Dấu hiệu chủ yếu của viêm dạ dày là căng tức hay nóng ran vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi hoặc ợ chua, miệng đắng, chướng bụng, chán ăn…

Viêm dạ dày ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, do đó ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân.

Khi có triệu chứng bệnh, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh, từ đó có phương hướng điều trị phù hợp và kịp thời. Bệnh lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến chứng như chảy máu dạ dày hoặc nôn ra máu rất nguy hiểm.

Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Để nâng cao hiệu quả điều trị có thể dùng con nhộng – thức ăn, vị thuốc hỗ trợ thêm.

Công dụng chữa bệnh của con nhộng

Trong sách thuốc Đông y, nhộng có tên là "tàm dũng" hay "tiểu phong nhi". Để sử dụng làm thuốc, sau khi tằm làm kén, người ta lấy nhộng ra, loại bỏ tạp chất, phơi hay sấy khô, sau đó bảo quản nơi khô mát, để dùng khi cần.

Theo Đông y, nhộng có vị mặn, ngọt, bùi béo, tính bình, không độc, vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng kiện tỳ, bổ dưỡng, lợi tiêu hóa, mạnh gân xương. Trẻ em ăn nhộng tằm rất tốt vì canxi và phospho trong nhộng rất cần cho sự phát triển của trẻ, chống còi xương.

Người cao tuổi, người mắc bệnh lâu ngày, cơ thể hư nhược, mệt mỏi mạn tính… có thể dùng nhộng thường xuyên.

photo-1699004406180

Con nhộng sấy khô, tán bột chữa viêm dạ dày

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, nhộng là thức ăn giàu dinh dưỡng, chứa nhiều hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe. Trong nhộng có tới 16 loại trong số các loại acid amin phân giải trong nước; trong 16 loại này có tới 7 loại là acid amin thiết yếu, chiếm tới 60% tổng lượng các acid amin trong nhộng.

Nhộng còn chứa các loại dầu béo chủ yếu là các acid béo; các hoạt chất sinh học như Ecdysone, Crustedysone, Bobmicesterin, Bombykol; các vitamin A, B2, D và ergosterol.

Liều dùng: 50-100g/ngày.

photo-1699004407150

Vị thuốc hồ đào kết hợp với con nhộng chữa sa dạ dày

Một số phương thuốc từ con nhộng

Hỗ trợ điều trị viêm dạ dày mạn tính, người mắc bệnh lâu ngày, mệt mỏi mạn tính: Nhộng 90g, sấy khô, tán thành bột mịn; mỗi lần uống 3g, chiêu bằng nước cơm hoặc nước ấm.

Chữa sa dạ dày, đầy bụng, khó tiêu, đau thượng vị, hôi miệng : Nhộng tằm 50g (sao vàng), hồ đào 100g thái nhỏ, thêm nước, hấp cách thủy cho chín nhừ, ăn cái uống nước.

Chữa bệnh động kinh: Nhộng tằm 60g nấu với đường phèn.

Chữa trẻ em cam tích, ăn uống kém, suy dinh dưỡng: Nhộng sao chín, tán thành bột mịn, ngày dùng 8-12g, trộn với cháo hoặc trộn với mật ong.

Chữa bệnh sởi, mụn sởi mọc không đều: Nhộng 25g, rau hẹ 12g, xào chín, ăn cùng cơm nóng.

Thuốc kiện tỳ bổ hư, hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, lao lực, người gầy yếu: Chế biến nhộng thành các món ăn, dùng trong bữa cơm hàng ngày.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tâm phiền mất ngủ: Nhộng 30-40g, rượu trắng 60ml; nước 200ml, sắc còn 120ml, lọc bỏ nhộng; chia 2 phần, uống trong ngày.

Theo suckhoedoisong.vn