1. Hội chứng thận hư là gì?
- Theo Y học hiện đại: Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa do tổn thương cầu thận được đặc trưng bởi: Phù, protein niệu cao (> 3g protein/ngày), protein máu giảm, rối loạn lipoprotein máu.
Nguyên nhân của hội chứng thận hư có thể do nguyên phát như trong bệnh cầu thận màng, viêm cầu thận, xơ chai cầu thận... Màng lọc cầu thận khi viêm, tổn thương sẽ để quá nhiều protein trong máu thấm qua màng lọc, dẫn tới hội chứng thận hư. Đa phần trường hợp mắc hội chứng thận hư ở người trẻ không có nguyên nhân (gọi là hội chứng thận hư nguyên phát).
Cũng có thể do nguyên nhân thứ phát, gặp trong bệnh cảnh sau nhiễm trùng như hậu nhiễm liên cầu, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, giang mai, phong, lậu… Hoặc sau sử dụng các thuốc kháng viêm non-steroids, thuốc cản quang, warfarin…; thứ phát sau các bệnh hệ thống như: Lupus, hội chứng (HC) Henoch Scholein, HC Good Pasture, viêm đa khớp dạng thấp…
Hội chứng thận hư nếu không được điều trị kịp thời và tình trạng bệnh kéo dài có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm cho người bệnh như: Tăng cao cholesterol máu và triglycerid máu, suy dinh dưỡng, huyết áp cao, suy thận cấp, thậm chí có thể phải lọc máu khẩn cấp.
- Theo y học cổ truyền: Hội chứng thận hư thuộc phạm vi của chứng thủy thũng. Thủy thũng là loại bệnh do công năng bài tiết thủy dịch trong cơ thể mất bình thường, làm cho thủy dịch ứ đọng lại gây nên phù thũng cục bộ ở mặt, mí mắt, chân tay hoặc thậm chí phù toàn thân.
Nguyên nhân do ngoại cảm phong tà, hoặc nội thương, ăn uống, làm việc không điều độ mà dẫn tới các tạng phế mất chức năng thông điều thủy đạo, tỳ mất chức năng vận hóa thủy thấp, thận và bàng quang không khí hóa được nước, thủy thấp ứ trệ mà sinh ra thủy thũng.
Vì vậy trong nguyên tắc điều trị chứng thủy thũng gồm: Tuyên phế phát hãn mở tấu lý để tà khí ra ngoài bằng đường mồ hôi, lợi niệu để làm sạch phủ bàng quang và khu trừ ứ trệ.
Y học cổ truyền có vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ điều trị các bệnh thận nói chung và hội chứng thận hư nói riêng. Với cách tổ chức các bài thuốc, các món ăn dưỡng sinh, giúp mang lại những hiệu quả nhất định trong điều trị.
2. Một số món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc thường được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư.
2.1. Cháo phục linh, đậu đỏ hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư
- Công dụng: Phục linh có tác dụng thẩm thấp kiện tỳ, đậu đỏ giúp bổ thận, lợi niệu và tiêu phù thũng.
- Nguyên liệu: Phục linh 25g, đậu đỏ 30g, táo lớn 10 quả, gạo 100g.
- Cách làm: Ngâm đậu đỏ nửa ngày, vớt ra rửa sạch, cùng phục linh, táo và gạo nấu cháo. Món này có thể ăn thay cơm sáng và tối, nên ăn nóng.
2.2. Soup hạt súng, đậu cô ve, sơn dược
- Công dụng: Sơn dược có tác dụng kiện tỳ ích khí, hạt súng và đậu cô ve giúp bổ thận, khứ thấp tiêu thũng.
- Nguyên liệu: Sơn dược khô, hạt súng mỗi thứ 25g, đậu cô ve 15g, hạt sen 20g, đường trắng một ít.
- Cách làm: Lấy các vị thuốc bỏ vào nồi, thêm vào lượng nước thích hợp, nấu chín, cho đường vào hòa tan là được.
Lưu ý: Với những người bị đái tháo đường nên hạn chế lượng đường cho vào soup.
2.3. Canh ruột gà, thung dung, ba kích
- Công dụng: Nhục thung dung và ba kích có tác dụng ôn bổ thận dương, thông lợi tiểu tiện. Ruột gà hỗ trợ tiêu hóa, kiện vận tỳ vị, tăng cường tác dụng khứ ứ tiêu thũng.
- Nguyên liệu: Ruột gà 100g, ba kích thiên 12g, nhục thung dung 15g, gừng sống vài miếng.
- Cách làm: Ruột gà làm thật sạch, cắt đoạn. Ba kích thiên, nhục thung dung chia ra rửa sạch, cho vào trong túi vải, cột chặt miệng túi lại. Lấy ruột gà và túi thuốc bỏ vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, cho gừng và muối vào, dùng lửa lớn nấu sôi, hạ lửa nấu thêm 1 giờ, vớt túi thuốc ra, nêm gia vị là được.
Lưu ý: Ba kích là vị thuốc bổ dương mạnh, tuyệt đối không sử dụng quá liều lượng đã quy định. Nhục thung dung là vị thuốc ngoài tác dụng bổ thận còn có tác dụng nhuận tràng thông đại tiện. Với những người đi ngoài phân lỏng nát, hạn chế sử dụng món ăn này. Những người bệnh có kèm theo táo bón, rất thích hợp sử dụng.
2.4. Cật dê, bạch truật
- Công dụng: Cật dê có tác dụng bổ thận lợi thủy, bạch truật giúp kiện tỳ táo thấp.
- Nguyên liệu: Cật dê tươi, bạch truật. Mỗi thứ 45g.
- Cách làm: Cật dê làm sạch, cắt hạt lựu, hầm chung với bạch truật, ăn nóng lúc bụng đói.
2.5. Bí đao, cá chép
- Tác dụng: Bí đao giúp thanh nhiệt lợi niệu, cá chép bổ thận, kiện tỳ, tiêu phù thũng.
- Nguyên liệu: Bí đao 500g, cá chép 1 con (khoảng 300g), gừng vừa đủ
- Cách làm: Bí còn vỏ, bỏ ruột cắt miếng, cá bỏ mang cạo vảy, gừng bỏ vỏ, cho vào nồi, thêm 600ml nước hầm lên. Chia ăn 2 - 3 lần lúc nóng.
Lưu ý: Bí đao lợi niệu tương đối mạnh, với những người hay đi tiểu đêm, hạn chế món ăn này vào buổi tối.
Theo suckhoedoisong.vn