Bạch truật còn có tên gọi khác là ư truật, đông truật, triết truật.
Tên khoa học Atractylodes macrocephala Koidz. Atractylis macrocephala (Koidz) Hand. Mazz.; Atractylis ovata Thunb. Thuộc họ Cúc Compositae.
Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây bạch truật.
Trong bạch truật có tinh dầu (1,4%), nhưng thành phần hoạt chất chưa rõ.
1. Công dụng và liều dùng của bạch truật
Theo bác sĩ nội trú Nguyễn Thành Vương – Khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Hà Nội, đông y coi bạch truật là một vị thuốc bổ bồi dưỡng, chủ yếu bổ tì, kiện vị, hóa thấp, chỉ tả (cầm đi ngoài), chữa sốt, an thai, bổ máu, dùng trong các trường hợp sốt, ra mồ hôi, phù thũng, viêm ruột mạn tính.
Theo tài liệu cổ, bạch truật vị ngọt, đắng tính hơi ôn, vào hai kinh tỳ và vị... có tác dụng kiện vị, hòa trung, táo thấp, hóa đờm, lợi tiểu, làm hết mồ hôi, an thai.
Tác dụng: Chữa tỳ hư chướng mạn, hung cách phiền muộn, tiết tả, thủy thũng, đàm ẩm, trị hãn (mồ hôi trộm), thai khí không yên. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Không dùng cho người phàm âm hư lại táo kết.
2. Một số món ăn bài thuốc chữa bệnh từ bạch truật
Bác sĩ nội trú Nguyễn Thành Vương giới thiệu một số dược thiện có bạch truật như sau:
Trị phụ nữ đau bụng đầy tức chướng hơi từng cơn
- Cháo lòng lợn bạch truật: Bạch truật 40g, cau 1 quả, gừng nướng 40g, ruột lợn 1 đoạn, gạo tẻ 60g.
- Cách chế biến: Ruột lợn làm sạch, thái đoạn; các dược liệu thái lát, đập giập sắc lấy nước, bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo với lòng lợn, khi cháo chín nhừ cho nước sắc thuốc vào, thêm gia vị đun sôi. Ăn khi đói.
Điều trị các chứng ăn kém, khó tiêu, đại tiện lỏng nát…
- Cao lỏng bạch truật: Bạch truật 300g.
- Cách chế biến: Sắc lấy nước, bỏ bã, cô đặc thành cao lỏng (tỷ lệ 1/1). Mỗi lần dùng 2 - 3 thìa, ngày uống 2 lần với nước sôi để nguội có chút đường.
Đại táo phối hợp với sinh bạch truật trong bánh khảo bạch truật cho người suy nhược.
Trị tiêu chảy, đầy bụng chán ăn
- Cháo bạch truật vỏ quất: Bạch truật 24g, vỏ quất 14g, gạo tẻ 100g.
- Cách chế biến: Bạch truật, vỏ quất sắc lấy nước bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước sắc dược liệu vào, đun sôi, có thể thêm đường hoặc muối và gia vị. Ăn khi đói.
Phụ nữ bị suy nhược
- Cháo nếp sâm kỳ truật táo: Bạch truật 12g, đảng sâm 12g, hoàng kỳ 30g, đại táo 14g, gạo nếp 50g.
- Cách chế biến: Sắc 4 vị thuốc lấy nước bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước thuốc vào đun sôi lại trong vài phút. Ăn ngày 2 lần sáng, chiều.
Trẻ em hay bị chảy bọt nhãi
- Nước hồ bạch truật: Sinh bạch truật 10g.
- Cách chế biến: Giã nhỏ, cho ít nước cơm, thêm nước vừa đủ, chưng nhỏ lửa trên bếp. Ngày ăn 3 lần.
Món ăn cho người cao tuổi, người suy nhược, trẻ nhỏ ăn kém, tiêu chảy mạn tính
- Bánh khảo bạch truật: Sinh bạch truật 250g, đại táo 250g, bột gạo hoặc bột mì 500g.
- Cách chế biến: Sinh bạch truật nghiền nhỏ, rang chín, đại táo (đồ chín bỏ hạt), cho bột gạo (hoặc bột mì), thêm nước giã trộn thành 10 cái bánh, hấp chín. Ăn điểm tâm ngày 1 - 2 cái
Kiêng kỵ: Người có chứng âm hư hỏa vượng không dùng.
Theo suckhoedoisong.vn