leftcenterrightdel
 

Trà bá tước còn được gọi là trà Earl Grey, hồng trà bá tước hay trà đen bá tước... Trên thực tế, trà bá tước là tên gọi chung của hỗn hợp các nguyên liệu sấy khô, bao gồm trà đen được làm từ lá của cây Camellia sinensis và chiết xuất vỏ cam Bergamot được chiết xuất từ cam Bergamot, một loại trái cây họ cam quýt có nguồn gốc từ Ý.

Trà đen có màu sẫm hơn nhiều và hương vị đậm đà hơn so với trà xanh vì lá trà trải qua thời gian oxy hóa lâu hơn, trong thời gian đó lá trà tiếp xúc với không khí. Quá trình oxy hóa làm lá trà chuyển sang màu nâu đen và làm tăng hương vị của trà.

1. Tác dụng của trà bá tước với sức khỏe

Giống như tất cả các loại trà khác, trà bá tước chứa các hóa chất hoạt tính sinh học bao gồm flavonoid, caffeine, fluoride và theanine. Theo Harvard Men's Health Watch, trà đen chứa nhiều hóa chất phức tạp hơn - theaflavin và thearubigin - có nguồn gốc từ catechin.

Vì chỉ một lượng nhỏ tinh dầu cam Bergamot được hấp thụ khi uống trà bá tước, nên có khả năng hầu hết các lợi ích sức khỏe của do trà này là nhờ các hợp chất có trong trà đen. Theo Health, dưới đây là một số lợi ích của việc uống trà bá tước cho sức khỏe dựa trên các nghiên cứu khoa học:

1.1. Giàu chất chống oxy hóa

Trà đen, thành phần chính của trà bá tước, là nguồn cung cấp tuyệt vời các hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa cho cơ thể.

leftcenterrightdel
Giống như tất cả các loại trà khác, trà bá tước chứa các hóa chất hoạt tính sinh học bao gồm flavonoid, caffeine, fluoride và theanine (Ảnh: Internet) 

Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ chống lại tổn thương tế bào bằng cách trung hòa các chất có phản ứng cao gọi là gốc tự do. Khi mức độ gốc tự do quá cao, nó sẽ lấn át khả năng phòng vệ chống oxy hóa của cơ thể, dẫn đến tình trạng gọi là stress oxy hóa. Stress oxy hóa đã được chứng minh là có liên quan tới tổn thương mô và chứng viêm mãn tính, yếu tố nguy cơ chính đằng sau sự khởi phát và tiến triển của một số tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh ung thư và bệnh tim.

Trà đen chứa một số hợp chất hoạt tính sinh học có thể giúp làm giảm các dấu hiệu của stress oxy hóa và viêm trong cơ thể. Chẳng hạn, trà đen có hàm lượng polyphenol cao như epigallocatechin gallate, theaflavin và thearubigin, có thể bảo vệ sức khỏe tổng thể bằng cách giảm viêm và tổn thương oxy hóa. Trà đen cũng chứa polysaccharides (TPS), là loại carbohydrate có đặc tính chống oxy hóa mạnh.

Chiết xuất cam Bergamot cũng cung cấp một số chất chống oxy hóa, chẳng hạn như terpene gồm limonene và linalool; flavonoid neoeriocitrin, neohesperidin và naringin.

1.2. Tăng cường sức khỏe tim mạch

Tinh dầu cam Bergamot trong trà bá tước chứa các flavanone có tác dụng ức chế các enzyme sản xuất cholesterol trong cơ thể, từ đó giúp giảm đáng kể nồng độ triglyceride trong máu, cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (cholesterol xấu).

leftcenterrightdel
 Thường xuyên uống trà đen có thể giúp giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, thành phần trà đen trong đó lại có liên quan tới việc giảm huyết áp. Một đánh giá năm 2020 về năm nghiên cứu về những người bị huyết áp cao đã chứng minh rằng thường xuyên uống trà đen có thể giúp giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lần lượt là -3,53 và -0,99 milimét thủy ngân (mmHg).

Đánh giá cũng cho thấy những người uống trà trong ít nhất ba tháng có mức huyết áp giảm lớn nhất, điều này có nghĩa là việc uống trà trong thời gian dài có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngoài tác dụng giúp giảm huyết áp, những người thường xuyên uống trà đen cũng có nguy cơ mắc bệnh suy tim và đột quỵ thấp hơn.

1.3. Hỗ trợ chức năng nhận thức

Một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI cho thấy những người uống nhiều hơn một tách trà đen mỗi ngày có thể có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm thấp hơn. Trà đen chứa một số hợp chất có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, như caffeine và axit amin L-theanine, bằng cách điều chỉnh hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine.

leftcenterrightdel
Trà đen chứa một số hợp chất có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, như caffeine và axit amin L-theanine (Ảnh: Internet) 

Ngoài ra, đồ uống chứa caffein có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức ngắn hạn, chẳng hạn như tăng cường tốc độ xử lý và trí nhớ. Một đánh giá năm 2023 trên NCBI về bảy nghiên cứu bao gồm dữ liệu về 410.951 người tham gia cho thấy, việc uống trà xanh hoặc trà đen có liên quan đến việc giảm đáng kể chứng mất trí, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

1.4. Giảm cân

Nghiên cứu về polyphenol trong trà đen đã chỉ ra rằng hợp chất thực vật này có thể tốt cho việc giảm cân. Cơ chế được giải thích là nhờ khả năng ức chế quá trình tiêu hóa lipid (chất béo), thúc đẩy chuyển hóa chất béo và ngăn ngừa béo phì thông qua việc giảm stress oxy hóa.

1.5. Hỗ trợ tiêu hóa

Flavonoid trong trà bá tước có thể chống lại chứng viêm ảnh hưởng tới đường tiêu hóa. Theo Healthline, một nghiên cứu trên chuột bị viêm đại tràng cho thấy, chiết xuất cam Bergamot có thể giúp ức chế giải phóng protein gây viêm và giúp giảm các đợt tiêu chảy.

Một nghiên cứu khác trong ống nghiệm cho thấy, chiết xuất cam Bergamot còn có thể chống lại vi khuẩn H.pylori (Hp) có liên quan tới loét và đau dạ dày.

leftcenterrightdel
 Flavonoid trong trà bá tước có thể chống lại chứng viêm ảnh hưởng tới đường tiêu hóa (Ảnh: Internet)

Mặc dù những kết quả này cho thấy trà bá tước có thể có lợi với hệ tiêu hóa nhưng cần thêm những nghiên cứu rộng rãi trên người trước khi kết luận chắc chắn về liều lượng trà bá tước cần sử dụng để có thể đạt được những lợi ích đó.

Ngoài những tác dụng của trà bá tước đối với sức khỏe kể trên, có một số quan niệm rằng trà bá tước có thể ngăn ngừa ung thư hoặc chữa cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, hầu hết những quan niệm này vẫn chưa được nghiên cứu nào chứng minh.

1.6. Tăng năng lượng

Trong một cốc khoảng 237ml trà bá tước có chứa từ 40 - 120 miligam caffeine. Caffeine có tác dụng đến sức khỏe theo nhiều cách, bao gồm tăng mức năng lượng và cải thiện hiệu suất tập thể dục.

Hơn nữa, so với cà phê thì trà bá tước có thể là một lựa chọn ít caffeine hơn nên có thể giảm được phần lớn tác dụng phụ như bồn chồn nếu chỉ uống với lượng vừa phải. Hàm lượng kali dồi dào trong trà cũng hỗ trợ quá trình hydrat hóa của cơ thể, một yếu tố quan trọng để duy trì mức năng lượng tối ưu trong suốt cả ngày và ngăn ngừa tình trạng uể oải.

leftcenterrightdel
 Trong một cốc khoảng 237ml trà bá tước có chứa từ 20 - 40 miligam caffeine (Ảnh: Internet)

2. Rủi ro sức khỏe có thể gặp khi uống trà bá tước

Mặc dù được coi là an toàn nhưng trong một trường hợp được báo cáo bởi Lancet, uống trà bá tước quá nhiều có thể dẫn tới chuột rút cơ, ngứa ran các chi và mờ mắt do một hợp chất trong trà bá tước có thể ngăn chặn sự hấp thụ kali và khiến các tế bào phản ứng thái quá với kích thích. Theo đó, một người đàn ông 44 tuổi đã uống 4 lít (gần 17 cốc) trà bá tước mỗi ngày. Kết quả là, anh ta bị chuột rút cơ nghiêm trọng và các triệu chứng này chỉ thuyên giảm khi ngừng uống.

Thành phần tannin trong trà cũng có thể cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể, đặc biệt là sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, điều này có thể trở thành mối lo ngại cho những người ăn kiêng thuần chay và những người có lượng sắt dự trữ thấp. Nếu thường xuyên uống trà, bạn nên cân nhắc tránh các bữa ăn để quá trình hấp thụ sắt từ thực phẩm được tốt hơn.

leftcenterrightdel
Uống trà bá tước mỗi ngày có tốt không? (Ảnh: Internet) 

Bên cạnh đó, hầu hết các loại trà bá tước đều chứa caffeine, quá nhiều caffeine có thể dẫn tới tăng cảm giác bồn chồn, lo lắng, run rẩy, buồn nôn và nôn mửa, đau đầu, tăng nhịp tim hay các tác dụng phụ do thể trạng nhạy cảm với caffeine khác. Nếu vẫn muốn uống, có thể chuyển sang loại trà khử caffeine.

Uống trà bá tước khi đối có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tiêu hóa như đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản hoặc tiêu chảy.

3. Uống trà bá tước mỗi ngày có tốt không?

Nhìn chung thì việc uống trà bá tước mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe nếu bạn uống với lượng vừa phải. Lượng trà có thể uống mỗi ngày tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như khả năng dung nạp caffeine của cơ thể, sức khỏe tổng thể, tình trạng bệnh lý sẵn có, mức độ vận động...

Thường thì uống từ 2 - 4 cốc trà bá tước mỗi ngày được coi là an toàn.

Lưu ý rằng, phụ nữ mang thai và những người nhạy cảm với caffeine, người đang điều trị bệnh lý nên nói chuyện trước với bác sĩ trước khi uống trà. Khi uống, cần hạn chế thêm các thành phần như đường bổ sung, sữa vì chúng có thể ảnh hưởng tới thành phần dinh dưỡng tổng thể của trà bá tước.

Châu Anh/Nguồn: Health, Healthline