Lạc có tên gọi khác là đậu phộng, thúa đìn (Tày), quả trường sinh, được sử dụng theo nhiều cách khác nhau có lợi cho sức khỏe. 

Theo y học cổ truyền, lạc có vị ngọt, bùi béo, tính bình; tác dụng dưỡng huyết, bổ tỳ, nhuận phổi, hóa đờm. 

Bộ phận dùng làm thuốc bao gồm cả lá, hạt, vỏ lụa hạt lạc.

1. Bài thuốc từ lạc

- Chữa thiếu máu, tim hồi hộp, đoản hơi, đau đầu, hấp thụ kém: Lạc nhân cả vỏ lụa 6-20g, táo tầu 6-10 quả. Đem 2 thứ hầm với nhau, quấy nhuyễn. Ngày ăn 3 lần, trong 10 ngày.

- Chữa thiếu máu do huyết hư: Có biểu hiện đau đầu, hoa mắt chóng mặt, da niêm mạc nhợt, mạch trầm nhược.

Bài thuốc: Hạt lạc cả vỏ lụa 15g, nấu với nước (đến khi chín nhừ) chia 2 lần ăn trong ngày, ăn liên tục trong 1 tháng.

- Chữa di tinh: Vỏ lụa hạt lạc 6g, nấu lấy nước uống 2 lần, trong 10-15 ngày.

photo-1696569717170
 

Vỏ lụa hạt lạc.

- Chữa đau họng do lạnh: Lạc nhân cả vỏ 100g, cho vào nước nấu chín, thêm gia vị ngày ăn 1 lần, trong 10 ngày. Bên cạnh đó cần giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

- Chữa khàn tiếng: Lạc nhân (cả màng mỏng vỏ ngoài) 100g, luộc chín nhừ ăn trong ngày hoặc cho mật ong lượng vừa phải vào ăn cùng.

- Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Lạc nhân 100g, thịt lợn nạc 100g, nấu canh ăn ngày 2 lần, trong 10-15 ngày.

- Chữa phù thũng 2 chân: Lạc nhân cả vỏ lụa 100g, tỏi sống thái lát, táo tầu 15g, dầu ăn 10g. Đun nóng dầu cho tỏi vào phi thơm rồi mới cho lạc, táo tầu vào, cho thêm nước nấu đến nhừ nát. Chia ăn 2 lần trong ngày.

photo-1696569719168

Lạc nhân cả vỏ lụa.

- Hỗ trợ tăng tiết sữa: Hạt lạc cả vỏ lụa 50g, 1 cái chân giò nhỏ, nấm hương 20g, gia vị vừa đủ. 

Cách chế biến: Chân giò lọc lấy thịt nạc, bỏ bớt mỡ, thái miếng nhỏ, xương chặt nhỏ, ướp với gia vị vừa đủ đem hầm nhừ với lạc. Sau đó thêm nấm hương, gia vị vừa ăn. Ăn khoảng 7-10 ngày.

- Chữa mất ngủ: Rễ lạc tươi 30g, rửa sạch, hãm với 150ml nước sôi, uống trước khi đi ngủ 1 giờ, uống 5-7 ngày.

- Chữa đau khớp: Rễ lạc tươi 60g, rửa sạch, nấu với thịt lợn nạc. Ăn liên tục trong 7-10 ngày.

photo-1696569719805

Rễ lạc tươi có tác dụng chữa mất ngủ, đau khớp.

2. Những người không nên ăn lạc

- Người bị bệnh gout: Do chất béo trong lạc làm giảm bài tiết acid uric, khiến bệnh nặng thêm.

- Người bị bệnh đái tháo đường, mỡ máu: Lạc có lượng đường, chất béo lớn nên sẽ làm bệnh nặng lên.

- Người có cơ địa dị ứng với lạc không nên ăn.

- Người bị bệnh tiêu chảy, sợ lạnh, gặp lạnh đau bụng, vừa cắt túi mật không nên dùng do lạc có tính hàn, chứa nhiều acid béo nên khi cắt túi mật thiếu men tiêu hóa dẫn tới đầy bụng, chậm tiêu.

- Lạc kỵ với dưa chuột và cua...

Theo suckhoedoisong.vn