Cảm lạnh gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho, chảy nước mắt và chảy nước mũi sau… Uống trà hoặc các chất lỏng ấm khác thường giúp giảm bớt các triệu chứng của cảm lạnh: Giúp cơ thể giữ nước, giảm nghẹt mũi và làm dịu cổ họng.

Dưới đây là 8 loại trà tốt nhất để phòng và trị cảm lạnh:

1. Trà bạc hà trị cảm lạnh

Trà bạc hà hoạt động như một chất long đờm tự nhiên, giúp làm sạch chất nhầy khỏi đường thở. Tinh dầu trong trà bạc hà không chỉ giúp giảm nghẹt mũi mà còn giúp giảm đau họng. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó cũng có thể có hoạt tính chống virus và chống oxy hóa.

Ngoài ra, nếu bạn đang cảm thấy buồn nôn, trà bạc hà là một lựa chọn tốt để giảm buồn nôn và tốt cho tiêu hóa.

2. Trà chanh

Trà chanh có chứa vitamin C, rất tốt cho mùa cảm lạnh và cúm. Vitamin C không ngăn ngừa cảm lạnh nhưng nó có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh.

Để có được những lợi ích tiềm năng này, hãy đảm bảo tiêu thụ đủ vitamin C thường xuyên. Uống vitamin C sau khi bạn bị cảm lạnh không cải thiện được triệu chứng.

Để tăng cường vitamin C từ chanh, bạn có thể uống trà chanh hoặc có thể thêm chanh vào loại trà yêu thích của mình. Nó đặc biệt tốt khi kết hợp với trà gừng hoặc trà xanh.

8 loại trà giúp phòng ngừa cảm lạnh- Ảnh 1.

Trà hoa cúc làm dịu cơn đau họng do cảm lạnh.

3. Trà hoa cúc

Hoa cúc đã được sử dụng trong y học trong hàng ngàn năm. Ngày nay, nhiều người vẫn dùng trà hoa cúc để thư giãn. Tuy nhiên nghiên cứu về lợi ích của hoa cúc vẫn còn khiêm tốn. Một số nghiên cứu cho thấy hoa cúc có thể giúp giảm lo lắng và làm dịu cơn đau dạ dày.

Một đánh giá năm 2019 cho thấy hoa cúc có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người không bị mất ngủ. Hít hơi nước với chiết xuất hoa cúc giúp giảm triệu chứng cảm lạnh.

Các thành phần trong trà hoa cúc có thể không làm giảm các triệu chứng cảm lạnh cụ thể, nhưng có khả năng cải thiện giấc ngủ để bạn phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, uống chất lỏng ấm làm dịu cơn đau họng.

4. Trà cúc dại (Echinacea)

Echinacea là một loài hoa có nguồn gốc từ Bắc Mỹ được cho là có lợi cho sức khỏe miễn dịch. Bạn có thể tìm thấy trong nhiều chế phẩm khác nhau, bao gồm cả trà.

Nhìn chung, nghiên cứu về lợi ích của Echinacea còn chưa thống nhất, nhưng một số nghiên cứu đã tìm thấy những lợi ích liên quan đến cảm lạnh thông thường và cúm, cho thấy echinacea có thể làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh. Do đó, đây là một loại trà mà bạn nên uống trong mùa lạnh thay vì đợi đến khi bị cảm lạnh mới uống.

Một nghiên cứu với gần 500 người tham gia đã phát hiện ra rằng trà echinacea có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ biến chứng và tác dụng phụ do virus cúm.

5. Trà gừng

Gừng thường được dùng để giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh, giúp giảm tắc nghẽn do cảm lạnh. Ngoài ra, gừng rất giàu chất dinh dưỡng thực vật gingerols. Cùng với các hợp chất phenolic khác như quercetin và zingerone, gừng thường được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như buồn nôn.

Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy buồn nôn hoặc có các triệu chứng ở mũi, gừng có thể giúp ích.

8 loại trà giúp phòng ngừa cảm lạnh- Ảnh 2.

Trà gừng giúp giảm bớt các triệu chứng cảm lạnh.

6. Trà xanh

Trà xanh cũng rất tốt trị cảm lạnh và cúm. Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây cho thấy catechin trong trà xanh ngăn ngừa nhiễm trùng cúm một cách hiệu quả. Mỗi tách trà xanh chứa khoảng 150 mg các chất phytochemical (có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm). Tiêu thụ 1–5 tách trà xanh mỗi ngày dường như là lượng lý tưởng để giúp ngăn ngừa cảm lạnh và cúm.

Lưu ý, trà xanh có chứa caffeine (khoảng 30 - 50 mg mỗi cốc). Do đó, nên tiêu thụ caffeine ở mức độ vừa phải khi bị cảm vì có thể gây lợi tiểu.

Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể vì hydrat hóa rất quan trọng đối với sức khỏe của màng nhầy và khả năng bảo vệ cơ thể bạn chống lại virus.

7. Trà ổi

Trà ổi có thể không phải là thứ đầu tiên bạn nghĩ đến khi bị cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên đây là loại trà được làm bằng lá ổi, chứa nhiều vitamin C, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch.

Lá ổi cũng rất giàu chất chống oxy hóa, bao gồm flavonoid và quercetin, cũng có thể nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng trà ổi có thể giúp kiểm soát sự lây lan của bệnh cúm.

8. Trà rễ cam thảo

Rễ cam thảo là một thành phần được sử dụng trong y học cổ truyền. Đôi khi, nó được sử dụng dưới dạng viên ngậm để giúp trị đau họng.

Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng cam thảo có chứa flavonoid và triterpenoid có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm và kháng virus. Thành phần hoạt chất chính là glycyrrhizin, có thể giúp ngăn ngừa và điều trị virus cúm. Rễ cam thảo cũng có thể giúp giảm các triệu chứng tiêu hóa.

Để pha trà tại nhà, hãy đun sôi nước và ngâm trà vào. Đối với hầu hết các loại trà, 3 -5 phút là đủ, nhưng hãy làm theo hướng dẫn trên bao bì vì thời gian ngâm tối ưu có thể thay đổi tùy theo loại trà bạn đang uống.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch Bệnh (CDC) Hoa Kỳ, mật ong có thể giúp giảm ho ở người lớn và trẻ em trên một tuổi, vì vậy bạn có thể thêm mật ong vào trà để tăng thêm hương vị và gia tăng tác dụng.

Khi bạn bị cảm, trà nóng có thể giúp làm thông mũi và làm dịu cổ họng. Thêm chanh và mật ong vào bất kỳ loại trà nào có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe miễn dịch và giảm ho.

Theo suckhoedoisong.vn