóc. Rồi một bệnh nhân khác cả ngày chỉ vặn tay lo lắng. Cô có ông nội hơn 80 tuổi đang phải cách ly tại nhà. Người này lo lắng có ai nấu cho ông cô ăn không, đêm có ngủ được không?

Thậm chí Tống còn nhìn thấy những nhân viên y tế lặng lẽ lau nước mắt trong đêm, có lẽ họ nhớ những người thân trong gia đình.

"Sự lo lắng dễ lây lan hơn cả virus. Dù trận chiến mới bắt đầu, chúng ta đã cho rằng mình sẽ không thể chiến thắng", Tống gửi tin nhắn cho bạn gái.

Tống Dương vẫn đang điều trị tại bệnh viện dã chiến Phương Khoang ở Vũ Hán. Ảnh: sina.

Tống Dương vẫn đang điều trị tại bệnh viện dã chiến Phương Khoang ở Vũ Hán. Ảnh:sina.

Để xoa dịu mọi người, chàng thanh niên này lôi chiếc đàn Harmonica theo mình suốt nhiều năm ra thổi. Anh nói: "Tôi muốn sử dụng âm nhạc để truyền cảm hứng cho tinh thần của chính mình và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân khác".

Hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi, Tống lại mang đàn ra thổi cho bệnh nhân cùng nghe. Không khí căng thẳng, lo lắng tại bệnh viện dã chiến chùng xuống mỗi khi tiếng đàn Harmonica đầy cảm xúc của Tống vang lên.

"Âm thanh bản nhạc của Tống quá đẹp và ăn sâu vào trái tim của mọi người. Nó giúp chúng tôi quên đi được nỗi đau của bệnh tật và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn", một bệnh nhân chia sẻ.

Cũng từ tiếng kèn của Tống, nhiều bệnh nhân trở nên thân thiết với nhau hơn. Mỗi khi ai đó bệnh trở nặng, họ lại cùng nhau mang trái cây đến hỏi thăm và Tống luôn là người thổi kèn để động viên tinh thần của mọi người.

"Dù chẳng ai muốn ở đây nhưng khi đã ở trong trận chiến này mới biết tình người cao đẹp như thế nào", Tống nói.

Chàng thanh niên 24 tuổi cho hay, tình hình sức khỏe của anh đang diễn biến tốt. Nếu xuất viện, điều đầu tiên anh muốn làm không phải về nhà thăm bố mẹ mà đến bệnh viện hiến huyết tương để giúp điều trị cho những bệnh nhân nặng hơn.

"Cuối cùng tôi cũng có thể làm được một việc ý nghĩa trong cuộc đời", Tống nói.

Theo vnexpress