Viêm mũi dị ứng có biểu hiện chảy nước mũi, lâu ngày nước mũi có thể có màu trắng đục, mùi tanh hôi. Nếu chảy nước mũi đục là do ngoại cảm phong nhiệt; chảy nước mũi trong là do ngoại cảm phong hàn; đầu mũi (chốt mũi) đỏ, sưng, ngứa, gãi dễ thành mụn thường do huyết nhiệt xâm nhập vào tạng phế.

Khi tỵ khổng (lỗ mũi) bị bệnh, cần xem xét kỹ bệnh đơn thuần tại chỗ hay liên quan đến toàn thân, hoặc do mắc bệnh từ các tạng phủ khác chuyển đến: Khi thở thấy cánh mũi phập phồng, phần nhiều do nhiệt tà phong hỏa ủng tắc ở phế; suyễn, thở mũi khô, thể bệnh nghiêm trọng phần nhiều thấy ở trẻ em; bị bệnh lâu ngày mà khi thở thấy cánh mũi phập phồng là dấu hiệu phế khí tuyệt (phế khí suy kiệt).

Đặc điểm bệnh viêm mũi dị ứng rất hay tái phát, nhất là khi thời tiết thay đổi, ăn uống không phù hợp, điều kiện vệ sinh nơi ở kém...

Thiên nhiên ưu đãi cho nước Việt Nam ta rất nhiều vị thuốc vừa làm rau ăn, món ăn, rẻ tiền, dễ kiếm, dễ trồng, có hiệu quả trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng.

Nguyên tắc: Tránh các thức ăn dễ gây dị ứng, tránh tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như lông thú, phấn hoa, bụi nhà...

Một số món ăn bài thuốc giúp phòng và hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng:

1. Kinh giới hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng

Tên khoa học: Elsholtzia cristata, còn gọi là bạch tô, khương giới, giả tô... Tính vị quy kinh: Vị cay, hơi đắng, tính ôn. Quy kinh can, phế.

Tác dụng: Giải biểu, khu phong, tuyên độc, thấu chẩn.

5 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng - Ảnh 2.

Kính giới vị thuốc hỗ trợ chữa viêm mũi dị ứng.

Công dụng: Chữa cảm mạo phong hàn, phong nhiệt mụn nhọt, dị ứng.

Liều dùng: Kinh giới khô 10-16g, kinh giới tươi 20-30g.

Cách dùng:

Làm món ăn: Làm rau gia vị ăn sống, salad trộn rau kinh giới, thạch.

Làm bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng: Kinh giới 12g, cây hoa ngũ sắc (hoa tím) 08g, lá cối xay 12g, bạc hà 12g, hoa húng quế 8g. Sắc uống chia 2 lần uống, uống ấm sau ăn 30 phút.

2. Tía tô

Tên khoa học: Perilla frutescens (L.) Britt, còn gọi là é tía, xích tô... Tính vị quy kinh: Vị cay, tính ấm. Quy kinh tỳ, phế.

Tác dụng: Phát tán phong hàn, lý khí, khoan hung.

Chủ trị: Chữa viêm mũi dị ứng, hen suyễn, tê thấp, trị ho.

Liều dùng: Dùng khô 10-16g, tươi 20-30g.

5 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng - Ảnh 3.

Tía tô có hiệu quả trong bệnh viêm mũi dị ứng.

Cách dùng:

- Làm món ăn: Làm rau gia vị ăn sống, salad trộn rau tía tô, kinh giới... làm rau gia vị trong các món ăn như cháo để giải cảm.

- Làm bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng:

+ Lá tía tô tươi 1 nắm hãm nước uống hàng ngày. Không dùng cho người bị ra mồ hôi nhiều, huyết áp thấp.

+ Lá tía tô 9g, gừng khô 1 lát (3g). Hãm uống chia 2 lần uống trong ngày.

- Làm thuốc xông: Tía tô 1 nắm, hương nhu 1 nắm, hoắc hương 1 nắm... đun sôi để xông hơi vùng mũi.

3. Sắn dây

Tên khoa học: Cây sắn dây có tên khoa học là Pueraria thosonii Benth, thuộc họ Đậu - Fabaceae. Cây mọc hoang hoặc được trồng ở khắp nơi để lấy củ ăn, chế bột sắn dây và làm thuốc chữa bệnh.

Tên dùng trong đơn thuốc:

Phấn (bột sắn dây sống), can cát căn (sắn dây khô), ổi cát căn (sắn dây nướng), sinh cát chấp (nước sắn dây sống).

Bộ phận dùng: Rễ củ được dùng làm thuốc, ngoài ra hoa của cây cũng được dùng để làm thuốc.

Bào chế: Lấy nước lã rửa sạch củ, thái miếng mỏng dùng sống. Hoặc giã lấy nước cốt hay nướng để dùng hoặc mài củ tươi lấy bột.

Tính vị quy kinh: Vị cay, ngọt, tính bình. Vào hai kinh vị, bàng quang.

Công dụng: Thuốc dẫn vào kinh dương minh, giải cơ, thoái nhiệt, thăng đề, vị khí.

5 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng - Ảnh 4.

Chè sắn dây chữa viêm mũi dị ứng.

- Món ăn: Chè sắn dây: Bột sắn dây 15g, chữa viêm mũi xoang dị ứng, cảm lạnh, đau đầu, cứng vai, các bệnh hô hấp.

Lưu ý: Ăn nóng, sau khi ăn tránh gió từ 1-2 giờ.

- Bài thuốc: Sâm tô ẩm. Xuất xứ: Hòa tễ cục phương.

Thành phần bài thuốc: Đẳng sâm 12g, tô diệp 12g, cát căn 12g, tiền hồ 12 g, bán hạ 12g, bạch linh 12g, trần bì 08g, cam thảo 08g, cát cánh 08g, chỉ xác 08 g, mộc hương 08g.

Cách dùng: Tán bột, mỗi ngày uống 8 - 12g. Gia sinh khương (gừng) 7 lát, đại táo 1 quả. Có thể dùng sắc uống ngày 1 thang, chia đều 3 lần.

Tác dụng: Ích khí, giải biểu, lý khí, hóa đàm.

Chủ trị: Hỗ trợ chữa bệnh nhân khí hư ngoại cảm phong hàn, ở trong có đàm thấp, sốt, sợ lạnh, đau đầu, nghẹt mũi, ho nhiều đờm, ngực đầy tức, rêu lưỡi trắng, mạch nhược.

Theo Hòa tễ cục phương: Thuốc dùng cho những người bị tứ thời cảm mạo, người sốt, đau đầu, ho có đờm, nói khó khăn, chảy nước mũi, vùng thượng vị bị đầy tức, nôn mửa và ói nước. Thuốc cũng được dùng cho những người bị ho có đờm khi bị cảm thời tiết, mà những ngày thường vị tràng yếu.

Thuốc được ứng dụng để chữa viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, viêm phổi, ngộ độc rượu, chứng khí uất, suyễn, nôn ọe.

5 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng - Ảnh 5.

Trứng hấp lá hẹ trị viêm mũi dị ứng.

4. Trứng hấp lá hẹ

Thành phần: Lá hẹ 1 nắm, trứng gà 2 quả.

Cách làm: Rửa sạch và thái nhỏ lá hẹ, đập trứng vào bát tô, cho lá hẹ vào đánh đều, cho thêm chút gia vị. Đem bát trứng lá hẹ đó hấp chín, ăn khi còn nóng ấm. Mỗi tuần ăn 2-3 lần.

Vị thuốc lá hẹ có thể chế biến các món ăn khác như canh hẹ... tùy theo khẩu vị sở thích của từng người.

5 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng - Ảnh 6.

Củ mài hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng.

5. Cháo củ mài - ý dĩ

Thành phần: Củ mài (hoài sơn) 30g, ý dĩ 30g, hạt sen bỏ tâm 15g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 100g, tất cả đều nấu cháo.

Cách dùng: Dùng cho người tỳ vị hư, mệt mỏi, ăn kém chậm tiêu, viêm mũi dị ứng mạn tính.

Trên đây là một số món ăn vị thuốc thường dùng trong bệnh viêm mũi dị ứng. Còn nhiều vị thuốc nam như: Dấp cá, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, bồ công anh, cây hoa ngũ sắc, củ dền đỏ... rất tốt cho người bệnh viêm mũi dị ứng. Tùy thực tế người bệnh và điều kiện cây thuốc vị thuốc để chọn các món ăn phù hợp nhất với người bệnh, nhằm đạt hiệu quả phòng và điều trị bệnh tốt nhất.

Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh viêm mũi dị ứng cần giữ vệ sinh mũi, miệng; dùng dung dịch nhỏ mũi, xịt mũi bào chế từ cây hoa ngũ sắc: Cây hoa ngũ sắc (cây hoa cứt lợn) màu tím, cất lấy tinh dầu ngũ sắc pha thuốc xịt nhỏ mũi xoang.

Tự xoa bóp các huyệt vùng mũi miệng, các huyệt vị giúp khai khiếu, dưỡng phế, kiện tỳ, phù chính khu tà.

Giữ tinh thần lạc quan, tập thể dục hợp lý, chế độ thuốc và thăm khám bác sĩ khi cần thiết.

Theo suckhoedoisong.vn