leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian mọi người thường ăn uống không điều độ, nếp sống bị đảo lộn, thời tiết có thể thay đổi thất thường nên sức khỏe dễ bị ảnh hưởng, nhất là các bệnh tiêu hóa, truyền nhiễm,…

1. Những bệnh lý dễ gặp vào ngày Tết

Bất kỳ bệnh lý nào cũng có thể tấn công bạn vào dịp Tết. Tuy nhiên, các bệnh lý sau phổ biến hơn do chế độ ăn uống hoặc ảnh hưởng từ lối sống, thời tiết những ngày đầu xuân.

Rối loạn tiêu hoá: Vào dịp Tết, mọi người thường dung nạp nhiều thực phẩm. Hơn nữa, các món ăn ngày Tết thường giàu chất béo, chất đạm, bột đường, chua cay,… nên khiến cho hệ tiêu hoá bị quá tải và dẫn tới tình trạng rối loạn với các triệu chứng như đi ngoài, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng,…

Đau dạ dày: Thói quen ăn uống không điều độ như ăn quá no hoặc để bụng quá đói, uống nhiều rượu,… vào ngày Tết làm tăng tiết dịch vị dạ dày, khiến cho lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, từ đó dẫn tới viêm loét, trào ngược hoặc đau dạ dày.

leftcenterrightdel
Chế độ ăn uống ngày Tết không cân đối dễ gây ra các bệnh rối loạn tiêu hoá, đau dạ dày,... (Ảnh: ST) 

Bệnh về gan: Thức ăn giàu đạm, chất béo, rượu bia, bánh kẹo ngọt… vào ngày Tết là gánh nặng cho lá gan của bạn. Khi nạp một lượng lớn chất béo, đạm vào cơ thể, gan không kịp đào thải, làm cho lượng chất béo dư thừa tích tụ tại gan gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, bánh kẹo, hoa quả sấy ngày Tết thường chứa fructose không kèm chất xơ nên khó tiêu hóa, gây quá tải cho gan.

Đặc biệt, với thói quen uống nhiều rượu vào dịp Tết, gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì khi rượu, bia đi vào cơ thể, cồn hấp thụ nhanh chóng qua máu, dạ dày và ruột. Chỉ có 10% lượng cồn đào thải qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Còn 90% còn lại đi thẳng qua gan, từ đó sẽ gây tổn thương và tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan.

Tăng huyết áp và đái tháo đường: Đây là bệnh thuộc nhóm rối loạn chuyển hóa nên chế độ ăn uống và lối sống ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng bệnh. Những món ăn ngày Tết như dưa muối, bánh kẹo ngọt, rượu bia, đồ uống có ga,… đều có thể gây tăng huyết áp và chỉ số đường huyết ở người tiểu đường.

Cảm cúm, cảm lạnh: Đây là bệnh hô hấp xảy ra quanh năm, đặc biệt vào ngày Tết, việc đi lại, chúc Tết làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Các triệu chứng phổ biến của bệnh như sốt nhẹ, nghẹt mũi, sổ mũi, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức cơ thể,…

2. 5 loại thuốc nên dự phòng dịp Tết

Vào ngày Tết việc mua thuốc khó khăn hơn. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của cả gia đình, phòng những trường hợp khẩn cấp, mọi người nên chủ động chuẩn bị một số loại thuốc cần thiết sau:

2.1. Thuốc cảm cúm

Cảm cúm thông thường là bệnh nhiều người gặp phải, có thể điều trị triệu chứng tại nhà nếu như bệnh không nghiêm trọng. Do đó, các gia đình nên trữ thuốc cảm cúm trong nhà, nhất là trường hợp phát bệnh về đêm.

Có rất nhiều loại thuốc cảm cúm như paracetamol, decolgen, tiffy, coldacmin,… Tuy nhiên, đối với paracetamol, khi sử dụng người bệnh không nên dùng rượu bia để tránh tình trạng gây ngộ độc gan.

Khi xuất hiện tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, ớn lạnh,… các bạn có thể dùng các loại thuốc này. Tuy nhiên, sau 1 đến 2 ngày sử dụng mà bệnh không thuyên giảm, các bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

2.2. Men tiêu hoá

Đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy,... là các bệnh tiêu hoá dễ gặp vào những ngày Tết. Vì vậy, các gia đình nên chuẩn bị các loại thuốc men tiêu hoá hoặc men vi sinh.

Đối với những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhẹ, dùng rượu bia kéo dài, người bệnh dùng thuốc (nhất là kháng sinh),... có các biểu hiện đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy,... nên dùng men tiêu hoá.

Với những người có biểu hiện loạn khuẩn đường ruột như đi phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng,... có thể dùng men vi sinh để cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột bị xáo trộn.

leftcenterrightdel
Mọi gia đình nên chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc thiết yếu (Ảnh: ST) 

2.3. Thuốc giảm đau dạ dày

Đau dạ dày xuất hiện nhiều ở những người uống nhiều rượu, ăn uống không điều độ. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng như: thuốc kháng axit, Thuốc ức chế bơm proton (PPIs), Thuốc ức chế thụ thể H2, Sucralfate, Bismuth, Thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori,...

Bên cạnh việc dùng thuốc, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tránh căng thẳng là những biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

2.4. Thuốc chống dị ứng

Các nhóm thuốc chống dị ứng, giảm bớt các triệu chứng dị ứng như nghẹt mũi, sổ mũi có thể được sử dụng như: Thuốc kháng histamin, Thuốc thông mũi, Thuốc chống dị ứng kết hợp, Thuốc xịt mũi kháng cholinergic, Corticosteroid, Thuốc kháng Leukotriene,...

2.5. Thuốc dành cho người có bệnh mạn tính

Những người bị gout, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn,... nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc điều trị được bác sĩ chỉ định.

Đặc biệt, những người bị huyết áp cao, tiểu đường cần chú trọng hơn vì bệnh dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và lối sống.

Trên đây là những loại thuốc nên lưu trữ trong gia đình những ngày Tết. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khoẻ, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc, tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sỹ chuyên môn.

Ngoài ra, trong những ngày Tết Nguyên Đán, mọi người nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học để tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các loại bệnh.

Vân Anh