1. Đặc điểm và công dụng của linh chi
Linh chi có hình quả cật hoặc nửa hình tròn, rất ít khi thấy có hình tròn. Bề mặt mầu nâu đỏ, tím đỏ hoặc nâu sẫm, có ánh bóng như sơn, bên dưới bề mặt màu vàng trắng, có nhiều lỗ hổng dầy đặc. Thân nấm mọc lệch màu tím sẫm đến màu đen, có ánh quang như sơn. Trong ruột rất dẻo dai, chất nhẹ, hương nhẹ, vị nhạt. Loại tốt là loại con to, hoàn chỉnh, màu tím đỏ, có ánh quang bóng láng như sơn.
Theo y học cổ truyền, linh chi tính bình vị ngọt, lợi về các kinh can, tâm, tỳ, phế, thận; có công hiệu là loại thuốc bổ, cường tráng trấn tĩnh, giải sài giật, giảm đau, giảm ho, long đờm, bình suyễn, trợ tim…; chủ trị các bệnh ho, hen suyễn, hư lao, ăn uống không ngon miệng, đau bụng, tim đập hốt hoảng, mất ngủ, buồn bực đau tức trong lồng ngực.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, linh chi có hàm chứa chất đường, albumin, acid hữu cơ, chất béo thực vật, chất đường... ; có tác dụng trấn tĩnh, bảo vệ gan, hạ huyết áp, giảm lượng đường, điều tiết hệ thống thần kinh, nâng cao khả năng phòng bệnh của cơ thể.
2. Món ăn bài thuốc với linh chi
2.1. Linh chi chả thịt nạc
Thành phần: Thit nạc 100g, linh chi nghiền bột 3g
Cách làm: Thịt nạc xay nhỏ, trộn đều với bột linh chi, gia vị vừa miệng, hấp cách thủy cho chín; dùng làm thức ăn, ăn cơm ngày 2 lần.
Công dụng: Dùng cho người cao tuổi bị viêm phế quản mạn tính và các chứng viêm dạ dày, đầy bụng (rối loạn tiêu hoá).
Gạo lứt, linh chi dùng cho người phế thận hư, ho suyễn
2.2 Linh chi hấp chim
Thành phần: Chim cút 2 con, linh chi 6g, gia vị vừa phải.
Cách làm: Linh chi rửa sạch sắt miếng, chim cút làm sạch, bỏ vào bát, cho nước, cho linh chi vào, đặt bát vào nồi hấp cách thuỷ.
Công dụng: Dùng cho người thân thể hư nhược, chức năng phủ tạng suy giảm, ho lâu ngày không dứt...
2.3. Cháo linh chi gạo lứt
Thành phần: Linh chi 20g, hạch đào nhân 20g, gạo lứt 100g, gia vị vừa đủ.
Cách làm: Rửa sạch linh chi, cắt miếng, gạo lức vo sạch, hạch đào nhân ngâm nước sôi 10 phút, bóc lớp vỏ ngoài. Đặt nồi lên bếp lửa, đổ 1000ml nước vào, cho gạo, linh chi, hạch đào nhân, nấu sôi. Sau đó đun nhỏ lửa cho gạo nhừ, thang sánh, trên mặt nổi lớp màng cháo thì cho gia vị vào.
Công dụng: Dùng cho người phế thận hư, ho suyễn, khí đoản lực kiệt, hen phế quản mạn tính.
Theo suckhoedoisong.vn