Sắn dây (hay còn gọi là cát căn). 

Cát căn tên khoa học là Radix Pueraria thomsonii, thuộc họ cánh bướm. Người ta lấy củ sắn dây rửa sạch đất cát, bóc vỏ ngoài, cắt thành khúc dài 10cm. Sau đó phơi hoặc sấy khô.

Nếu muốn chế thành bột sắn dây thì giã nhỏ, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi phơi khô.

Bảo quản sắn dây đã chế biến trong lọ đậy kính, để ở nơi khô ráo, tránh nấm mốc mọc, tránh ẩm.

1. Tác dụng của sắn dây với sức khỏe

Theo y học hiện đại, sắn dây chứa 15% tinh bột (rễ tươi), chứa nhiều flavonoid (daidzin, puerarin, formononetin...), triterpenoid, succinic acid, allantoin...

Trong Đông y, cát căn vị ngọt, cay, tính bình, không độc; quy kinh tỳ vị, bàng quang, phế. Tác dụng tán nhiệt, giải biểu, tuyên độc, sinh tân dịch, thấu chẩn, chỉ khát, chỉ tả, giải co giật, giải cơ và thăng đề vị khí.

Cách dùng có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, hòa với nước uống, nấu cháo, nấu chè, hãm với nước sôi uống.

2. Các cách sử dụng sắn dây

2.1 Với dạng củ sắn dây thái phiến

Cách dùng: Sau khi phơi sấy khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là uống được, uống thay trà trong ngày. Khi uống có thể pha chút đường phèn tăng hương vị.

Tác dụng: Sinh tân, chỉ khát, giải biểu.

photo-1684742225861

Cát căn thái miếng có thể hãm với nước sôi uống trong ngày.

2.2 Với bột sắn dây

Cách dùng: Lấy 3 thìa cà phê bột sắn dây, thêm đường trắng hòa với nước lọc, quấy đều rồi uống, có thể thêm một chút nước cốt chanh.

Tác dụng: Giải biểu, tuyên độc, sinh tân, tán nhiệt.

photo-1684742226847

Nước bột sắn dây giải nhiệt, dễ làm.

2.3 Cháo sắn dây gạo tẻ

Thành phần: Bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g.

Cách thực hiện: Gạo ngâm nước một đêm, đem nấu cùng bột sắn thêm một chút đường để ăn.

Công dụng: Phù hợp cho tình trạng bệnh nhân sốt, mệt mỏi, kiết lỵ, ăn uống kém.

2.4 Nước rau má sắn dây

Thành phần: Rau má tươi 20-30g, bột sắn 20g.

Cách dùng: Rau má rửa sạch, giã nát thêm 100-200ml nước sôi, gạn lấy nước hòa với bột sắn uống, có thể thêm đường cho dễ uống.

Tác dụng: Dùng khi bệnh nhân sốt, mụn nhọt, kiết lỵ ra máu, nóng trong hay khát nước.

2.5 Nấu chè bột sắn dây

Thành phần: Bột sắn dây 3 thìa, nước 200ml, đường trắng 2 thìa.

Cách dùng: Cho nước, bột sắn dây, đường vào trong nồi, quấy đều cho đến khi bột sắn không còn vón cục. Đặt lên bếp đun nhỏ lửa, dùng thìa đũa quấy đều, đun đến khi bột sắn quánh lại, chuyển sang màu trắng trong thì tắt bếp.

photo-1684742227295
 

Chè bột sắn dây

2.6 Bài thuốc 'Cát căn thang'

Thành phần: Cát căn 160g, ma hoàng (bỏ mắt) 120g, quế chi 80g, thược dược 80g, sinh khương 120g, cam thảo 160g, đại táo 12g.

Cách dùng: Nấu 800ml nước cát căn và ma hoàng còn 600ml, hớt bỏ bọt rồi cho các vị thuốc khác vào, sắc còn 300ml, lọc bã, uống khi còn ấm. Uống xong trùm chăn cho ra mồ hôi.

Tác dụng: Giải biểu, phát hãn, thăng tân dịch, thư cân.

Chủ trị: Cảm mạo, cúm, viêm ruột cấp tính, lỵ trực khuẩn giai đoạn đầu.

photo-1684742227669
 

Cát căn là vị thuốc chính trong bài thuốc Cát căn thang

3. Lưu ý khi dùng sắn dây

  • Lựa chọn nguồn cung cấp sắn dây uy tín, đảm bảo chất lượng, tránh mua hàng giả.
  • Cát căn kỵ với mật ong, hoa bưởi, sen, nhài nên không được dùng chung. Nguyên nhân do cát căn vị ngọt, tính hàn; hoa bưởi, sen, nhài vị đắng, tính ấm... nếu dùng chung (như nấu, sắc) sẽ làm giảm tác dụng thanh nhiệt của cát căn.
  • Trẻ em, phụ nữ mang thai, cơ thể bị lạnh, mệt mỏi, người động thai, người có bụng yếu, tiêu chảy, chân tay lạnh không nên dùng.
  • Mỗi ngày chỉ nên uống 01 ly sắn dây, pha với lượng đường vừa phải.

Theo suckhoedoisong.vn