Theo Đông y, tủy lợn có tên là trư tủy, có thể dùng tủy sống hoặc tủy xương của lợn, có vị ngọt, tính hàn, quy kinh Thận.

Trư tủy có tác dụng ích tủy, tư âm, sinh cơ, thường được dùng trong các chứng cốt chưng lao nhiệt, di tinh đới trọc, tiêu khát, sang dương.

Đông y cho rằng Thận tàng tinh, tinh sinh tủy. Tủy được bơm vào cột sống thành tủy sống, đi lên đầu tụ hợp thành não nên não còn gọi là tủy hải.

Bên cạnh đó, tủy thông qua cân mạc đi ra tay chân, tàng chứa trong các xương và sản sinh ra các xương (tủy sinh cốt). Chính vì vậy tủy có thể nói tủy là một bộ phận tinh hoa rất quan trọng, tủy lợn vì vậy mà có giá trị dinh dưỡng và trị bệnh rất cao.

Mời bạn đọc tham khảo một số bài thuốc Đông y từ tủy lợn dưới đây:

1. Đại bổ âm hoàn trị chứng hỏa

Thành phần: Hoàng bá (sao thành màu nâu), tri mẫu (tẩm rượu sao) mỗi thứ 160g, thục địa (chưng với rượu), quy bản (chích với bơ) mỗi vị 240g, các vị trên nghiền thành bột, cho tủy sống lợn và mật làm thành viên hoàn. Uống mỗi lần 2 viên, ngày 3 lần, uống lúc bụng đói.

Tác dụng: Bổ thận thủy, trị chứng hỏa do âm hư hỏa động.

đại bổ âm hoàn

Tủy lợn trong bài thuốc Đại bổ âm hoàn.

2. Trư cốt cao trị miệng loét

Thành phần: Tủy sống lợn 2 cái, tùng chi 8g, nhũ hương, hoàng liên, bạch cập mỗi loại 10g, duyên đan 20g, hoàng lạp 20g.

Các vị trên nghiền nhỏ hòa với sáp thành cao, dùng bôi thường xuyên chứng miệng vết loét không liền.

3. Bài thuốc trị trẻ con chốc loét vùng đầu lâu ngày không khỏi

Tủy trong xương sống lợn, dùng nhị phấn hòa thành tễ, cho vào trong xương, nướng trên lửa cho thơm rồi lấy ra. Dùng nước muối rửa sạch chỗ loét rồi đắp thuốc lên.

4. Sinh cơ diệu phương trị ung nhọt

Thành phần: Tủy xương lợn, khinh phấn 0,4g; dùng vải giữ lại, đập vào cao rồi dán lên. 

Công dụng: Trị chứng ung nhọt mọc ở sau lưng, khu vực huyệt Cao hoang (Trung đáp thủ).

5. Một phương thuốc có tủy lợn trong sách Kinh nghiệm kỳ phương

Thành phần: Lô cam thạch 16g, băng phiến 0,4g; 1 bộ tủy xương chân lợn. Trước tiên dùng lô cam thạch, băng phiến nghiền thành bột, trộn đều, lấy tủy lợn quấy nát, cho bột của 2 loại thuốc trên vào đảo đều, cất trong bát từ thạch.

Cộng dụng: Trị chứng chân lở loét, chỗ mưng mủ lở loét dùng giấy mềm lau sạch, dùng thuốc trên đắp một lớp mỏng phủ kín, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

6. Hợi tủy ẩm

Thành phần: Xương (tủy) sống lợn lấy đoạn dài 20cm, táo 12 quả (chẻ nhỏ), cam thảo (chích qua), bào can khương mỗi vị 0,2g.

Cách dùng: Bốn vị thuốc trên cắt nhỏ, sắc nước trị chứng tiêu khát. Lúc phát bệnh thêm nước đun sôi uống.

7. Trư tích thang

Thành phần: Đại táo 19 quả (bỏ bỏ và hạt), liên nhục 49 hạt (bỏ tâm), mộc hương 6g, cam thảo (chích) 80g.

Cách dùng: Các vị trên dùng đoạn tủy sống lợn đực dài 48cm cho vào cùng sắc, dùng 5 bát nước, cho vào nồi bằng đá bạc đun, bỏ phần xương và thịt, lọc bã lấy 1 bát nước. Uống lúc bụng đói, trị chứng tiêu khát.

8. Một phương trong sách Thiên kim phương

Thành phần: Hạnh nhân 20g, tủy ở vùng má lợn 0.3g.

Cách dùng: Trước tiên nghiền hạnh nhân nát như mỡ, cho thêm tủy lợn đắp vào chỗ sưng đỏ ở rốn của trẻ nhỏ.

9. Một phương trong sách Bản thảo cương mục

Tủy vùng cổ lợn 6-7 cái, bạch giao hương 8g, cùng cho vào nồi đồng nấu lên thật đặc, đợi nguội nghiền nhỏ, lấy dầu mè hòa cùng, dùng bôi trị chứng nhọt ở lông mày trẻ con.

10. Một phương trong sách Thánh tuệ phương

Tủy xương lợn 200g, mật 200ml, hai thứ trên cùng nấu chín, chia làm 10 phần uống, mỗi ngày uống 3-4 lần.

Trị cổ độc, tức mắc phải một thứ tiểu trùng độc khiến người mắc bệnh trong bụng thấy đau, cứng, sắc mặt vàng xanh, mệt mỏi, gầy gò, đau nhức khác thường.

Lưu ý để sử dụng được bài thuốc cần phải có sự hướng dẫn của người có chuyên môn được đào tạo bài bản và được công nhận của cơ quan chức năng. 

Theo suckhoedoisong.vn